Theo kết quả khảo sát của các nhà chuyên môn, khu di tích Óc Eo (thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) khá rộng lớn với tổng diện tích khoảng 450 ha. Nó lớn đến nỗi nhà khảo cổ người Pháp Louis Malleret không tin đó là thành trì của một vương quốc có từ 1.900 năm về trước.
Thành trì vương quốc cổ
Khu di tích Óc Eo được xây dựng theo quy hoạch chặt chẽ, có hình chữ nhật với 5-6 bờ thành, hào nước bao quanh, có thủy đạo chạy ngang theo đường trục chính giữa, lại có thêm nhiều đường nước mở ra ở góc Đông Bắc cho ghe thuyền ra vào trú ẩn. Ngoài hệ thống bờ tường, đường hào thì nơi đây còn có nhiều di tồn kiến trúc kiểu nhà sàn dựng trên cột gỗ được phân bố dọc bên hoặc gần bên thủy đạo chính với khoảng 40 phế tích lớn nhỏ được xây bằng gạch, đá, cát, đất sét có liên quan tín ngưỡng tôn giáo Hindu, Phật giáo...
Nhiều hiện vật, di chỉ văn hóa Óc Eo được phát hiện tại khu vực khai quật ở Linh Sơn tự
Khu di tích này đã lưu tồn khối lượng và số lượng lớn nhất với đa dạng chủng loại hiện vật, chất liệu liên quan đến nhiều lĩnh vực đời sống của con người trong sinh hoạt vật chất, tinh thần, sản xuất, giao thương… Đó là hàng chục loại đồ gốm lớn nhỏ, thô mịn, bình dân và cao cấp; hàng chục vạn hạt chuỗi thủy tinh nhiều màu sắc; hàng trăm hạt chuỗi, vật đeo bằng đá quý, bán quý (25 loại chất liệu) cùng rất nhiều đồ trang sức bằng vàng, bạc hoặc vàng bạc có gắn đá quý. Bên cạnh đó là nhiều tượng nghệ thuật tôn giáo hoặc thường nhật bằng đá, đồng thau, thiếc, chì, mạ vàng và những sản phẩm mậu dịch biển vùng, quốc gia như loại tiền vàng, tiền bạc, tiền "Phù Nam".
Khu thành trì rộng lớn này đã được người Pháp tên Louis Malleret phát hiện qua ảnh chụp từ máy bay vào năm 1928. Ông Louis Malleret không thể ngờ một vùng đất rộng như vậy lại là địa chỉ của một thành trì đã hoang phế. Nhà khảo cổ học này lý giải sở dĩ vua chúa Phù Nam chọn địa điểm dưới chân núi như thế này để xây dựng thành trì là vì những lý do về tín ngưỡng giống như ở Ấn Độ. Theo quan niệm của người xưa, đỉnh núi được coi là nơi ngự của các thần nên xung quanh núi có rất nhiều di tích kiến trúc và các pho tượng, chủ yếu là hình ảnh của thần Vishnu. Do đó, Ba Thê được chọn như một quả núi trung tâm với một vành đai thiêng liêng về thủy bộ, liên tưởng đến đại dương vũ trụ dựa theo chủ nghĩa tượng trưng đã được sáng tỏ theo đà tiến bộ trong nghiên cứu về Angkor.
Ngoài ra, Louis Malleret còn phát hiện những kiến trúc bằng gạch nung, những ụ đá huyền bí, điêu khắc trang trí, đồ gốm với nhiều hình dạng khác nhau như đầu người, quái vật, khánh thờ bán nguyệt...
Bí ẩn dưới Linh Sơn tự
Theo các nhà nghiên cứu, Linh Sơn tự được xây dựng dưới chân núi Ba Thê cách nay chỉ hơn 100 năm. Tuy nhiên, bên dưới ngôi chùa này vẫn còn rất nhiều điều bí ẩn cần được khám phá.
