Theo Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, từ đầu năm 2018 đến nay, cả nước ghi nhận khoảng 210.000 trường hợp mắc cúm gồm các chủng A/H1N1, A/H3N2 và cúm B. Số ca mắc cúm tập trung chủ yếu ở miền Bắc - nơi có khí hậu thuận lợi cho sự phát triển của cúm mùa với 131.000 trường hợp - nhưng số người tử vong lại dồn dập ở miền Nam.
Không qua khỏi do bội nhiễm
Nạn nhân tử vong gần đây nhất do cúm A/H1N1 là một sản phụ 35 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Tháp. Chị N.T.V mang thai ở tuần 32, được bệnh viện (BV) địa phương chuyển đến BV Bệnh Nhiệt đới TP HCM điều trị cách đây khoảng 1 tháng trong tình trạng suy hô hấp, sốt cao.
Dù được cách ly điều trị tích cực, đặt nội khí quản thở máy nhưng tình trạng suy hô hấp của bệnh nhân không cải thiện. Trước tình trạng sinh mạng cả mẹ và con bị đe dọa nên BV Bệnh Nhiệt đới đã hội chẩn cùng BV Từ Dũ phẫu thuật cứu đứa bé. Bé gái sinh non cân nặng 1,6 kg chào đời khỏe mạnh, không bị nhiễm cúm A/H1N1. Theo TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới, con được cứu sống nhưng người mẹ đã không qua khỏi. Chị V. đã qua đời hôm 17-7.
Cùng thời điểm trên, tại tỉnh Tây Ninh, 1 bệnh nhân cũng tử vong do nhiễm cúm A/H1N1 là ông H.H.H, 48 tuổi. Một tuần trước đó, ông H. có các triệu chứng như mệt, khó thở, sốt cao… nên được gia đình đưa đến cơ sở y tế tư nhân tại địa phương, sau đó chuyển xuống TP HCM điều trị. Tuy nhiên, sau 1 tuần điều trị, do bệnh nhân có tiền căn bệnh tán huyết, thiếu men G6PD và bệnh đái tháo đường nên không chống chọi lại được bệnh tật, tử vong vào ngày 17-7.
Trong tháng 6-2018, trên địa bàn TP HCM cũng ghi nhận 3 người tử vong do nhiễm loại cúm này. Như vậy, từ đầu năm đến nay, tại các tỉnh, thành miền Nam đã có ít nhất 7 ca tử vong do cúm A/H1N1.
Thông tin từ BV Chợ Rẫy (TP HCM) cho hay ổ cúm A/H1N1 xuất hiện từ ngày 11-6 ở BV khiến 24 người nhiễm - trong đó 2 ca tử vong - hiện đã được khống chế. Các bệnh nhân tử vong đều có nguy cơ biến chứng cao khi nhiễm cúm như lớn tuổi, mắc bệnh mãn tính (suy thận mãn, đái tháo đường…), cơ địa béo phì và không được chích ngừa.
Theo PGS-TS-BS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc BV Chợ Rẫy, với lưu lượng người ra vào BV mỗi ngày lên đến 15.000-20.000, việc phòng chống dịch bệnh rất khó khăn. Tuy vậy, ngay sau khi kết quả xác định có bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1, BV đã đồng loạt triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch nên đã khống chế thành công.
Bà bầu là một trong những đối tượng dễ mắc cúm A/H1N1 Ảnh: NGUYỄN THẠNH
Chủ động phòng bệnh để tránh nhiễm cúm A/H1N1 Ảnh: NGUYỄN THẠNH
Chết do chủ quan, tự mua thuốc uống
Tại Việt Nam, dù chưa ghi nhận sự biến đổi về độc lực của chủng virus cúm A/H1N1 nhưng với hàng trăm ca nhiễm cúm, trong đó 7 trường hợp tử vong tại khu vực phía Nam, giới chuyên môn cho rằng đây là hiện tượng rất cần được lưu tâm. Nếu trước đây, cúm mùa thường dễ mắc và lây lan vào mùa đông xuân thì những năm gần đây, bệnh xuất hiện quanh năm.
Virus cúm mùa có thể tấn công mọi đối tượng ở nhiều nhóm tuổi khác nhau nhưng trẻ nhỏ, người cao tuổi, người mắc bệnh mãn tính (suy thận, đái tháo đường…), người suy giảm miễn dịch (HIV/AIDS) và người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính có nguy cơ cao hơn. Ngay cả những người khỏe mạnh, nếu chủ quan cũng có thể tử vong do nhiễm cúm mùa.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng Khoa Cấp cứu BV Bệnh Nhiệt đới trung ương, cho biết BV vẫn tiếp nhận rải rác ca mắc cúm đến khám. Trong số này, 1-2 bệnh nhân bị nặng phải nhập viện. Do được phát hiện, điều trị sớm nên bệnh nhân đều ổn định, không có trường hợp tử vong.
Theo bác sĩ Cấp, đối với người khỏe mạnh, nguy hiểm nhất là virus cúm gây biến chứng viêm cơ tim, viêm phổi. Những bệnh nhân này nếu không được sử dụng thuốc kháng virus sớm thì nguy cơ tử vong rất cao. "Thực tế, chúng tôi đã ghi nhận trường hợp nam giới là tài xế từng có sức khỏe rất tốt nhưng do chủ quan, nghĩ chỉ mắc cảm xoàng thông thường nên tự mua thuốc điều trị. Đến khi bệnh nhân nhập viện thì đã quá muộn" - bác sĩ Cấp cảnh báo.
