Nhiều tháng nay, không ít bệnh viện công lập rất khó khăn, thậm chí phải cầm cự để duy trì hoạt động trong bối cảnh không thể đấu thầu, mua sắm thiết bị, vật tư y tế, hóa chất…
Chỉ đủ dùng trong 1-2 tuần
Theo một lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai (TP Hà Nội), có tới 95% máy xét nghiệm của bệnh viện là máy đặt, máy mượn sau khi trúng thầu hóa chất. Thế nhưng thời gian qua, bệnh viện này phải ngừng hoạt động nhiều loại thiết bị thuộc diện "liên doanh liên kết" trong khi hiện chưa có quy định về việc chia lợi nhuận giữa đơn vị đặt máy và bệnh viện. Việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế gặp khó khăn do đơn vị không xác định được giá phù hợp.
Hiện bệnh viện đang thiếu trầm trọng thiết bị chẩn đoán hình ảnh, nhất là chẩn đoán, điều trị ung bướu như máy PET CT, cộng hưởng từ, xạ phẫu... "Nếu đưa máy vào sử dụng thì không có cơ sở chi trả cho đơn vị đặt máy nhưng mua máy mới thì không có nguồn đầu tư vì thiết bị rất đắt tiền. Nhiều tháng qua, bệnh viện phải chuyển một lượng lớn người bệnh đến bệnh viện khác để chụp chiếu, xạ trị…" - lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai cho biết.
Trong báo cáo gửi Bộ Y tế, Bệnh viện Việt Đức cho biết dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 98/2021 có điều khoản gia hạn giấy phép nhập khẩu/số đăng ký đến ngày 31-12-2023 chưa được phê duyệt, điều này dẫn đến bệnh viện không mua được hóa chất xét nghiệm, trang thiết bị y tế... Cụ thể, bệnh viện không mua được các hóa chất định lượng nồng độ thuốc trong máu của bệnh nhân ghép tạng, các hóa chất miễn dịch, hóa chất khí máu, vật tư hút máu đông, miếng dán cố định phẫu trường, kim gây tê tủy sống... "Hiện tại, hóa chất khí máu chỉ còn đủ dùng 1 tuần, hóa chất ghép tạng đủ dùng 2 tuần. Việc thiếu hụt các hóa chất, vật tư sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác khám chữa bệnh" - báo cáo của Bệnh viện Việt Đức nêu.
Lãnh đạo một số bệnh viện cũng cho biết Nghị định 98 quy định: "Không được mua bán trang thiết bị y tế khi chưa có giá kê khai và không được mua bán cao hơn giá kê khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế tại thời điểm mua bán". Tuy nhiên, nghị định cũng chưa quy định thời điểm nào là thời điểm mua bán (thời điểm lập dự toán, thời điểm lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thời điểm ký hợp đồng hay thời điểm xuất hóa đơn...), điều này đã gây khó khăn cho các bệnh viện trong xây dựng dự toán, đánh giá hồ sơ dự thầu, thực hiện hợp đồng.
Do vướng cơ chế, bệnh viện không thể sử dụng những thiết bị y tế hiện đại này
Dồn bệnh nhân lên tuyến trên
Khi hỏi về việc thuốc điều trị đã đáp ứng được nhu cầu của người bệnh hay chưa, sau những nỗ lực của Bộ Y tế trong việc gia hạn giấy đăng ký lưu hành của hàng chục ngàn loại thuốc, nguyên liệu làm thuốc…, lãnh đạo nhiều bệnh viện cho biết vẫn thiếu thuốc và… thiếu đủ thứ.
Theo một lãnh đạo bệnh viện, nhiều loại thuốc được gia hạn nhưng doanh nghiệp cũng không đủ nguồn thuốc cung ứng. Việc mua sắm các thuốc đã trúng thầu tập trung cũng rất khó khăn. Thuốc đấu thầu tập trung hầu hết là các thuốc thiết yếu, không thể thiếu trong hoạt động của bệnh viện, khi một đơn vị trúng thầu tập trung thì gói thầu kéo dài 2-3 năm. Nếu vì nguyên nhân nào đó, nhà thầu không cung cấp đủ hàng, bệnh viện cũng không thể mua được hàng thay thế. "Một số thuốc thuộc gói thầu tập trung quốc gia có hiệu lực từ tháng 9-2022 do Công ty CP Dược liệu Trung ương 2 cung cấp. Tuy nhiên, kể từ khi hợp đồng có hiệu lực đến nay, các công ty không giao hàng đúng hạn, đủ số lượng, cũng không có phương án đền bù hàng thay thế cho bệnh viện" - một lãnh đạo bệnh viện tuyến trung ương dẫn chứng.
Trong khi đó, đại diện một cơ sở y tế cũng thông tin thời gian qua đã xảy ra gián đoạn trong việc cung cấp thuốc hiếm như: thuốc điều trị nút mạch ung thư gan, u mạch máu hoặc giãn tĩnh mạch, thuốc điều trị trong mổ tim, ghép gan, ghép tim, thuốc gây mê… dẫn tới việc hoạt động cầm chừng của nhiều kỹ thuật. Một số bác sĩ cho biết thực trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư đang diễn ra ở nhiều bệnh viện của các tuyến điều trị. Vừa qua, bệnh nhân khám và điều trị ở nhiều bệnh viện tuyến cuối tăng một phần do bệnh viện tuyến dưới không đủ thuốc, vật tư… nên người bệnh phải dồn lên tuyến trên để điều trị.
Đề xuất áp giá trần
Để gỡ khó hàng loạt vấn đề liên quan đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán BHYT, tháng 11-2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 144 về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT.
Nghị quyết nêu rõ xử lý nhanh nhất các vướng mắc, tạo điều kiện cho các cơ quan, đơn vị thực hiện việc mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế. Các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản liên quan các vấn đề này. Tuy nhiên, theo một số bệnh viện, do chưa có hướng dẫn cụ thể nên vẫn lúng túng trong việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế… Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, thừa nhận thời gian qua, nhiều cơ sở y tế đã gặp khó khăn về nguồn thuốc cho bệnh nhân và một số trang thiết bị, vật tư y tế.
Để tìm lối ra cho vướng mắc chung của hầu hết các bệnh viện đang sử dụng nguồn máy xã hội hóa, máy mượn…, một chuyên gia y tế cho rằng nên thực hiện đấu thầu mua hóa chất thay vì đấu thầu máy như hiện nay, nếu trúng thầu hóa chất thì đơn vị cung ứng sẽ mang máy đến để cơ sở y tế sử dụng hóa chất. Bên cạnh đó, nên quy định về giá trần vật tư, thiết bị y tế giống như thuốc, tức là sẽ quy định về mức độ chênh lệch giá bán ra so với giá gốc.
Liên quan đề xuất này, ông Nguyễn Minh Lợi, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế - Bộ Y tế, cho biết việc đấu thầu mua sắm công phải thực hiện theo Luật Đấu thầu và hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính. Nếu các đơn vị có khó khăn, vướng mắc thì tổng hợp lại, để Bộ Y tế sẽ đề xuất, sửa đổi. Thời gian tới, khi làm luật về thiết bị y tế, cơ quan quản lý sẽ nghiên cứu, tìm hiểu quy định về mức lợi nhuận hợp lý với thiết bị y tế của các nước để có những sửa đổi phù hợp.
Nguồn tin từ Bộ Y tế cho biết hôm nay, 23-2, Bộ Y tế sẽ làm việc với một số bệnh viện để nghe ý kiến và tháo gỡ khó khăn trong đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế.
Đàm phán, tiết kiệm hơn 2.000 tỉ đồng
Ngày 22-2, ông Lê Thanh Dũng, Giám đốc Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia - Bộ Y tế, cho biết Hội đồng Đàm phán giá thuốc của Bộ Y tế vừa đàm phán thành công 3 thuốc còn lại trong số 69 biệt dược gốc mời thầu. Đây là thuốc Navelbine điều trị ung thư với 3 loại hàm lượng: 10 mg dạng tiêm, 20 mg và 30 mg dạng viên. Kết quả đàm phán giá 3 thuốc này giảm được khoảng hơn 5%, tương đương tiết kiệm khoảng 40 tỉ đồng.
Trước đó, Bộ Y tế đã đàm phán giá thành công 61 biệt dược với số tiền giảm so với trước là hơn 2.035 tỉ đồng. Theo ông Dũng, trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiến hành đàm phán giá khoảng 100 loại thuốc khác. Đây là những thuốc có nhu cầu lớn tại các cơ sở y tế công lập và có giá trị sử dụng trên 100 tỉ đồng/năm. Báo cáo của các sở y tế và nhà thầu cho biết khả năng cung ứng thuốc đấu thầu tập trung đáp ứng khoảng 97%.
Bình luận (0)