Trước đó, sáng 14-7, Trung tâm Y tế huyện M’Đrắk tiếp nhận bệnh nhân V. với các triệu chứng sốt, đau đầu, đau họng, mệt mỏi. Kết quả xét nghiệm ngày 15-7 xác định bệnh nhân dương tính với vi khuẩn bạch hầu, được chuyển lên điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.
Theo kết quả điều tra dịch tễ, bệnh nhân V. sống và làm nông tại thôn Cư Rang, xã Cư Pui, huyện Krông Bông. Năm ngày gần đây, bệnh nhân trở về địa phương nơi thường trú ở thôn 4, xã Ea M’đoan, huyện M’Đrắk.
Ngay sau khi xác định ca bệnh bạch hầu trên địa bàn, Trung tâm Y tế huyện Krông Bông phối hợp với chính quyền địa phương triển khai công tác khoanh vùng, cách ly, phun hóa chất khử khuẩn toàn bộ khu vực thôn Cư Rang. Ngành y tế cũng tổ chức cho người dân uống kháng sinh dự phòng và tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu cho người dân tại đây. Đồng thời, điều tra dịch tễ các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh để lấy mẫu xét nghiệm.
Với ca mắc bạch hầu mới, tính đến chiều 15-7, toàn tỉnh Đắk Lắk đã có 9 trường hợp mắc bệnh này.
Còn tại tỉnh Đắk Nông, đến chiều 15-7, toàn tỉnh ghi nhận 30 trường hợp dương tính với bạch hầu tại 8 ổ dịch. Trong đó, huyện Krông Nô có 11 ca, Đắk G’long 16 ca và Đắk R’lấp có 3 ca. Hai trong số 30 ca mắc của tỉnh đã tử vong.
Ngành y tế Đắk Nông đang điều trị cho 17 trường hợp. Trong đó, có 5 trường hợp đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, 9 trường hợp điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông và 3 trường hợp tại Trung tâm Y tế huyện Krông Nô.
Tại tỉnh Gia Lai, ông Mai Xuân Hải, Giám đốc Sở Y tế Gia Lai, xác nhận trên địa bàn tỉnh vừa phát hiện thêm 3 ca dương tính với bệnh bạch hầu, nâng tổng số ca mắc trên toàn tỉnh lên 24 ca, tập trung ở 3 huyện Đắk Đoa, Đắk Pơ và Ia Grai.
Cán bộ y tế tỉnh Đắk Lắk khám sàng lọc, lấy mẫu xét nghiệm bạch hầu Ảnh: CAO NGUYÊN
Ghi nhận đến thời điểm này, khu vực Tây Nguyên có 4 tỉnh là Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum có bệnh bạch hầu đang bùng phát, trong đó 3 trường hợp đã tử vong. Để ngăn chặn dịch bệnh, ngay trong ngày 15-7, Bộ Y tế phê duyệt kế hoạch tiêm vắc-xin phòng chống bạch hầu tại 4 tỉnh nói trên. Theo đó, thời gian triển khai thực hiện trong tháng 7-2020 cho tất cả các đối tượng từ 2 tháng tuổi trở lên.
Bộ Y tế sẽ sử dụng nguồn kinh phí dự án tiêm chủng mở rộng thuộc chương trình mục tiêu y tế dân số giai đoạn 2016-2020, một phần kinh phí phòng chống dịch 2020 và các nguồn kinh phí khác để mua vắc-xin, vật tư tiêm chủng nhằm bảo đảm cung ứng đủ vắc-xin, vật tư tiêm chủng cho các địa phương. Tổng kinh phí dự kiến là hơn 89 tỉ đồng. Trong đó, kinh phí mua vắc-xin là hơn 71 tỉ đồng, kinh phí mua vật tư tiêm chủng hơn 17 tỉ đồng.
Theo ông Đinh Hà Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai, việc tiêm phòng này nhằm khống chế bệnh bạch hầu, bảo đảm duy trì miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, việc vận động đồng bào dân tộc thiểu số tiêm vắc-xin bạch hầu gặp rất nhiều khó khăn do bà con không quan tâm. Trước tình hình này, ngành y tế đã xin chủ trương của UBND tỉnh, phối hợp với các tổ chức từ thiện, các mạnh thường quân đi tuyên truyền, tặng quà để đưa người dân về thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh và tiêm phòng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Bình luận (0)