Tổng cục Hải quan vừa cho biết từ tháng 9 đến 12-2021, Công ty CP Công nghệ Việt Á (Việt Á) đã nhập que test nhanh Covid-19, chủng loại Novel Coronavirus 2019-nCoV Antigen Test (Colloidal Gold) từ Trung Quốc, tổng giá trị 64,68 tỉ đồng.
Nhập khẩu que test làm gì?
Từ vụ việc "thổi giá" kit xét nghiệm, việc Việt Á nhập que test nhanh từ Trung Quốc được dư luận rất quan tâm, đặt nhiều nghi vấn về năng lực sản xuất kit xét nghiệm của doanh nghiệp (DN) này.
Bên cạnh đó, từ năm 2017 đến 2021, Việt Á nhập khẩu nguyên liệu hóa chất, chất thử, phụ kiện, dụng cụ, máy móc dùng trong phòng thí nghiệm, nguyên liệu sản xuất sinh phẩm chẩn đoán xét nghiệm từ nhiều thị trường như: Trung Quốc, Mỹ, Anh, Canada, Mexico, Đài Loan (Trung Quốc), Đan Mạch... với tổng kim ngạch 286 tỉ đồng.
Cơ sở sản xuất của Việt Á có đủ khả năng cung cấp 3 triệu kit test/tháng trong diện tích chật hẹp tại Bình Dương? Một chuyên gia y tế cho biết nguyên tắc sinh phẩm quan trọng nhất là đoạn mồi đặc hiệu để sao chép đúng mã đoạn gien nhằm phát hiện ngưỡng. Khi có mồi đặc hiệu sẽ nhân bản lên, sau đó pha chế bằng hóa chất để ra sinh phẩm xét nghiệm. Với các thiết bị khác hay hóa chất có thể nhập khẩu, phối trộn để tạo ra thành phẩm hoàn chỉnh.
Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ Việt Á Phan Quốc Việt giới thiệu sản phẩm kit xét nghiệm tại buổi họp báo hồi tháng 3-2020 Ảnh: NGỌC DUNG
Theo một số chuyên gia y tế, kit xét nghiệm của Việt Á được đánh giá đạt yêu cầu về chất lượng với độ nhạy, độ đặc hiệu tương đương kit của Đức và của CDC Mỹ sử dụng thời điểm đó.
Trước đó, một thành viên nhóm nghiên cứu, chế tạo bộ sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 của Học viện Quân y cho biết quy trình nghiên cứu, sản xuất sản phẩm này được đánh giá bởi hội đồng độc lập, khách quan. Gần 80 người tham gia nhóm nghiên cứu, trong đó 17 thành viên chính là các giáo sư, tiến sĩ và chuyên gia đầu ngành y sinh, hô hấp, truyền nhiễm. Sau 1 tháng, nhóm đã hoàn thiện quy trình và có những sản phẩm kit đầu tiên, phát hiện chính xác virus SARS-CoV-2.
Quá trình nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm, cấp phép, bộ kit của Việt Á được nhiều cơ quan thẩm định chất lượng. Trong đó, Viện Vệ sinh Dịch tễ trung ương kiểm định và đánh giá độc lập. Kết quả cho thấy kit phát hiện chính xác 100% virus SARS-CoV-2 trong mẫu thử nghiệm và ổn định trên tất cả các lần thử nghiệm.
Một thành viên nhóm nghiên cứu cho biết bản chất của công nghệ này nằm ở việc thiết kế trình tự các cặp mồi và chuỗi dò khóa. Các cặp mồi được phối trộn với một số sinh phẩm hóa chất khác theo một công thức riêng đã được tối ưu. Đây được coi là "bí kíp" công nghệ quyết định đặc tính của sản phẩm.
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật, cho rằng cần sớm làm rõ năng lực sản xuất kit xét nghiệm của Việt Á. Đồng thời, làm rõ việc DN này nhập khẩu que test nhanh nhằm mục đích gì. Luật sư này cũng mong cơ quan chức năng làm rõ có hay không việc "phù phép" sản phẩm kit xét nghiệm thành "made in Vietnam".
Điều tra 7 doanh nghiệp liên quan
Năm 2020 và 2021, kim ngạch nhập khẩu của Việt Á tăng mạnh, đây cũng là thời điểm DN này bắt đầu sản xuất kit xét nghiệm SARS-CoV-2. Việt Á nhập khẩu linh phụ kiện, dụng cụ dùng trong phòng thí nghiệm, xét nghiệm từ Trung Quốc, Anh, Mexico, Mỹ.
Việt Á cũng nhập hóa chất, chất thử, phụ kiện, dụng cụ, máy móc dùng trong phòng thí nghiệm, nguyên liệu sản xuất sinh phẩm chẩn đoán xét nghiệm từ Bỉ, Đan Mạch, Singapore, Mỹ. Cũng trong năm 2020, Việt Á nhập các loại máy phân tích sinh hóa, máy gia tốc, phân tích sinh huyết học, máy ly tâm từ nhiều nước, nhiều nhất là từ Malaysia với giá trị hơn 72 tỉ đồng. Trong năm 2021, công ty này nhập lượng lớn chất thử thí nghiệm Laboratory Reagents từ Mỹ và Singapore, với giá trị hơn 42 tỉ đồng.
Tổng cục Hải quan cho biết đang phối hợp cơ quan chức năng để xác minh, điều tra 7 DN liên quan đến Việt Á trong vụ "thổi" giá kit xét nghiệm Covid-19 gồm: Công ty CP Xuất nhập khẩu Kỹ thuật - Technimex, Công ty CP Vật tư Khoa học Biomedic, Công ty CP Kỹ thuật và Sinh học ứng dụng Việt Nam, Công ty TNHH Thiết bị Khoa học Lan Oanh, Công ty TNHH Thương mại Việt Hoàng Long, Công ty TNHH Thiết bị Khoa học Sinh hóa Vina, Công ty CP Công nghệ TBR.
Các DN này có trụ sở tại Hà Nội và TP HCM, đều kinh doanh xuất nhập khẩu vật tư, máy móc, thiết bị sinh học, thiết bị y tế; sản xuất vật tư y tế, thiết bị phòng thí nghiệm.
Bắt tạm giam giám đốc CDC Bắc Giang
Ngày 21-1, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam Lâm Văn Tuấn, Giám đốc CDC Bắc Giang; Phan Huy Văn, Giám đốc Công ty Phan Anh; Phan Thị Khánh Vân, kinh doanh tự do, về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", liên quan vụ án xảy ra tại Việt Á.
Cơ quan CSĐT xác định ông Tuấn thông đồng, cấu kết với Phan Huy Văn và Phan Quốc Việt (Tổng Giám đốc Việt Á) và các đối tượng liên quan vi phạm các quy định của Luật Đấu thầu khi tổ chức đấu thầu mua kit xét nghiệm Covid-19 do Việt Á sản xuất, tổng giá trị hơn 148 tỉ đồng. Ông Văn và bà Vân (chị ruột ông Văn) còn thỏa thuận nhận tổng cộng hơn 44 tỉ đồng tiền % ngoài hợp đồng do Việt Á chuyển và Vân chi một phần cho ông Tuấn.
Ng.Hưởng
Bình luận (0)