xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bế mạc Hội nghị Trung ương 8, khóa XIII

THẾ DŨNG

Ngày 8-10, sau 7 ngày làm việc, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (Hội nghị Trung ương 8) đã bế mạc

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 8, trong đó nêu 7 vấn đề quan trọng.

Bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế

Về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023 - 2024, Hội nghị Trung ương 8 nhận định trong 9 tháng đầu năm 2023, kinh tế nước ta vẫn tiếp tục là điểm sáng. GDP tăng 4,24%, chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,16%; giải ngân vốn đầu tư công tăng gần 5% với khoảng 110.000 tỉ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Trong những tháng còn lại của năm 2023 và cả năm 2024, Hội nghị Trung ương 8 thống nhất cần tập trung ưu tiên thúc đẩy, nâng cao chất lượng tăng trưởng; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI về một số vấn đề chính sách xã hội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã nhất trí ban hành Nghị quyết về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới với nhiều nội dung kế thừa và đổi mới, bổ sung, phát triển.

Về mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Trung ương thống nhất cao xác định mục tiêu đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045, theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Hội nghị cũng đề ra 10 nhóm nhiệm vụ và giải pháp mới, sát với tình hình thực tế và có tính khả thi cao.

Tạo điều kiện để trí thức khởi nghiệp, sáng tạo

Về việc tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ mới, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khẳng định: Trong thời kỳ phát triển mới, cần tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận xã hội, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng cống hiến, góp phần thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Bế mạc Hội nghị Trung ương 8, khóa XIII - Ảnh 1.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII Ảnh: NHẬT BẮC

Đáng chú ý, về việc tiếp tục xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ mới, Trung ương đặc biệt nhấn mạnh phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa cả về tư duy và hành động theo hướng: Xác định trí thức Việt Nam là nguồn lực lao động chất lượng cao, là lực lượng lao động sáng tạo, có vinh dự và bổn phận tiên phong, trực tiếp tham gia sự nghiệp đổi mới, cống hiến xây dựng, phát triển đất nước; nâng cao dân trí, nhân lực; bồi dưỡng, đào tạo nhân tài trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng nâng tầm trí tuệ và sức mạnh dân tộc, thúc đẩy đất nước phát triển nhanh, bền vững.

Tổng Bí thư lưu ý cần tập trung ưu tiên xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để trí thức khởi nghiệp và lao động sáng tạo; phát huy tài năng, trí tuệ của tập thể và cá nhân các nhà khoa học...

Tăng cường đầu tư xây dựng nền quốc phòng toàn dân

Về nội dung tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Tổng Bí thư cho biết Ban Chấp hành Trung ương Đảng cho rằng trong giai đoạn phát triển mới hiện nay và sắp tới, tình hình thế giới và khu vực dự báo sẽ còn tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Các nước lớn sẽ tăng cường điều chỉnh chiến lược, lôi kéo, tập hợp lực lượng, vừa hợp tác, thỏa hiệp vừa đấu tranh, kiềm chế lẫn nhau và can dự, chi phối nội bộ nước khác.

Nhiều điểm nóng về an ninh tiếp tục tồn tại, có nguy cơ lan rộng, làm xuất hiện các hình thái chiến tranh, loại hình tác chiến, không gian chiến lược mới. Châu Á - Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, Đông Nam Á tiếp tục phát triển năng động nhưng sẽ trở thành trọng điểm cạnh tranh quyết liệt giữa các nước lớn.

Ở trong nước, trên một số vùng chiến lược, địa bàn trọng điểm và trong một số nhóm đối tượng còn tiềm ẩn các yếu tố gây mất ổn định. Bên cạnh đó, tranh chấp biển đảo, chủ quyền lãnh thổ, chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng... là những nguy cơ luôn có thể xảy ra.

