Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra (Covid-19) của TP Hà Nội chiều 27-3, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội), cho biết trên địa bàn hiện có 3 ổ dịch tại cộng đồng liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai. CDC Hà Nội đã phối hợp với Bệnh viện Bạch Mai khoanh vùng xử lý ổ dịch ở Bệnh viện Bạch Mai và ổ dịch tại cộng đồng theo chỉ đạo của Bộ Y tế.
Bệnh viện Bạch Mai trở thành ổ dịch Covid-19
Theo ông Cảm, "sau khi có 1 bệnh nhân ở Lai Châu, chúng tôi hỏi CDC Lai Châu tại sao phải lấy mẫu vì trường hợp này là bệnh nhân chuyển tuyến, từ Bệnh viện Bạch Mai về Bệnh viện đa khoa Lai Châu để điều trị tiếp. Tuy nhiên, CDC Lai Châu thấy rằng thấy bệnh nhân đi từ Bạch Mai về, đánh giá rằng Bạch Mai đã có 2 ca dương tính, với phản ứng rất nhanh về mặt dịch tễ, đã lập tức lấy mẫu gửi về Trung ương và kết quả xét nghiệm dương tính".
"Nhờ sự tỉnh táo, trách nhiệm và nhanh nhạy của CDC tỉnh Lai Châu, dù là một tỉnh miền núi. Nếu CDC Lai Châu không phát hiện ra bệnh nhân 133 sớm thì tình hình tại Bệnh viện Bạch Mai sẽ còn phức tạp hơn rất nhiều"- ông Cảm đánh giá.
Cũng theo ông Cảm, nhờ chủ động phát hiện sớm ca bệnh đó, mới ra được 1 trường hợp nằm gần và 2 mẹ con chăm sóc bà ở bệnh viện cũng mắc Covid-19. Thời điểm dương tính là rất gần nhau, 3 người liên quan đều không có triệu chứng gì đặc biệt, không sốt, không ho, nhưng Hà Nội đã chủ động xét nghiệm, phát hiện ra. Sau đó, quận Long Biên đã mất cả 2 ngày ở phường Thượng Thanh để điều tra những người tiếp xúc gần.
Giám đốc CDC Hà Nội đánh giá nguy cơ ở trong bệnh viện là rất cao, do các vấn đề nội tại của bệnh viện là bệnh nhân nặng rất nhiều, nếu xảy ra dịch trong bệnh viện thì tỉ lệ tử vong cao. Bệnh viện là nơi đông người qua lại, bình thường mỗi ngày 6.000 đến 8.000 người ra vào Bệnh viện Bạch Mai, nên nguy cơ lây lan ra cộng đồng cũng rất cao.
Trên các cơ sở đó, Giám đốc CDC Hà Nội đề xuất tiến tới dừng nhận bệnh nhân vào Bệnh viện Bạch Mai. Các bệnh nhân đang điều trị ở đây không nên chuyển đến bệnh viện khác của Hà Nội mà tiếp tục điều trị, chỉ cho ra viện khi đã xét nghiệm âm tính, sau đó về địa phương phải cách ly thêm 14 ngày.
Còn Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho hay tất cả những trường hợp người bệnh đã được ra viện của Bệnh viện Bạch Mai trong vòng 10 ngày qua theo rà soát bước đầu là gần 1.500 người, những người này sẽ được cách ly, lấy mẫu bệnh phẩm theo quy định.
Trong 10 ngày vừa qua, có 14.000 người trên địa bàn Hà Nội đến khám ngoại trú ở Bệnh viện Bạch Mai, hiện CDC Hà Nội đang sàng lọc những trường hợp này để tiếp tục khuyến cáo họ tự cách ly. Nếu ho, sốt, khó thở thì lập tức báo cho y tế để điều tra, giám sát, lấy mẫu bệnh phẩm.
Cũng theo ông Nguyễn Đức Chung, hiện Bộ Y tế đã thông báo Bệnh viện Bạch Mai là “ổ dịch”. Yêu cầu Bệnh viện Bạch Mai cũng như CDC Hà Nội làm rõ khái niệm “ổ dịch" và “vùng dịch” để cảnh báo cho người dân.
Còn ông Dương Đức Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết hiện bệnh viện này có 2 "ổ dịch" khác nhau. Trong đó, một là "ổ dịch" liên quan đến 2 cán bộ của bệnh viện, còn "ổ dịch" thứ 2 liên quan đến 2 bệnh nhân và một người nhà vào Khoa Thần kinh. Hiện chưa thể khẳng định được có nhiễm chéo trong Bệnh viện Bạch Mai hay không, khi chưa có kết quả xét nghiệm toàn bệnh viện. Ông Hùng cho rằng "ổ dịch" liên quan đến 2 y tá của bệnh viện cũng không liên quan gì đến "ổ dịch" liên quan đến các bệnh nhân ở Khoa Thần kinh. Có thể người con dâu của bệnh nhân 88 tuổi nhiễm Covid-19 từ bên ngoài cộng đồng chứ không phải trong Bệnh viện Bạch Mai, bởi các mẫu xét nghiệm của người con dâu này có kết quả "dương tính rất yếu ớt" với Covid-19. "khi phát hiện bệnh, cô này đã trong giai đoạn thoái triển với Covid-19" - ông Hùng phân tích.
Bình luận (0)