Ngày 16-1, phiên tòa sơ thẩm xét xử ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên/Hội đồng Quản trị (HĐTV/HĐQT) Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), cùng 21 đồng phạm trong vụ án "Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Tham ô tài sản" xảy ra tại PVN và Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) tiếp tục diễn ra với phần tranh tụng.
Không gây nguy hiểm cho xã hội!
Tiếp tục tự bào chữa sau khi các luật sư tranh luận với VKS, bị cáo Đinh La Thăng cho rằng mình luôn tôn trọng bản luận tội của VKS. Ngoài ra, ông đề nghị nội dung nào không liên quan đến vụ án, không nằm trong quá trình điều tra thì không đưa vào bản luận tội, trong đó có việc quy kết lợi ích nhóm.
Ông Đinh La Thăng xin được tại ngoại vì cho rằng mình không gây nguy hiểm cho xã hội Ảnh: TTXVN
Về cáo buộc cấp trên không nhận trách nhiệm, đổ cho cấp dưới, bị cáo Thăng cho rằng trong quá trình điều tra truy tố, xét xử tại tòa ông luôn nhận trách nhiệm với vai trò người đứng đầu vì chưa hoàn thành chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình. Ngoài ra, ông cũng đã đề nghị sẵn sàng nhận trách nhiệm cho tất cả cán bộ dưới quyền chỉ vì mục tiêu đẩy nhanh tiến độ dự án, không vì động cơ cá nhân hay vụ lợi mà sai phạm.
Theo nội dung bào chữa của bị cáo Thăng, chủ trương chỉ định thầu có từ 2006, Chính phủ đồng ý chủ trương PVN được chỉ định cho các đơn vị thành viên tập đoàn. Ông Thăng nói Kết luận 41 của Bộ Chính trị nêu nhiều vấn đề, trong đó có ý phát triển PVN trở thành tập đoàn kinh tế hàng đầu của cả nước, kinh doanh đa ngành trong nước và quốc tế.
Ngoài ra, bị cáo Đinh La Thăng cũng đề nghị cho một số người liên quan đến tội "Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" được thay đổi hình thức ngăn chặn, trong đó có bản thân mình. "Một số bị cáo đã được tại ngoại rồi, những người như bị cáo không gây nguy hiểm cho xã hội" - bị cáo Thăng nói.
Về đề nghị này, trao đổi riêng với phóng viên Báo Người Lao Động, một luật sư cho rằng về luật và quyền thì được phép cho các bị cáo tại ngoại. "Tuy nhiên, vài ngày tới đây, tòa án sẽ có phán quyết, nếu không có tội thì sẽ được thả ngay hoặc có tội thì ít nhất tạm giam để bảo đảm thi hành án. Mặc dù bị cáo kháng nghị nhưng tại ngoại là không khả thi vào thời gian này" - luật sư này nói.
Đâu phải cứ đứng đầu là chủ mưu
Đại diện VKS cũng nhấn mạnh rằng việc xem xét, đánh giá hành vi sai phạm của vụ án có xâu chuỗi vai trò của từng bị cáo. Cùng một hành vi, tính chất sai phạm thì người có chức vụ cao hơn đương nhiên có trách nhiệm lớn hơn.
"Rõ ràng có phân hóa, đánh giá mức độ vai trò của từng bị cáo chứ không phải như lời luật sư. Trong vụ án này, vai trò chủ mưu xuyên suốt là bị cáo Đinh La Thăng, khởi nguồn từ chỉ định thầu và vai trò của các bị cáo sau biết nhưng vẫn thực hiện, đó là hành vi cố ý làm trái" - đại diện VKS khẳng định.
Ngay sau phần đối đáp của đại diện VKS, luật sư Đào Hữu Đăng - cùng bào chữa cho ông Đinh La Thăng - tranh luận lại rằng chủ trương chỉ định thầu có từ năm 2006 trước khi ông Thăng về PVN và chủ trương này đã được cấp trên đồng ý. Kết luận giám định cũng kết luận chỉ định thầu đúng quy định nhưng VKS lại cho rằng chỉ định thầu trái với nghị quyết của HĐTV. Theo bối cảnh khi đó, nếu chỉ định thầu cho PVC sẽ nhanh hơn và bảo đảm về tiến độ hơn so với liên danh nhà thầu nước ngoài. Do vậy, không thể nói chỉ định thầu trái pháp luật như VKS cáo buộc.
Về đánh giá vai trò trong vụ án, luật sư Đăng cho rằng không phải chức vụ cao thì hình phạt cao mà xem xét trách nhiệm hình sự phải căn cứ hành vi cụ thể của từng người. Trong cả chuỗi hành vi này, hành vi nào nghiêm trọng nhất phải chịu hình phạt cao nhất.
"Nếu không sử dụng tiền tạm ứng trái phép thì không có hậu quả xảy ra. Do đó, tôi cho rằng kết luận ông Thăng là chủ mưu trong tội cố ý làm trái là không có cơ sở vì không có chứng cứ chứng minh. Không phải cứ người đứng đầu là chủ mưu" - luật sư Đăng bào chữa.
PVPower 4 lần đề nghị chi tiền
Về việc tạm ứng 6,6 triệu USD và 1.300 tỉ cho PVC, bị cáo Đinh La Thăng cho rằng mình nhận thức đây là đồng tiền của dân thì PVN nên có trách nhiệm sử dụng có hiệu quả, trân trọng từng đồng. Chính vì vậy, ông yêu cầu phải thực hiện đúng quy định. Điều đó thể hiện ở việc PVPower 4 lần đề nghị thì 3 lần ông không giải quyết, 1 lần thì chỉ đạo tạm ứng theo quy định và PVC không được sử dụng tiền này cho dự án khác ngoài Nhiệt điện Thái Bình 2.
"PVPower trực tiếp thực hiện dự án mà không bị xử lý thì với các bị cáo khác cũng đề nghị cơ quan chức năng xem xét lại" - ông Thăng nêu.
Bình luận (0)