Tại phương án khôi phục các đường bay quốc tế vận chuyển khách vào Việt Nam mà Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa báo cáo Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã đề xuất ngày 15-9 sẽ bắt đầu mở đường bay tới Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc); ngày 22-9 mở lại đường bay tới Lào, Campuchia. Với tần suất 1-2 chuyến/tuần/đường bay, sẽ đón khoảng 5.000 khách nhập cảnh vào Việt Nam mỗi tuần.
Ngoài những trường hợp là nhà ngoại giao, công vụ, việc xuất nhập cảnh được áp dụng với công dân Việt Nam có nhu cầu về nước; công dân Việt Nam đi lao động tại các nước (trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc); người nước ngoài là chuyên gia, lao động tay nghề cao nhà đầu tư, nhân viên các dự án trọng điểm.
Nhu cầu lớn
Từ cuối tháng 3-2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các hãng hàng không Việt Nam tạm dừng khai thác tất cả đường bay thương mại quốc tế. Kể từ khi tạm dừng khai thác thường lệ các đường bay quốc tế vào cuối tháng 3 đến nay, các hãng hàng không Việt Nam luôn theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch bệnh và bám sát thị trường để có phương án khai thác trở lại mạng bay quốc tế một cách phù hợp, đảm bảo ưu tiên cao nhất là phòng, chống dịch bệnh và đáp ứng tốt nhu cầu di chuyển của hành khách. Các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways đều khẳng định sẵn sàng bay quốc tế trở lại khi được phép của nhà chức trách.
Một chuyến bay từ nước ngoài về Việt Nam do Vietnam Airlines khai thác trong tháng 9-2020
Bên cạnh đó, thời gian qua, các hãng hàng không Việt Nam vẫn duy trì hoạt động thường xuyên trên mạng bay quốc tế qua các chuyến bay đưa công dân hồi hương, vận chuyển hàng hóa và chở hành khách một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài…
Trong đó, từ tháng 4-2020 đến tháng 8-2020, Vietnam Airlines đã thực hiện hơn 80 chuyến bay hồi hương, đưa hơn 24.600 công dân Việt Nam tại gần 30 quốc gia trở về nước. Gần 2.000 chuyến bay chở hàng hóa, thiết bị y tế, khẩu trang, đồ bảo hộ, kit xét nghiệm và nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất đã được thực hiện thành công đến nhiều quốc gia. Đặc biệt, Vietnam Airlines đảm nhận các đường bay xa đến Mỹ, châu Âu, các đường bay chưa từng thực hiện, hay đưa nhiều công dân mắc Covid-19 về nước như chuyến bay đến Guinea Xích đạo, bay thuê chuyến bay chở khách từ London (Anh) đến Nam Kinh (Trung Quốc), quá cảnh tại Hà Nội… Được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền, từ tháng 6-2020, Vietnam Airlines đã khai thác trở lại các đường bay một chiều từ Hà Nội, TP HCM đến Seoul (Hàn Quốc) với tần suất 2-4 chuyến/tuần và đến Frankfurt (Đức) với tần suất 1 chuyến/tuần, dự kiến từ ngày 18-9 khai thác trở lại đường bay một chiều từ Hà Nội, TP HCM đến Tokyo (Nhật Bản).
Còn với Vietjet, tính tới cuối tháng 7, đã đưa được gần 10.000 công dân Việt Nam ở các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Sri Lanka, Bangladesh, Philippines, Brunei, Indonesia và Myanmar về nước an toàn, đồng thời vận chuyển hàng ngàn tấn hàng hóa thiết yếu, trang thiết bị y tế phòng chống dịch; hỗ trợ vận chuyển miễn phí cho các y bác sĩ và nhân viên y tế...
Bamboo Airways cũng đã thực hiện một số chuyến bay đưa người Việt về nước và chuyến bay thuê bao đưa công dân nước ngoài hồi hương.
Cần thống nhất bộ quy trình phối hợp
Không chỉ từ phía hãng hàng không, nhu cầu của hành khách đối với các chuyến bay thương mại quốc tế cũng rất lớn. Tuy nhiên, để các chuyến bay thương mại quốc tế thực sự cất cánh còn nhiều vấn đề, trong đó có phối hợp giữa các đơn vị liên quan.
Để hỗ trợ các hãng hàng không trong việc mở lại đường bay quốc tế, đại diện Vietnam Airlines bày tỏ mong muốn Chính phủ có một đơn vị đầu mối chủ trì với các Bộ, Ban, ngành liên quan nhằm thống nhất được bộ quy trình phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hàng không và hành khách bởi đây là vấn đề mang tính hệ trọng của đất nước khi vừa phải mở cửa nền kinh tế, vừa phải đảm bảo phòng, chống dịch.
Quy định của các Bộ, ngành cần đơn giản, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện, bao phủ hết các lĩnh vực để các cơ quan chức năng, hãng hàng không và hành khách có thể hiểu và thực hiện nhất quán.
Đặc biệt, quy trình kiểm dịch phải đảm bảo khách nhập cảnh không mang mầm bệnh vào cộng đồng nhưng thủ tục cũng phải nhanh chóng, đơn giản, thuận tiện để tránh trường hợp khách có nhu cầu nhưng ngại bay do thủ tục rườm rà, phức tạp, mất thời gian, tiền bạc.
Ngoài trách nhiệm của hãng hàng không là đảm bảo an toàn trong mọi khâu dịch vụ từ mặt đất đến trên máy bay, hãng hàng không cũng kiến nghị các cảng vụ xây dựng và duy trì môi trường an toàn ở sân bay để hành khách yên tâm đi lại bằng các quy định như giữ khoảng cách tối thiểu, thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe để hạn chế nguy cơ lây nhiễm...
Quyết định trong cuộc họp hôm nay
Được biết, những vấn đề liên quan đến việc mở lại đường bay quốc tế như thế nào, các quy định về xét nghiệm trước chuyến bay, và sau khi nhập cảnh phải kiểm soát, cách ly; quy định với những đối tượng đi từ nước thứ 3, ví dụ quá cảnh sang Nhật Bản, Hàn Quốc rồi về Việt Nam… ra sao sẽ được báo cáo tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ và Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 hôm nay 11-9 để xem xét, quyết định.
Tại cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19 chiều 9-9, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Bộ Y tế sẽ đặt hàng doanh nghiệp tổ chức xét nghiệm tại sân bay. Thường trực Ban Chỉ đạo nhấn mạnh với yêu cầu phải chung sống an toàn với dịch bệnh, phải mở cửa để đón chuyên gia, nhà đầu tư phục vụ phát triển kinh tế, vì vậy, việc triển khai phương án thực hiện xét nghiệm nhanh (tìm kháng nguyên) ngay tại các cửa khẩu, sân bay, bệnh viện, sự kiện tập trung đông người… để sàng lọc, phát hiện sớm nhất các trường hợp nhiễm bệnh, không để sót, để lọt ra cộng đồng, xâm nhập vào bệnh viện là vô cùng quan trọng.
Bình luận (0)