GS-TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới trung ương, nhấn mạnh do việc giao lưu đi lại thuận lợi và dễ dàng nên virus cúm cũng xâm nhập nhanh hơn. Hiện nay, cúm A/H1N1 lưu hành ở nhiều nước nên không loại trừ việc khách du lịch, du học sinh mang mầm bệnh từ các nước có dịch trở về và chỉ sau một bữa tiệc liên hoan, gặp mặt bạn bè, người thân, virus cúm có thể lây lan sang những người khác. "Năm 2009, cúm A/H1N1 đại dịch ở Việt Nam cũng bắt nguồn từ một du học sinh trở về từ Mỹ. Sau đó, dịch bùng phát mạnh mẽ ở nước ta khiến gần 10.000 người mắc và hàng chục trường hợp tử vong" - GS Kính nhớ lại.
Hiện các chủng cúm mùa lưu hành trên thế giới và Việt Nam chủ yếu là cúm A/H1N1, A/H3N2 và cúm B. Tuy nhiên, cúm thể A là thể thường xuyên "làm mới" bản thân bởi chúng có sự biến đổi liên tục và có thể tạo thành các chủng virus có độc lực cao, lây lan nhanh, ảnh hưởng cho sức khỏe người dân.
"Đặc tính của cúm là biến đổi thường xuyên, trong khi các gien của virus cúm có thể tái tổ hợp để tạo thành các chủng cúm đe dọa sức khỏe con người. Vì thế, giới chuyên môn luôn khuyến cáo người dân chủ động tiêm phòng vắc-xin cúm mùa để ngừa nhiễm và hạn chế tình trạng bệnh diễn biến nặng khi nhiễm" - GS Kính nhấn mạnh.
10% người nhiễm cúm diễn tiến nặng
Lý giải việc chủng cúm mùa H1N1 lan rộng thời gian qua, các chuyên gia dịch tễ cho rằng một trong những lý do chính là người dân và một số cơ sở y tế chưa nhận thức được mức độ dễ lây lan của bệnh để có phương án phòng và điều trị phù hợp. Người dân vẫn mang tâm lý chủ quan, coi đó là "cúm xoàng" nên không mấy bận tâm khi có các biểu hiện sốt, hắt hơi, chảy mũi, ho, viêm họng...
Theo GS Nguyễn Văn Kính, khoảng 10% người nhiễm cúm, bệnh sẽ diễn biến nặng, thậm chí tử vong nếu không được điều trị sớm. Cúm A/H1N1 có biểu hiện giống với triệu chứng cúm thông thường, chỉ có thể phát hiện bệnh bằng cách xét nghiệm dịch mũi họng tại các cơ sở y tế. Tuy nhiên, nếu cơ thể có biểu hiện tức ngực, khó thở, ho ra máu, sốt cao, người dân cần đến ngay các cơ sở y tế. Đặc biệt, nếu những biểu hiện này xuất hiện ngay sau khi tiếp xúc bệnh nhân hoặc người nghi ngờ nhiễm cúm, cần khẩn trương khám và xét nghiệm. Khác với các chủng cúm A/H3N1, cúm B - thường chỉ tấn công các tế bào thuộc phần trên của hệ hô hấp, cúm A/H1N1 có khả năng tấn công sâu vào tế bào phổi, gây viêm phổi, rất nguy hiểm.
Giới chuyên môn cho biết đến nay, với các trường hợp nhiễm cúm mùa, thuốc kháng virus Tamiflu vẫn được coi là một vũ khí quan trọng trong quá trình điều trị. Tuy nhiên, do những phản ứng phụ của thuốc nên người dân không được tự ý sử dụng Tamiflu mà phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ.
Tỉ lệ tiêm ngừa thấp
Theo PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM, trong 6 tháng đầu năm 2018, các ca bệnh cúm A/H1N1 gia tăng hơn những năm trước. Nguyên nhân là do tỉ lệ tiêm ngừa thấp. Hiện tỉ lệ tiêm ngừa cúm của Việt Nam chỉ đạt dưới 1% tổng dân số.
BS Lê Hồng Nga, Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm - Trung tâm Y tế Dự phòng TP HCM, khẳng định tiêm chủng là biện pháp hiệu quả để phòng bệnh cúm. Vắc-xin cúm được phép chỉ định cho người từ 6 tháng tuổi trở lên, sử dụng được cho thai phụ. Những người có nguy cơ diễn tiến nặng được khuyến cáo tiêm phòng cúm hằng năm.
Dấu hiệu và cách chữa
Bệnh nhân mắc cúm A/H1N1 thường có các triệu chứng: Sốt cao đột ngột (trên 38 độ C); ho khan kèm theo biểu hiện đau họng; sổ mũi, chảy nước mũi; người mệt mỏi, đau nhức cơ khắp người; đau đầu; có thể kèm theo tình trạng chảy nước mắt, mắt đỏ.
Những người bị bệnh nếu không có nguy cơ diễn tiến nặng hoàn toàn có thể được điều trị tại nhà và tự khỏi trong vài ngày. Trong thời gian này, bệnh nhân nên nghỉ ngơi ở nhà, không đi học, đi làm trong vòng 7 ngày. Không nên đi đến những nơi tập trung đông người, nếu đến phải mang khẩu trang. Rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng. Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, giàu vitamin để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý dùng thuốc kháng virus. Đưa bệnh nhân đến bệnh viện ngay khi có các triệu chứng nặng.
Bình luận (0)