Trong tác phẩm "Hoàng Lê nhất thống chí", Nguyễn Quang Trực là người làng Mạc Điền, huyện Nam Đường (nay là Nam Đàn), trấn Nghệ An. So với 2 nhân vật là Phạm Công Trị và Nguyễn Cửu Trị, lai lịch Nguyễn Quang Trực không nổi bật bằng.
Trùng hợp khó tin
Có sự trùng lặp khó hiểu giữa 2 nhân vật cùng tên, cùng tước "Trị An hầu": Phạm Công Trị và Nguyễn Cửu Trị. "Giả vương nhập cận" Phạm Công Trị vẫn còn nhiều bí mật về gia thế bên cạnh "giả vương nhập cận" Nguyễn Cửu Trị thuộc một danh gia vọng tộc có nhiều công lao với các chúa Nguyễn.
Theo sách "Đại Nam chính biên liệt truyện" của triều Nguyễn viết, Phạm Công Trị là cháu gọi vua Quang Trung bằng cậu (quyển 30, trang 38). Cả sách "Đại Nam thực lục", Chính biên, đệ nhất kỷ, quyển 4 cũng ghi: "... Tây Sơn Nguyễn Văn Huệ sai người sang chầu nước Thanh, lại xưng tên là Nguyễn Quang Bình mà cầu phong với nhà Thanh. Vua Thanh cho, lại yêu cầu vào chầu. Huệ lấy người cháu gọi bằng cậu là Phạm Công Trị, nét mặt giống mình, sai đi thay, cùng đi với bọn Ngô Văn Sở và Phan Huy Ích...".
Nhà thờ họ Nguyễn Cửu ở xã Thủy Vân, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế
Như thế, Phạm Công Trị là cháu hay có quan hệ gì đó với vua Quang Trung là một nhân vật khả năng có thật. Qua khảo cứu, in trong sách "Tư liệu điền dã vùng Huế về thời kỳ Tây Sơn" (1998), nhà nghiên cứu Lê Nguyễn Lưu cho rằng Phạm Công Trị có tước hiệu là Trị An hầu, làm đến chức Đại đô đốc, con của Thái úy Phạm Công Hưng (anh em ruột với bà Chánh cung Phạm Thị Liên của vua Quang Trung).
Với các tư liệu để lại, nhân vật giả vương được cho là đã thay vua Quang Trung sang triều kiến Thanh Càn Long, có tên họ, chức tước đầy đủ là: Đại đô đốc Trị An hầu Phạm Công Trị. Chỉ có điều, tài liệu Trung Hoa mà nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính đưa ra lại không thấy nhắc đến chức tước của Phạm Công Trị. Từ "Vân Dương kinh phổ" và "Hoàng Lê nhất thống chí", nhân vật "giả vương nhập cận" lại là: Trị An hầu Nguyễn Cửu Trị/Nguyễn Quang Trực. Sự khác nhau giữa tư liệu nhà nước (triều Thanh - Trung Hoa và triều Nguyễn - Việt Nam) và tư liệu tư nhân ("Hoàng Lê nhất thống chí" và "Vân Dương kinh phổ") cho thấy rằng nhân vật "giả vương nhập cận" có nhiều thông tin khác nhau về tên họ và nho sĩ thời đó, bằng cách này hay cách khác, đã đưa ra họ tên nhân vật theo ý của mình.
Với thông tin từ gia phả dòng họ Nguyễn Cửu (làng Vân Dương, xã Thủy Vân, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế) và công trình nghiên cứu gần đây mới được xuất bản của học giả Nguyễn Duy Chính (sinh sống tại Mỹ) có tên "Giở lại một nghi án lịch sử "giả vương nhập cận" có thực người sang Trung Hoa là vua Quang Trung hay không" (NXB Văn hóa Văn nghệ, 2016), câu chuyện "giả vương nhập cận" thật sự chưa có hồi kết.
Ẩn số cần giải đáp
Chính sử triều Nguyễn nói đến sự kiện ngoại giao năm 1790 giữa Tây Sơn (Việt Nam) và Thanh (Trung Hoa) với nhân vật giả vương là Phạm Công Trị và sự kiện đó chỉ là "lễ bão tất" - có nghĩa là "lễ ôm đầu gối" - với ý hạ thấp tính chất sự kiện. Tuy nhiên, sự kiện ngoại giao này không dừng lại với thông tin của chính sử triều Nguyễn hay của nhà Thanh mà còn có thông tin từ dân gian người Việt, những người có khả năng nắm những thông tin mà chính sử không hề ghi lại được.
Sự kiện ngoại giao Thanh - Tây Sơn năm 1790, vì còn nhiều uẩn khúc, như nhận định của nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính, đó là một nghi án. Bởi lẽ từ sự hồ hởi, trọng thị của 2 triều đình, của hai nước Việt - Trung Hoa cho sự kiện ngoại giao hiếm có với nghi thức hiếm có của 2 người đứng đầu quốc gia mà về sau chúng ta thường thấy trong các nghi thức ngoại giao hiện đại: "Lễ bão kiến: Lễ tiết đời Thanh, người Mãn Châu dùng để giao thiệp. Dùng cho người thân xa ngày nay gặp lại hay khi cáo biệt. Khi hành lễ, người nọ ôm lưng người kia, mặt áp vào nhau là lễ rất trịnh trọng tôn quý…" ("Trung Quốc văn hóa đại điển" quyển 1, xuất bản năm 1999, trang 81). Điều này càng được khẳng định khi chính Thanh Cao Tông (Càn Long) cũng đã nói: "... Đại hoàng đế tiết thứ ban cho rất là ưu hậu, các nước phiên ở ngoài, từ thiên cổ cho đến bây giờ, chưa từng được như thế..." ("Đại Việt quốc thư", trang 301). Chứng tỏ sự kiện ngoại giao này đã có sự tiến bộ khá lớn so với cách nghĩ của người đương thời.
Một sự kiện ngoại giao không hề đơn giản và đầy mâu thuẫn về thông tin tư liệu, nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính khảo cứ và chứng minh rằng đó là sự kiện ngoại giao có thật với vua Quang Trung thật và "bão kiến" như người Thanh làm chứ không phải "bão tất" như sử quan nhà Nguyễn viết. Điều này càng được khẳng định bởi chính "Vân Dương kinh phổ" khi gia phả này cũng viết rằng Nguyễn Phúc/Cửu Trị "… yết kiến vua Cao Tông (nhà Thanh)..." chứng tỏ sự kiện gặp gỡ giữa 2 người đứng đầu 2 quốc gia không hề bị hạ thấp là "ôm gối".
Nhưng điều khó lý giải ở chỗ khi họ Nguyễn Cửu vốn là dòng anh em với họ Nguyễn Phúc, có công huân với họ Nguyễn Phúc, lại ghi khá lạ lùng trong gia phả của mình về một người trong họ làm "giả vương nhập cận" với 2 thông tin ngược lại với sử quan triều Nguyễn như vậy. Phải chăng họ Nguyễn Phúc, sau này đổi là Nguyễn Cửu, có một nguồn thông tin khác về sự kiện ngoại giao năm 1790 giữa Việt và Trung Hoa?
Thời gian qua, những bức tranh chân dung được xem là vẽ vua Quang Trung có xuất xứ từ tàng thư triều Thanh để lại cũng đã dấy lên những nghi hoặc. Những người ủng hộ khảo cứu của nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính thì có xu hướng ủng hộ những bức tranh vẽ chân dung có ghi chú liên quan vua Quang Trung. Những người không ủng hộ thì bác bỏ. Nhưng có một điều chưa thể giải quyết rốt ráo về mặt tư liệu để đi đến xác thực là vua Quang Trung đã sang Trung Hoa hay đó chỉ là phái đoàn giả vương? Khi vẫn chưa thể xác định được thì bức tranh chân dung nào được cho là của vua Quang Trung cũng chỉ là phỏng đoán. Bởi lẽ, tư liệu bổ sung thêm thông tin là "Vân Dương kinh phổ" lại cho thấy sự việc không hề đơn giản.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 15-1
Kỳ tới: Cuộc tìm kiếm lăng mộ hơn 200 năm
Bình luận (0)