Ngày 24-9, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm đã chủ trì buổi đối thoại giữa cơ quan chức năng của tỉnh với đại diện hàng chục doanh nghiệp nước ngoài có nhà máy đặt tại địa phương này.
Mục đích buổi đối thoại là doanh nghiệp phản ánh những khó khăn trong quá trình hoạt động, sản xuất tại Bình Dương để được lãnh đạo tỉnh chỉ đạo tháo gỡ.
Vấn đề nổi cộm tại buổi đối thoại này được doanh nghiệp nêu ra là liên kết đường bộ giữa TP HCM và Bình Dương chưa thông thoáng.
Đại diện một doanh nghiệp phát biểu rằng ông bị những người bạn nước ngoài gọi là "Mr. 20" vì mỗi lần ông chạy xe từ Bình Dương lên TP HCM để đón hoặc làm việc với người nước ngoài rất khó khăn, chỉ có thể chạy khoảng 20 km/giờ do giao thông ách tắc.
Đại diện một doanh nghiệp khác tại KCN Đồng An 2 (phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một) cho biết nhiều nhân viên của ông phải bỏ việc vì nhà họ ở TPHCM, cách Bình Dương chỉ vài chục km nhưng mỗi ngày phải ngồi trên xe di chuyển tới 4 giờ do giao thông ùn tắc.
Đại diện doanh nghiệp nêu vấn đề khó khăn trong việc đi lại giữa TP HCM và Bình Dương
Trả lời các doanh nghiệp, ông Trần Bá Luận, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Dương, cho rằng vấn đề giao thông kết nối vùng, đặc biệt là giữa Bình Dương và TP HCM, được tỉnh đặc biệt quan tâm.
Bình Dương đang triển khai mở rộng 2 tuyến đường nằm trên địa phận tỉnh và nối với TP HCM là Quốc lộ 13 và Tỉnh lộ 743.
Về phía TP HCM, ông Luận cho rằng cũng có nhiều khó khăn khi cùng lúc phải giải quyết vấn đề kết nối không chỉ với riêng Bình Dương mà còn với nhiều địa phương xung quanh khác.
Trao đổi riêng với phóng viên, đại diện các doanh nghiệp cho rằng nếu Bình Dương mở rộng Quốc lộ 13 đoạn qua tỉnh này mà TP HCM vẫn không mở rộng đoạn qua TP (cụ thể là từ cầu Bình Triệu đến cầu vượt Bình Phước) thì việc đi lại giữa 2 địa phương vẫn trắc trở.
Bình luận (0)