Không chỉ thành lập các trung tâm giới thiệu việc làm "ma", một số đối tượng xấu còn tìm cách giăng bẫy trên các trang mạng xã hội để tìm kiếm con mồi, chủ yếu là lao động ngoại tỉnh. Do cần việc làm, không ít người lao động (NLĐ) đã rơi vào bẫy "việc nhẹ, lương cao" của những đối tượng này.
Đủ kiểu moi tiền
Chỉ cần lên mạng gõ các từ khóa liên quan tìm việc làm thì sẽ hiện ra hàng loạt đầu việc như: văn phòng, tiếp thị, bốc vác, tài xế, phụ xe… với mức lương hấp dẫn 600.000 đồng/ngày, 14 - 18 triệu đồng/tháng, làm hết ngày là nhận tiền ngay, được bao ăn, ở…
Một nhóm lao động làm công việc bốc xếp tại KCN Sóng Thần Ảnh: BẠCH ĐẰNG
Gọi vào điện thoại của một trang mạng chuyên tuyển lao động, bên kia đầu dây là một phụ nữ rất vồn vã. Sau vài câu hỏi về tuổi tác, quê quán, trình độ học vấn, người phụ nữ này khẳng định chỉ cần có chứng minh thư, 2 tấm ảnh (3x4) là có việc làm ngay. "Sáng mai, anh đến Bến xe An Sương để nhận việc. Khi đi nhớ mang theo 500.000 đồng để đóng tiền đồng phục và tiền thẻ nhân viên" - người phụ nữ căn dặn.
Đúng hẹn, chúng tôi có mặt tại Bến xe An Sương và gọi vào số điện thoại trên thì được một phụ nữ hướng dẫn đến một điểm tuyển dụng lao động nằm gần ngã tư An Sương. Tiếp chúng tôi là một nữ nhân viên trẻ và khá lanh lợi. Tại đây, sau khi tư vấn về công việc và mức lương được nhận, nữ nhân viên yêu cầu tôi đóng 500.000 đồng tiền ký quỹ. Công việc mà tôi sẽ làm là phụ kho, phụ xe và xếp dỡ hàng hóa với mức lương thỏa thuận là 600.000 đồng/ngày. Khi chúng tôi thắc mắc chưa biết công việc thế nào mà đã mất 500.000 đồng, nữ nhân viên này bĩu môi: "Nam nhi trai tráng sức vóc như vậy mà sợ mất tiền. Anh có đi làm hay không thì nói để tôi còn tiếp người khác". Sau khi tôi nộp 500.000 đồng theo yêu cầu, nữ nhân viên này lại yêu cầu đóng thêm 200.000 đồng tiền làm thẻ ra vào công ty. Biết là làm tiền nhưng chúng tôi đành chi thêm. Đếm tiền xong, nữ nhân viên này đưa cho chúng tôi một bản hợp đồng khoán việc, bên dưới có đóng mộc Công ty TNHH TMDV…"Tích Tắc". Công ty này có người đại diện ký tên nhưng không ghi rõ chức vụ. Ngay sau đó, một thanh niên bước vào trung tâm, trao đổi vài câu rồi móc bóp 500.000 đồng đưa cho nữ nhân viên này. Chúng tôi được thanh niên này đưa cho một số điện thoại liên lạc để nhận việc tại KCN Sóng Thần, tỉnh Bình Dương.
Đến điểm hẹn tại đường số 2, KCN Sóng Thần, chúng tôi lại được hướng dẫn đến một phòng trọ chật hẹp, không biển số nhà, có mấy thanh niên xăm trổ đang ngồi chờ và phổ biến công việc cho NLĐ. Tại đây, chúng tôi được cung cấp thêm thông tin trong 10 ngày làm việc đầu tiên, NLĐ phải đóng thêm 250.000 đồng tiền bảo hiểm, đồng phục. Mức lương 600.000 đồng/ngày là lương ăn theo sản phẩm, nghĩa là nếu làm đủ chỉ tiêu thì mới được hưởng, còn chỉ tiêu là bao nhiêu thì tùy tính chất công việc. Khi chúng tôi đồng ý đóng tiền, người thanh niên lập tức lấy bản hợp đồng khoán việc bỏ vào hộc bàn. Khi chúng tôi đề nghị xin lại, người thanh niên trợn mắt hăm dọa: "7 giờ sáng hôm sau đến đây nhận việc. Công ty chúng tôi làm ăn uy tín, không cần giấy má gì".
Lao động như khổ sai
Đúng hẹn, sáng hôm sau, chúng tôi trở lại, lúc này có gần 10 NLĐ được chở đến. Sau đó, cả nhóm được xe ôm đưa đến một nhà kho có treo biển "Kerry Logistics" do một thanh niên quản lý.
Để vào được cổng, thanh niên này yêu cầu chúng tôi mặc đồng phục có ghi "Công ty TNHH T.L". Trước khi vào việc, thanh niên này nhắc đi nhắc lại khoản tiền công làm việc 600.0000 đồng/ngày chỉ tính từ thời gian làm việc chính thức, còn thời gian thử việc 5 ngày được tính theo cách khác. Đặc biệt, NLĐ phải làm việc trên 10 ngày mới được trả lại tiền ký quỹ. Sau đó, chúng tôi được thanh niên này hướng dẫn công việc. Quan sát một lượt, chúng tôi thấy khu vực kho có hơn 10 xe, vừa xe tải vừa container đang chờ bốc dỡ hàng lên xuống. Nhiệm vụ của NLĐ là bốc dỡ hàng hóa (chủ yếu là nhu yếu phẩm) từ kho ra xe.
Dù đã chuẩn bị tâm lý rất kỹ khi nhận làm bốc vác song tôi vẫn không thể hình dung được mức độ nặng nhọc, độc hại của công việc này. Thực tế, NLĐ phải làm việc không ngơi tay. Xe tải đậu ngoài nắng, bụi bay mù mịt nên chỉ vừa vác hàng được 10 phút là chúng tôi thở dốc. Cực nhọc nhất là vác những thùng nước mắm nặng hơn 25 kg chất lên xe. Vác hàng lên xe tải thì còn có không khí để thở vì thùng xe thoáng, gặp những container tối om sâu hun hút thì không khác gì chui vào lò lửa. Sau buổi sáng làm việc vất vả, chúng tôi được phát một hộp cơm để ăn. Tranh thủ thời gian nghỉ ăn trưa, tôi hỏi chuyện thì hầu hết cho biết chỉ mới làm việc được 3-4 ngày. Duy nhất có thanh niên tên Huy, từ Vĩnh Long lên là đã qua 5 ngày thử việc. Huy cho biết đêm qua đã phải tăng ca đến tận đêm vì thiếu người. "Làm cái việc bốc vác đơn giản này mà cũng phải thử việc, hết 5 ngày thử việc, em hỏi lương thì lại bị kêu làm thêm 5 ngày nữa, đuối quá nhưng nghỉ lại sợ mất tiền cọc cả triệu đồng nên ráng đu theo" - Huy nói. Buổi chiều, cường độ công việc cao hơn, do vậy đến 17 giờ, mọi người đều đã mệt nhoài, trong khi hàng chất lên các xe vẫn chưa đầy. Lúc này, người thanh niên lúc sáng xuất hiện và yêu cầu mọi người phải tăng ca đêm. Nhiều người không đồng ý vì đã kiệt sức và chán nản. Khi chúng tôi thắc mắc việc chấm công, người thanh niên trả lời tỉnh bơ: "Đã nói rồi, ăn theo sản phẩm, làm chung cả nhóm, mai mốt chia cho mọi người. Được bao nhiêu thì tới đó sẽ biết!". Kết thúc ngày làm việc, chúng tôi được ghi tên điểm danh vào một quyển sổ sơ sài. Những người được công ty "bao ăn ở" bị yêu cầu ở lại làm tiếp ca đêm.
Kỳ tới: Thoát khỏi "động quỷ"
Treo đầu dê bán thịt chó
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết nhiều NLĐ ở miền Tây đăng ký công việc là lái xe, thế nhưng, khi lên nhận việc lại được đơn vị sử dụng lao động đưa đi bốc vác. Do đó, có người chỉ làm một buổi sáng do không chịu nổi nên chấp nhận bỏ việc, đồng nghĩa với mất tiền cọc. "Cả buổi chiều, 2 người bốc xếp hụt hơi 30 khối hàng lên xe tải mà làm không xong. Cứ cho là một ngày làm được 2 xe, như vậy được hơn 250.000 đồng, chia đều thì mỗi người giỏi lắm được hơn 100.000 đồng. Đã bị lừa mà còn bị bóc lột" - anh Huy, một công nhân làm việc tại đây, bức xúc.
Bình luận (0)