Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định công nhận bảo vật quốc gia (đợt 7, năm 2018) cho 22 hiện vật, nhóm hiện vật. Cùng với cả trăm bảo vật được công nhận từ năm 2012, những cổ vật này thật sự là báu vật không chỉ có giá trị lịch sử mà còn ẩn chứa những câu chuyện bí ẩn về niên đại và những nhân vật lịch sử tiếng tăm.
Bảo vật trong ngôi chùa cổ
Chùa Giám thuộc làng An Trang, xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương là công trình kiến trúc cổ, đồ sộ, nơi thờ danh y Tuệ Tĩnh, người đã từng trụ trì ngôi chùa, trồng thuốc nam cứu người mắc bệnh hiểm nghèo. Chùa Giám còn có tên là Nghiêm Quang, tương truyền được xây dựng từ thời Lý, được trùng tu lớn vào thời Hậu Lê thế kỷ XVIII và trùng tu nhiều lần vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Các công trình kiến trúc hiện nay phần lớn được trùng tu vào thời Vĩnh Thịnh (1705 -1720).
Bảo tháp ngày càng có dấu hiệu xuống cấp nên nhà chùa hạn chế cho quay
Trước đây, chùa Giám có kiến trúc kiểu "nội công ngoại quốc" với nhiều công trình kiến trúc đồ sộ. Nhưng vì nằm gần sông, thường xuyên bị ngập lụt, hư hỏng, xuống cấp nên năm 1974 (chùa được xếp hạng di tích cấp quốc gia), chùa Giám được chuyển về địa điểm mới tại xã Cẩm Sơn (huyện Cẩm Giàng) và được phục dựng hoàn chỉnh vào ngày 5-2-1975. Ông Hà Quang Thành, Trưởng Ban Quản lý di tích huyện Cẩm Giàng, cho biết trước năm 1974, chùa Giám nằm cạnh sông Thái Bình, cách vị trí hiện nay 7 km về phía Nam. Hằng năm, vào mùa nước lớn, cả xã bị ngập lụt đến vài tháng. Để tránh lụt, người dân đã phải lùi sâu vào trong lập làng mới như hiện nay. Toàn bộ chùa Giám đã được tháo dỡ, di chuyển bằng xe bò mất tới hơn nửa năm mới xong. Chùa Giám hiện nay được đặt theo hướng Đông, các công trình trước bị hủy hoại, nay đã khôi phục.
Tam quan chùa Giám được xây năm 1987, kiến trúc theo kiểu chồng diêm cổ các 8 mái, với gốc đao cong, tạo dáng nhập với kiến trúc của các công trình chính. Tòa tiền đường gồm 5 gian 2 dĩ, là công trình được tạo dựng vào thế kỷ XVII. Kiến trúc chính của tòa tiền đường là kiểu kèo cầu trụ báng, nhà thấp, cột to. Móng, tường xây bằng gạch Bát Tràng và gạch chỉ, mái lợp ngói mũi thuyền. Bờ nóc, bờ cánh mềm mại với chi tiết cải hoa chanh tạo cho công trình tính nghệ thuật cao.
Nối liền tòa tiền đường là 3 gian ống muống, tòa thượng điện, nhà phẩm và nhà tổ. "Chùa Giám còn giữ được hệ thống tượng La Hán, tượng Phật, 2 chuông đồng lớn, 15 bia đá có niên đại từ thế kỷ XVII - XIX, trong đó có pho tượng đại danh y Tuệ Tĩnh rất quý hiếm" - ông Thành cho hay.
Nhưng điều đặc biệt của chùa Giám chính là nhà phẩm (được tạo dựng 4 mặt giống nhau với 3 tầng, 12 mái, cao 8 m) với tòa cửu phẩm liên hoa hơn 300 năm được đặt chính giữa. Tòa cửu phẩm gồm 9 tầng sen chồng lên nhau, càng lên cao các tầng sen càng nhỏ theo thế "thượng thu hạ thách". Các tầng cửu phẩm liên hoa kiến tạo hình lục giác đều. Tầng một mỗi cạnh dài 1,2 m, các tầng kế tiếp càng lên cao, cạnh càng nhỏ. Mỗi cạnh được chạm những cánh hoa sen mập nằm sát nhau theo hàng ngang sơn màu đỏ, mép cánh hoa nhũ vàng. Tầng 9 có một pho tượng A Di Đà thế tọa thiền, đầu đội vào trần tháp như giữ thăng bằng cho tòa cửu phẩm. Chóp mái trước đây được đắp hình hoa sen nhưng sau này sửa thành hình hoa sen đỡ quả hồ lô. Tầng 2 của nhà phẩm có cửa sổ 4 mặt đón ánh sáng khiến cho tháp cửu phẩm liên hoa bừng sáng rực rỡ.