Mới đây, vào ngày 3-1 vừa qua, tại thị trấn Óc Eo, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp cùng UBND tỉnh An Giang tổ chức hội thảo khoa học, sơ bộ công bố kết quả khai quật nghiên cứu di tích khảo cổ học thuộc nền văn hóa Óc Eo của vương quốc Phù Nam xưa. Theo đó, từ tháng 8-2017 đến nay, viện này đã tiến hành khai quật 2 hố với tổng diện tích hơn 285 m2 trong khuôn viên chùa Linh Sơn. Kết quả đã phát hiện được dấu tích của hơn 30 di tích, trong đó có 5 di tích được hình thành tương ứng 5 thời kỳ phát triển. Các nhà khảo cổ đã thu được số lượng di vật rất lớn trong 2 hố với khoảng 20.000 di vật, gồm vật liệu kiến trúc (gạch ngói các loại), đồ gồm sinh hoạt (nồi, bát đĩa…), di vật đá (mảnh tượng bằng đá sa thạch)... Các di vật có niên đại kéo dài từ khoảng thế kỷ I trước Công nguyên đến sau thế kỷ XII.
Nhiều hiện vật cổ được tìm thấy tại khu di tích Óc Eo
Trước đó, vào năm 1998, Viện Khoa học Xã hội tại TP HCM do ông Nguyễn Sĩ Khải làm trưởng đoàn cùng với các nhà khảo cổ thuộc Trường Viễn Đông Bác Cổ và Bảo tàng An Giang tiến hành khai quật khu vực xung quanh Linh Sơn tự trong vòng 42 ngày. Đoàn đã khai quật 2 di tích kiến trúc và 2 mộ táng một cách có hệ thống trong mùa điền dã. Đặc biệt, trong tầng văn hóa sâu nhất và xưa nhất của di tích, đoàn đã phát hiện một chum cải táng bằng gốm thô, xương gốm đen và áo gốm màu đỏ (đường kính 0,67 m, cao 0,4 m) được đậy bằng vung dạng cái tô lớn. Trong chum có vài mảnh nhỏ chất hữu cơ, 5 hạt chuỗi bằng vàng (hạt lớn nhất dài 6 mm) và một hạt chuỗi vỡ bằng mã não. Tại hố khai quật gần đó, đoàn phát hiện có một số đường móng và vách gạch không còn nguyên vẹn được xây chồng lên đường móng cũ. Cách đó khoảng 70 m, đoàn phát hiện có giếng hình vuông ở độ sâu 2,7 m. Tuy nhiên, giếng vuông này đã bị đào phá và lấy đi gần hết gạch cùng các di vật bên trong.
Theo nhận định của đoàn khảo cổ này, khu vực Linh Sơn tự ở sườn đông núi Ba Thê, từ độ cao 16,5 m cho đến chân núi là khu vực dày đặc những dấu vết kiến trúc cổ bằng gạch và đá. Trên lòng đường chạy quanh sườn núi tiếp giáp với khu cư trú và mộ táng trên cánh đồng Óc Eo vẫn còn nhiều điều bí ẩn cần được khám phá để tìm hiểu lịch sử cổ đại của vùng châu thổ sông Cửu Long tại khu di tích rộng lớn này.
Huyền bí tượng Phật 4 tay
Theo tài liệu lưu giữ, khi người Pháp cho xe ủi đất làm đường và xây đồn bót vào năm 1913, người dân phát hiện pho tượng đá 4 tay, cao 1,7 m còn nguyên vẹn, nằm sâu cách mặt đất khoảng 2 m. Cư dân Khmer cho là tượng Thần núi nên tập hợp gần trăm trai làng đến dùng dây kéo về để thờ cúng nhưng không thành. Ngay sau đó, một số người Kinh đến nơi lập bàn hương án cầu nguyện và dùng tre nứa làm con lăn thì pho tượng mới được dịch chuyển dần về chân núi Ba Thê. Tại đây, người dân đặt pho tượng vào giữa 2 bia đá cổ đã được phát hiện trước đó rồi dựng lên ngôi chùa lá và đặt tên Linh Sơn tự để thờ cúng cũng như bảo quản 2 báu vật này.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 27-1
Kỳ tới: "Chảy máu" cổ vật Óc Eo
Bình luận (0)