Cụ thể tại công văn gửi Bộ Y tế, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị khám chữa bệnh không mượn máy hoặc cho phép máy đặt trong bệnh viện, tránh tình trạng phụ thuộc vào doanh nghiệp. Trường hợp cần vật tư, hóa chất để sử dụng máy, cơ sở y tế có thể thuê tài sản theo phương thức đấu thầu về quản lý sử dụng tài sản công.
Dựa trên quyết định mới của Bộ Y tế, tháng 5 vừa qua, BHXH Việt Nam đề nghị các địa phương dừng thanh toán BHYT dịch vụ kỹ thuật sử dụng máy mượn, máy do đơn vị trúng thầu vật tư, hóa chất đặt.
Do quyền lợi của người bệnh BHYT bị ảnh hưởng nghiêm trọng, ít nhất 5 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế đã gửi văn bản lên bộ và BHXH Việt Nam, đề nghị xem xét lại quy định này, Lãnh đạo các bệnh viện cho rằng việc sử dụng máy mượn, máy đặt của các đơn vị trúng thầu vật tư hóa chất mang lại nhiều lợi ích trong xét nghiệm, khám chữa bệnh, tránh lãng phí ngân sách. Sau đó, Bộ Y tế đã họp với BHXH Việt Nam, thống nhất sẽ có những hướng dẫn phù hợp, trước mắt cho phép các bệnh viện tiếp tục thanh toán cho đến khi hết hợp đồng đã ký.
Theo một chuyên gia tài chính y tế, những năm qua, hầu hết máy xét nghiệm của nhiều bệnh viện là mượn, đặt từ các đơn vị hợp tác thay vì tự mua sắm. Tại các bệnh viện công lập, tỉ lệ máy đặt, mượn chiếm trên 90%. Do vậy, nếu BHYT ngưng thanh toán ngay các dịch vụ y tế sử dụng máy đặt, mượn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền của người bệnh.
Nhiều hệ thống máy hiện đại được các bênh viện sử dụng từ nguồn máy mượn”, “máy đặt
Lãnh đạo một bệnh viện ở Hà Nội cho rằng không bệnh viện nào có thể trả thay cho bệnh nhân khoản tiền này vì rất lớn. Đơn cử, tại Bệnh viện Việt Đức, chi phí xét nghiệm quyết toán BHYT chiếm tới 42% tổng số tiền xét nghiệm. Tại Bệnh viện Bạch Mai, người bệnh có thẻ BHYT chiếm 13% lượt khám và 86% số người điều trị. Còn ở Bệnh viện K Trung ương, số người bệnh có thẻ BHYT chiếm 30% lượt khám và 96% số người điều trị.
"Nếu không được sử dụng máy mượn hoặc cho các công ty tư nhân đặt máy xét nghiệm, đồng nghĩa với việc các bệnh viện sẽ phải đầu tư số tiền khổng lồ để mua máy, trong đó có máy giá lên tới vài chục tỉ đồng. Đây là số tiền quá lớn, bệnh viện không thể có để đầu tư ngay"- một lãnh đạo bệnh viện băn khoăn.
Theo lãnh đạo một số bệnh viện, trong thời gian chờ văn bản hướng dẫn chính thức từ Bộ Y tế và BHXH Việt Nam, bệnh viện tiếp tục thanh toán chi phí cho người bệnh BHYT khi sử dụng dịch vụ từ máy mượn, máy đặt. Điều khiến các bệnh viện lo lắng là sau khi hết hợp đồng đã ký thì chưa biết tính sao.
Ông Lê Văn Phúc, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT - BHXH Việt Nam, cho biết năm 2017, hai Bộ Tài chính, Y tế và cơ quan BHXH Việt Nam đã thống nhất quy định không được đặt máy mà phải thuê, còn nếu cho tặng thì phải chuyển đổi hình thức sở hữu toàn dân. BHXH Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ Y tế xin ý kiến hướng dẫn giải quyết vướng mắc. Bộ Y tế cũng đã báo cáo lên Chính phủ và sắp tới, các bộ, ngành liên quan sẽ họp bàn nhằm sớm giải quyết vướng mắc trên, bảo đảm quyền lợi cho người dân có thẻ BHYT.
Bình luận (0)