Tổng Bí thư nêu rõ: Bối cảnh tình hình mới đòi hỏi phải ban hành và tổ chức thực hiện thật tốt Nghị quyết mới của Trung ương về nhiệm vụ chiến lược đặc biệt quan trọng này. Tăng cường đầu tư thích đáng cho việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân, lực lượng vũ trang nhân dân, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; giữ nước từ khi nước chưa nguy; tuyệt đối không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Quy hoạch cán bộ phải chặt chẽ, dân chủ, công tâm

Một nội dung quan trọng khác là về quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ 2026 - 2031. Ban Chấp hành Trung ương Đảng đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Chính trị và Ban Chỉ đạo xây dựng quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương đã công phu, nghiêm túc chuẩn bị có chất lượng Tờ trình và dự kiến quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV.

Hội nghị Trung ương 8 nhấn mạnh đây là bước khởi đầu quan trọng của quá trình xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ khóa XIV với tinh thần là phải làm từng bước, từng việc, chắc chắn, chặt chẽ. Theo đó, quy hoạch xong Ban Chấp hành Trung ương mới làm quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sau đó quy hoạch các chức danh lãnh đạo chủ chốt.

Trong quá trình này, phải quán triệt và triển khai thực hiện thật tốt Kế hoạch 17-KH/TW của Bộ Chính trị; xác định quy hoạch cán bộ cấp chiến lược là công việc rất hệ trọng của Đảng, được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và tuyệt đối của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cao của Đảng đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Trong quá trình quy hoạch, phải thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy đầy đủ thẩm quyền, trách nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, các cấp ủy, tổ chức Đảng và người đứng đầu theo đúng quy định; bảo đảm quy trình chặt chẽ, dân chủ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch.

Ngoài ra, phải coi trọng chất lượng gắn với cơ cấu hợp lý để bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng nhằm tạo sự đồng bộ, tổng thể, liên thông trong quy hoạch các chức danh lãnh đạo chủ chốt các ban, bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị. Việc quy hoạch phải gắn kết với công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, luân chuyển, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ và chuẩn bị nhân sự nhiệm kỳ tới. Lấy quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước làm cơ sở cho công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương tại Đại hội lần thứ XIV của Đảng.

"Công tác cán bộ là công tác con người, hết sức quan trọng nhưng cũng vô cùng khó khăn, phức tạp, nhạy cảm, đòi hỏi chúng ta phải rất công tâm, khách quan, trong sáng, đặc biệt là phải có con mắt tinh đời, đừng "nhìn gà hóa cuốc", đừng "thấy đỏ tưởng là chín", có khi "xanh vỏ mà đỏ lòng" - Tổng Bí thư lưu ý.

Tại hội nghị lần này, Trung ương đã thảo luận và thống nhất quyết định thành lập 5 Tiểu ban chuẩn bị Đại hội XIV của Đảng, gồm: Tiểu ban Văn kiện, Tiểu ban Kinh tế - Xã hội, Tiểu ban Nhân sự, Tiểu ban Điều lệ Đảng và Tiểu ban Tổ chức phục vụ đại hội.

Cùng ngày, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thông qua Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8.

Đưa ra khỏi quy hoạch người không đủ chuẩn

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá Bộ Chính trị và Ban Chỉ đạo xây dựng quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương soạn thảo Tờ trình và dự kiến quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV là một việc làm hết sức quan trọng, cần thiết. Theo Tổng Bí thư, Trung ương yêu cầu ngay sau Hội nghị Trung ương 8, căn cứ kết quả giới thiệu của Trung ương; sự rà soát, thẩm định của Ban Chỉ đạo, các ban Đảng Trung ương và các cơ quan chức năng, Bộ Chính trị sẽ sớm xem xét, quyết định một bước quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ 2026 - 2031.

"Đây sẽ là cơ sở để đào tạo, bồi dưỡng và thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát đối với những cán bộ đã được đưa vào quy hoạch; nếu phát hiện có sai phạm, không đủ tiêu chuẩn, điều kiện thì phải kịp thời đưa ra khỏi quy hoạch" - Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo