xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bệ phóng để miền Nam phát triển

MINH CHIẾN

Để phát triển hạ tầng vùng Đông Nam Bộ và ĐBSCL, cần đa dạng hóa, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, vốn đầu tư trong xã hội

Huy động nguồn lực để đầu tư phát triển các công trình cảng biển, sân bay, đường bộ kết nối liên vùng... là những định hướng đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) cùng với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ và ĐBSCL trao đổi để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công giai đoạn 2021-2025.

Ưu tiên vốn cho dự án kết nối vùng

Bộ KH-ĐT đánh giá Đông Nam Bộ là vùng có nhiều đóng góp trong tăng trưởng kinh tế, là đầu tàu kinh tế, cực tăng trưởng của cả nước nhưng kết nối hạ tầng giao thông, vận tải còn nhiều hạn chế, bất cập. Các trung tâm logistics đang hoạt động hầu hết có quy mô nhỏ, năng lực hạn chế, chưa có hành lang vận tải đa phương thức… Bên cạnh đó, tình trạng quá tải diễn ra cả giao thông đô thị và trên một số tuyến đường bộ, cảng hàng không, cảng biển và đường thủy nội địa ở khu vực này cũng chính là điểm nghẽn, kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội trong vùng.

Định hướng phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đông Nam Bộ trong giai đoạn 2021-2025 là thu hút sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư trên thế giới; thu hút đầu tư quy mô lớn, công nghệ cao để phát triển các chuỗi giá trị; phát triển mạnh các loại dịch vụ; đồng thời sớm hình thành các chuỗi cung ứng toàn cầu, trở thành một trung tâm công nghệ, công xưởng chế tạo của khu vực và cả nước.

Bệ phóng để miền Nam phát triển - Ảnh 1.

ĐBSCL mới chỉ có hơn 40 km đường cao tốc TP HCM - Trung Lương, rất cần đầu tư phát triển giao thông Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Để đạt được kết quả trên, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đặc biệt lưu ý Đông Nam Bộ phải ưu tiên huy động nguồn lực để đầu tư các công trình cảng biển, sân bay, đường kết nối cảng. Phân bổ nguồn hàng hợp lý để sử dụng hiệu quả các cảng biển trong vùng, trong đó có cảng Cát Lái và cảng Cái Mép - Thị Vải. "Đối với tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu có hệ thống cảng biển quan trọng của cả nước và cần có các giải pháp để phát huy hiệu quả hệ thống này. Để làm được những điều đó cần phải có tư duy, tầm nhìn và cách tiếp cận mới nhưng phải gắn với vấn đề đầu tư" - ông Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ (Bộ KH-ĐT), cho biết theo số liệu báo cáo của các địa phương vùng Đông Nam Bộ, tổng nhu cầu nguồn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 là 421.732 tỉ đồng. Tuy nhiên, để đầu tư hạ tầng tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, ông Đông cho rằng cần đa dạng hóa, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, vốn đầu tư phát triển toàn xã hội. Trong đó, tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch, dịch vụ. Đặc biệt, ưu tiên bố trí nguồn vốn cho các công trình có tính kết nối vùng.

Tạo cơ chế thu hút đầu tư hạ tầng

Kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, nhất là hạ tầng giao thông. Đó là một trong những tồn tại, hạn chế của vùng ĐBSCL được Bộ KH-ĐT chỉ ra. Cả vùng mới chỉ có hơn 40 km đường cao tốc là tuyến TP HCM - Trung Lương, trong khi khoảng 80% lượng hàng hóa của các địa phương phải vận chuyển bằng đường bộ tới các cảng tại TP HCM. Hệ thống giao thông đường thủy được đánh giá là lợi thế của ĐBSCL nhưng thực tế phát triển còn manh mún, không đồng cấp về độ sâu.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong giai đoạn tới, cần tập trung để hoàn thành tuyến đường ven biển của cả vùng, bởi đây là tuyến giao thông vừa liên vùng vừa mở ra không gian phát triển kinh tế ven biển. Cụ thể, đầu tư hạ tầng giao thông kết nối liên vùng Đông Nam Bộ và TP HCM, hạ tầng giao thông kết nối nội vùng như các tuyến đường và cầu ven biển từ Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau - Kiên Giang.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây cũng đã chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) ưu tiên nghiên cứu đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 kết hợp đẩy mạnh kêu gọi xã hội hóa đầu tư, nhằm hoàn chỉnh tuyến đường cao tốc TP HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ - Cà Mau. Thủ tướng cũng yêu cầu bảo đảm mục tiêu thông tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận trong năm 2020 và hoàn thành trong năm 2021 nhằm kết nối đồng bộ, hiệu quả toàn tuyến theo quy hoạch.

13 tỉnh, TP vùng ĐBSCL thời gian qua đã quan tâm đến các dự án liên kết vùng, tuy nhiên nguồn lực còn hạn chế. Vì vậy, trong giai đoạn tới, Bộ KH-ĐT định hướng cho các địa phương cần huy động và dành nguồn lực hơn nữa để triển khai các dự án, tăng tính lan tỏa, hiệu quả của các dự án liên kết vùng.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng cho rằng cần đầu tư mạnh cho hạ tầng ĐBSCL trong giai đoạn tới. Theo chuyên gia này, các loại hình vận tải như đường bộ, hàng hải, hàng không cần được đầu tư để tháo gỡ các điểm nghẽn phát triển cho vùng. Về đường thủy, với các lợi thế có sẵn, ông Lê Đăng Doanh cho rằng vùng phù hợp để phát triển dịch vụ logistics, đầu tư các luồng tàu biển. Chuyên gia này đề xuất cùng với việc tập trung ưu tiên nguồn ngân sách nhà nước cho việc cải thiện cơ sở hạ tầng vùng, cần tạo cơ chế khuyến khích, huy động mọi thành phần kinh tế tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng với nhiều hình thức khác nhau. 

Bà Rịa - Vũng Tàu: Kỳ vọng vào 2 dự án lớn

Bà Rịa - Vũng Tàu mới đây đã được trung ương đồng ý là chủ đầu tư 2 dự án lớn là đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và dự án cầu Phước An. Ông Trần Thượng Chí, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đánh giá cầu Phước An được coi là hạng mục quan trọng kết nối hệ thống đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải với các đường cao tốc liên vùng phía Nam và đường cao tốc Bắc Nam. "Việc đầu tư cầu nhằm phát triển và khai thác hiệu quả hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải, khu trung tâm dịch vụ logistics Cái Mép hạ, các khu công nghiệp hai bên tuyến cùng nhiều dự án trọng điểm khác trong khu vực" - ông Chí nói.

Trong khi đó, dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ giảm áp lực cho Quốc lộ 51. Đây sẽ là tuyến kết nối chính của Bà Rịa - Vũng Tàu với khu vực, thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế - xã hội. "Thời gian di chuyển sẽ được rút ngắn hơn rất nhiều, đặc biệt sân bay Long Thành nằm ngay trên tuyến cao tốc này sẽ phát huy được các lợi thế không chỉ riêng của Bà Rịa - Vũng Tàu mà cho toàn vùng" - ông Chí nhận định.

Đồng Nai: Cần triển khai sớm nhiều tuyến cao tốc

Với vị trí địa lý đặc thù, Đồng Nai là địa phương giữ vị trí quan trọng trong vùng Đông Nam Bộ; là cửa ngõ, điểm nối trục kinh tế Nam - Bắc. Nhiều chuyên gia nhận định khi dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành được xây dựng xong và đi vào hoạt động sẽ tạo ra một động lực kinh tế đặc biệt cho toàn vùng. Vì vậy, nếu không làm tốt quy hoạch giao thông ngay từ bây giờ thì sẽ bỏ lỡ cơ hội phát triển cho cả vùng.

Trước mắt, theo ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, nhiều tuyến đường cao tốc đi qua địa phương phải được triển khai sớm. Tỉnh đang kiến nghị Chính phủ đẩy nhanh tiến độ các dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, Dầu Giây - Liên Khương, Phan Thiết - Dầu Giây và mở rộng đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Bình Dương: Chủ động hợp tác phát triển giao thông

Bình Dương là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Theo ông Trần Bá Luận, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Dương, những năm qua cũng như thời gian tới, tỉnh đã và đang chủ động hợp tác với các địa phương lân cận, nghiên cứu, tìm các giải pháp mới để đầu tư hạ tầng giao thông trên địa bàn.

Bình Dương đang phối hợp với tỉnh Đồng Nai xây dựng cầu Bạch Đằng 2, nghiên cứu xây dựng một tuyến đường sắt kết nối các khu công nghiệp trên địa bàn với Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai và TP HCM. Tỉnh cũng đã kiến nghị Bộ GTVT xây dựng tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua địa bàn với chiều dài 31 km để kết nối với các tỉnh trọng điểm kinh tế phía Đông và giảm áp lực giao thông.

Xuân Hoàng - Ngọc Giang - Thành Đồng

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo