xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bí ẩn mộ chum Động Cườm

Yến Anh

Từ năm 1909, thông tin đầu tiên về mộ chum của văn hóa Sa Huỳnh đã xuất hiện nhưng mãi đến năm 2003, nhiều bí ẩn mới được giải mã, trong đó có việc người chết được chôn như thế nào

Tháng 6-2003, trong đợt khai quật tại di chỉ Động Cườm do Bảo tàng Bình Định phối hợp với Viện Khảo cổ học và Bảo tàng Lịch sử quốc gia thực hiện, 46 mộ chum thuộc nền văn hóa Sa Huỳnh đã phát lộ.

Hàng chục ngôi mộ cổ

Động Cườm là một cồn cát ven biển ở thôn Tăng Long 2, xã Tam Quan Nam, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Vùng này được phỏng đoán là xưa kia nằm trong vùng biển cổ nối liền từ mũi Sa Huỳnh đến Bắc Bình Định.

Di chỉ Động Cườm đã được nhà khảo cổ học người Pháp Madeleine Colani phát hiện từ năm 1934, khi Viện Viễn Đông Bác cổ phái bà đến Sa Huỳnh, với cái tên Tan Long nhưng đã bị mất dấu gần 90 năm qua. Lần theo cái tên Động Cườm trong cuốn nhật ký của bà Colani, các chuyên gia đã tìm lại được khu di tích này ở một xã ven biển của xứ dừa Tam Quan, nơi con sông Lại Giang gặp biển.

Bí ẩn mộ chum Động Cườm - Ảnh 1.

Những ngôi mộ chum được phát hiện đã hé lộ nhiều bí mật của văn hóa Sa Huỳnh Ảnh: ĐẶNG HÀ

Theo nhật ký của bà Colani, Tam Quan có 2 di chỉ là Gò Tháp và Động Cườm. Gò Tháp giờ đã là nơi cư trú của dân, chỉ còn một dấu vết phế tháp của người Chàm cổ. Trong khi đó, Động Cườm là một đồi cát rộng khoảng 5.000-6.000 m2, không người ở. Trước đây, người Pháp gọi những khu địa táng này là cánh đồng chum. Các mộ chum được chôn đứng, sát nhau.

Di chỉ Động Cườm gồm những cồn cát rộng lớn, hoang vắng. Nó được gọi là Động Cườm vì trẻ con và dân địa phương thường nhặt được rất nhiều hạt cườm ở đây. Trong đợt khai quật lần 1 vào đầu năm 2002, các nhà khoa học đã phát hiện một số mộ chum với nhiều đồ tùy táng. Cuộc khai quật năm 2003 trên diện tích khoảng 300 m2, các nhà khảo cổ đã tìm thấy 46 mộ chum và 4 cụm mộ nồi chôn úp nhau. Mật độ phân bố chum mộ của di tích này khá dày, nhất là ở sườn phía Đông. Mộ chum và mộ nồi nằm cạnh nhau là hiện tượng hiếm gặp trong văn hóa Sa Huỳnh.

Theo PGS Trịnh Sinh, Viện Khảo cổ học, 46 chum táng hầu hết đã nứt vỡ nhưng có khả năng phục dựng được 30 chiếc. "Chum hình trụ, đáy tròn lồi, có thể phân loại được 2 kiểu dáng với những nét khác biệt. Chum táng trong các hố sườn tây bắc có dáng hình trụ, hai cạnh thân đều từ phần gờ vai xuống sát đáy. Chum táng trong hố ở sườn phía Đông cũng có dáng hình trụ nhưng hai cạnh thân chum lại thuôn dần về phía đáy và thon hơn. Nhìn chung, xương gốm thô, có màu nâu đỏ, pha nhiều cát, kỹ thuật tạo dáng chum bằng dải cuộn kết hợp bàn dập, hòn kê và ghép nối" - ông Sinh mô tả.

Những đồ tùy táng chôn theo mộ chum là nồi nhỏ, bát bồng bằng gốm mang đặc trưng văn hóa Sa Huỳnh và chủ yếu đặt trên nắp chum. Ngoài ra, ở đây còn có một số hiện vật như dao, rìu, đục, kiếm ngắn, hạt cườm thủy tinh màu sắc rực rỡ... Trong số đồ tùy táng tại di chỉ Động Cườm, rất nhiều hạt cườm màu đỏ sẫm và màu xanh dương, phần lớn chỉ bé bằng đầu tăm, phải dùng rây bột mới sàng được. Điều đặc biệt là dù bé như vậy nhưng chúng được xuyên lỗ - chứng tỏ kỹ thuật nấu thủy tinh của người Sa Huỳnh cổ rất điêu luyện.

Dựa trên những di vật thu được, các nhà khảo cổ cho rằng chủ nhân của những mộ táng ở Động Cườm chính là cư dân cổ thuộc nền văn hóa Sa Huỳnh. Khu mộ địa Động Cườm có khả năng tồn tại từ thế kỷ I, thế kỷ II trước Công nguyên đến thế kỷ I sau Công nguyên.

Giải mã bí ẩn ngàn năm

Nền văn hóa Sa Huỳnh được biết đến từ hàng loạt ngôi mộ chum phát hiện lần đầu ở cồn cát Sa Huỳnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi vào năm 1909. Học giả người Pháp M. Vinet khi viết báo cáo về sự kiện này đã phải dùng từ "kho chum" để mô tả khoảng 200 chiếc xuất lộ cùng lúc.

Theo các chuyên gia, mộ chum là một táng thức đặc trưng của văn hóa Sa Huỳnh. Cho đến nay, các nhà khảo cổ đã tìm được hơn 40 di tích, chủ yếu từ Huế tới Đồng Nai, nhiều nhất là ở 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định.

Bí ẩn mộ chum Động Cườm - Ảnh 2.

Ngay từ đầu, nhiều người đã nghĩ những chiếc chum này là một dạng quan tài gốm chôn người chết, bởi chôn trong mộ chum cũng là nét đặc thù dễ phân biệt với các văn hóa khác của văn hóa Sa Huỳnh. Tuy nhiên, người chết được chôn trong chum như thế nào vẫn còn là điều bí ẩn. Cũng có ý kiến cho rằng do trong các mộ táng Sa Huỳnh không tìm thấy mộ nào có nguyên xương cốt người hoặc xương cốt bị đốt cháy, vì thế khó có khả năng đây là những vò đựng tro xương người chết.

Chỉ đến khi cuộc khai quật Động Cườm được tiến hành năm 2003, vấn đề trên mới được giải đáp. Qua cuộc khai quật này, các nhà khoa học có đủ bằng chứng khẳng định phần lớn chum gốm có kích thước lớn của văn hóa Sa Huỳnh là để chôn nguyên xác người chết được bó gối. Trong cuộc khai quật ở Cần Giờ, TP HCM, các nhà khoa học cũng tìm được một chum gốm có bộ xương với tư thế nằm co như vậy.

Xã hội đã phân hóa giàu nghèo

Theo PGS Trịnh Sinh, rất nhiều mộ chum tìm thấy ở di chỉ Động Cườm không có đồ tùy táng bên trong. Điều này chứng tỏ trong đời sống xã hội của cư dân thời đó đã có sự phân hóa giàu - nghèo. Về kinh tế, những cư dân này đã đạt đến trình độ cao trong kỹ thuật chế tác đồ gốm, có kỹ nghệ dệt vải, làm đồ thủy tinh và có thể họ đã biết rèn sắt. Họ cũng đã tận dụng hành lang biển để đánh cá. Ngoài ra, họ còn có mối liên hệ, giao lưu thương mại, trao đổi với các nền văn hóa khác…

PGS Trịnh Sinh cho rằng điều quan trọng là những di vật thu được từ đợt khai quật đã góp phần chứng minh nguồn gốc bản địa của một lớp cư dân cổ văn hóa Sa Huỳnh từng tụ cư lâu đời tại khu vực này.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 18-4

Kỳ tới: Vương triều rực rỡ bị lãng quên

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo