Cách đây vài hôm, tại xã Phong Sơn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế, một nhân viên mạng viễn thông leo lên mái nhà của một người dân sửa đường dây internet thì chẳng may bị điện giật chết. Nguyên nhân được cho là do rò rỉ điện.
Hiểm họa chực chờ
Tại TP HCM thời gian qua cũng có nhiều người bị điện giật tử vong trên mái nhà. Trường hợp cụ thể là vào tháng 7-2023, một người đàn ông leo lên mái nhà cấp 4 quét rác. Qua một thời gian rất lâu không thấy ông trở xuống nên người nhà lên kiểm tra thì phát hiện ông đã tử vong. Nguyên nhân: bị điện giật.
Cùng thời gian này, tại phường 8, quận Gò Vấp cũng xảy ra một vụ điện giật chết người khi một người đàn ông lên tầng thượng của tòa nhà 2 tầng kiểm tra đường dây điện. Trước đó, người này phát hiện bất thường ở đường dây điện từ ngoài trụ vào nhà trên sân thượng. Ông muốn lên sân thượng kiểm tra để sau đó gọi thợ đến sửa nhưng sự cố đã xảy ra. Một trường hợp khác là nhân viên kỹ thuật Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn (ở phường Bến Nghé, quận 1) cũng bị điện giật tử vong trong lúc leo lên mái tôn của trường.
Hiện trường vụ một người bị điện giật tử vong trên mái nhà ở quận Gò Vấp, TP HCM. Ảnh: ANH VŨ
Thật khó thống kê hết những trường hợp bị điện giật tử vong khi có việc phải lên mái nhà. Thông thường những trường hợp này bị xem như bất cẩn, xui xẻo và gia đình nạn nhân tự lo hậu sự.
Hiểm họa này không hề nhỏ như mọi người vẫn thường nghĩ. Với mật độ nhà chen chúc như ở các đô thị hiện nay thì nguy cơ rò rỉ điện, gây tai họa rất cao. Vả lại, khi lắp đặt hệ thống điện trong nhà thường dễ kiểm soát nhưng phần lớn gia chủ thường bỏ qua những đường điện được lắp sát mái nhà, trên la phông... Sau một thời gian sử dụng, chúng bị mục nát, hở mạch, tróc vỏ bọc rất nguy hiểm. Hiếm khi nào gia chủ bảo trì hệ thống điện định kỳ hoặc thay mới dây nếu các thiết bị trong nhà vẫn hoạt động bình thường. Chỉ một mối nối dây điện bị hở, gặp khi trời mưa thì tai họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Trách nhiệm thuộc về gia chủ?
Những mối nguy hiểm về điện còn đến từ đường dây đấu nối tại cột điện vào từng nhà. Hầu hết mọi người đều hiểu rằng chỉ chịu trách nhiệm từ đồng hồ điện vào các thiết bị trong nhà của mình nên việc kiểm tra, bảo trì chỉ dừng lại ở giới hạn trên. Bởi vậy, đường dây dẫn này thường không được quan tâm, thậm chí qua hàng chục năm sử dụng vẫn không được thay mới hoặc đề nghị công ty điện lực kiểm tra, bảo trì.
Nhưng trong hợp đồng mua bán điện giữa người dân và công ty điện lực có quy định: "Trách nhiệm chi phí của khách hàng: Từ điểm đấu nối đến địa điểm sử dụng điện của khách hàng (trừ hệ thống thiết bị đo đếm và thiết bị đóng cắt là tài sản của Điện lực/Công ty Điện lực/Tổng Công ty Điện lực)". Vấn đề đặt ra là người dân trả chi phí nhưng không được tự ý sửa chữa, thay mới đường dây này mà phải thông qua công ty điện lực. Vậy việc bảo đảm an toàn đường điện này có phải thuộc trách nhiệm của công ty điện lực? Câu hỏi bỏ ngỏ này là khoảng trống pháp lý mà khi xảy ra sự cố rất khó phân định nghĩa vụ của các bên. Hoặc đặt giả thiết, nếu có rò rỉ điện từ điểm đấu nối giữa đường dây vào nhà dân với hệ thống điện của công ty điện lực gây chết người thì trách nhiệm thuộc về ai?
Cuộc sống ngày càng hiện đại, sử dụng thiết bị điện đã đến giai đoạn bùng nổ nhưng cách cung cấp điện vẫn rất thủ công, hầu như không thay đổi nhiều từ hàng trăm năm qua. Ngoại trừ một số tuyến đường điện ở vài thành phố lớn được ngầm hóa thì phần còn lại vẫn chạy dây trên cột và đấu nối trực tiếp vào nơi sử dụng qua tuyến lộ thiên. Cách truyền tải thô sơ này ẩn chứa nhiều hiểm nguy mà ngay cả các kỹ sư điện lành nghề cũng không lường hết được.
Bình luận (0)