Theo ông Hà Quang Thành, trước đây, mỗi cạnh của một tầng cửu phẩm có 3 pho tượng Phật nhỏ, cao 20 cm, là những pho tượng cổ được sơn son thếp vàng khá đẹp. Nhưng từ những năm 60 của thế kỷ trước, các pho tượng này bị mất trộm dần. "Các pho tượng cũ gần như không còn, thay vào đó là các tượng Phật bằng đất nung mới" - ông Thành thông tin.
Hiện cửu phẩm liên hoa có 145 pho tượng. Toàn bộ cửu phẩm liên hoa được kiến tạo gắn với một trụ lim lớn ở giữa, phía dưới đặt trên một ngõng đá, tựa như một ổ bi. Khi có từ hai người đẩy, cửu phẩm có thể quay tròn. "Đây là một bảo vật đồ sộ, công trình kiến trúc đặc sắc mang đậm dấu ấn nghệ thuật kiến trúc cuối thế kỷ XVII. Du khách đến thăm bảo tháp thật sự bị choáng ngợp bởi 9 tầng tháp hoa sen" - ông Thành tự hào.
Quay bảo tháp, cầu bình an
Người dân Cẩm Sơn vẫn còn nhắc đến câu chuyện tâm linh huyền bí là khi quay tòa cửu phẩm liên hoa thì bảo tháp phát ra những tia hào quang rực rỡ. Theo tác giả Trang Thanh Hiền, nhà nghiên cứu về cửu phẩm liên hoa, việc quay tòa tháp là hình thức vừa cầu kinh vừa quay một vật như con lắc, quả chuông, tòa tháp… làm cho lời kinh được phát tán vào trời đất, cầu cho thế giới được hòa bình, con người được hạnh phúc. Ông Hà Quang Thành cho hay nhiều người quan niệm rằng đẩy được tháp cửu phẩm quay sẽ gặp may mắn và bình an nên đã có rất nhiều khách viếng chùa vào quay bảo tháp. Bảo tháp được công nhận là bảo vật quốc gia vào năm 2015, tuy nhiên, bảo vật này ngày càng có dấu hiệu xuống cấp nên nhà chùa hạn chế cho quay tòa cửu phẩm. Hiện nhà chùa chỉ mở cửa nhà phẩm để quay bảo tháp vào những dịp quan trọng như Tết hay trong lễ hội từ 14 đến16-2 âm lịch hằng năm. Lễ hội hằng năm của chùa là lễ hội lớn của vùng với nhiều nghi thức độc đáo, trong đó có lễ rước thuốc để tưởng nhớ đại danh y Tuệ Tĩnh.
Theo thượng tọa Thích Thanh Lương, trụ trì chùa Giám, cửu phẩm liên hoa không chỉ có ý nghĩa quảng bá tinh thần bác ái của Phật giáo mà còn thể hiện sự phát triển của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử. Các chùa xây dựng tháp cửu phẩm liên hoa đều là những trung tâm Phật giáo. Theo các chuyên gia, ngoài chùa Giám thì tòa cửu phẩm liên hoa nguyên bản chỉ có mặt tại hai ngôi chùa khác là chùa Bút Tháp (Bắc Ninh) và chùa Đồng Ngọ (xã Tiền Tiến, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương).
Kỳ tới: Bảo vật chùa Phật Tích
Chùa Giám xuống cấp
Theo ông Hà Quang Thành, qua thời gian, chùa Giám đã xuống cấp nặng, nhiều xà gồ mục, hỏng. Thậm chí những năm trước đây, một số xà rời ra khiến ngói rơi vỡ nên khi trời mưa, thượng điện bị dột. Nhà chùa phải dùng bạt che tượng và các đồ thờ tự. Mấy năm trước, chùa được cấp kinh phí để tu bổ, tôn tạo nhưng chỉ đủ tu bổ nhỏ. Kinh phí tu bổ lại tam bảo và nhà phẩm khoảng 3 tỉ đồng nhưng việc kêu gọi xã hội hóa rất khó khăn.
Bình luận (0)