Sở thích đeo nhiều vàng mỗi khi hội hè, đám tiệc lâu nay dường như là nét "văn hóa" của nhiều người ở vùng nông thôn miền Tây.
Đeo vàng để thể hiện
Về sở thích đeo vàng mỗi khi đến chỗ đông người, ThS Ngô Thành Thuận, chuyên gia tư vấn tâm lý thuộc Hội Kế hoạch hóa gia đình TP Cần Thơ, lý giải đó là nét văn hóa nhưng đó là "văn hóa đám đông". Mỗi khi đến chỗ đông người, nhiều người muốn thể hiện mình, chứng tỏ sự sung túc, giàu có. Hơn nữa, khi đi dự tiệc thì dĩ nhiên là phải ăn mặc đẹp, vậy nên đeo thêm nhiều trang sức quý mới xứng với trang phục.
Bà Lê Thị Hoa (54 tuổi, ngụ tỉnh Hậu Giang) kể rằng nhiều lần đi đám thấy có người đeo vàng hết 10 ngón tay. Dù nhìn thấy hơi kỳ nhưng đa số người ngồi trong bàn đều tỏ vẻ ngưỡng mộ sự "giàu có" của người này. "Biết đeo vàng nhiều hơi bị kỳ nhưng đi đám tiệc mà trên người không một phân vàng nào thì cũng thấy mắc cỡ. Mình không đeo vàng, nhiều người chê bai chắc làm ăn thất bát, đến nỗi không sắm được phân vàng nào để đeo!" - bà Hoa tâm sự.
Đeo nhiều vàng là thể hiện sự giàu sang, điều này có thể đúng nhưng trên thực tế cũng có lắm chuyện bi hài. Bởi lẽ, có ai biết được số vàng đang mang trên người là thật hay giả, là đi mượn hay của họ. Chị Nguyễn Bích Ngọc (34 tuổi, ngụ TP Cần Thơ) kể lại có lần chị đi đám cưới, thấy nhiều phụ nữ trạc tuổi mình nhưng trên người đầy những trang sức đắt tiền, trong đó có cả kim cương. Ngồi cùng bàn, chị cảm thấy rất tự ti vì "người khác cùng tuổi mình mà… vàng quá trời, còn mình chỉ có vài chỉ". "Thú thật, lúc đó tôi ngưỡng mộ mấy chị ấy lắm. Có chị nghe nói làm ăn phất lên nhanh ở thành phố nên lắm tiền nhiều của. Nhưng mà sau này mới biết chị đó chuyên đi thuê vòng vàng để lòe thiên hạ, chứ bản thân thiếu nợ như chúa chổm" - chị Ngọc kể.
Một cô dâu ở miền Tây được người thân tặng rất nhiều vàng trong ngày cưới và đăng ảnh lên mạng xã hội. Ảnh: NGỌC TRINH
Làm mồi cho kẻ xấu
Cũng theo chuyên gia tâm lý Ngô Thành Thuận, vàng đối với người dân phương Đông như là sự may mắn. Trong các tiệc cưới, của hồi môn cho cô dâu có khi rất nhiều vàng, điều đó vừa thể hiện sự giàu sang, sung túc của gia tộc vừa là trao nhau sự may mắn. Tuy nhiên, trong xã hội có một số người đeo vàng như kiểu khoe mẽ, hợm hĩnh nhưng bản thân không giàu có gì. Và tâm lý khoe của cũng dần được hình thành trong cuộc sống. "Việc khoe mẽ này hết sức nguy hiểm, nhiều người thừa biết mình sẽ "làm mồi" cho trộm cướp nhưng vẫn bất chấp" - ông Thuận cảnh báo.
Trên thực tế, không ít vụ cướp giật đã xảy ra trong các đám cưới, thậm chí có vụ cướp giật cả vàng cô dâu đang đeo trên người. Một võ sư ở TP Cần Thơ, từng bắt được kẻ cướp vàng ở đám cưới, chia sẻ: "Thông thường ở quê đường vắng, chị em rất chủ quan khi đi đám tiệc nhưng lại đeo nhiều trang sức có giá trị. Nắm được tâm lý này, các đối tượng xấu thường canh me cướp giật".
Làm đẹp khi ra đường là nhu cầu tất yếu của con người, song cái gì cũng phải có chừng mực, nếu đeo quá nhiều đôi khi sẽ trở nên dị hợm trong mắt người khác và tự mang lại nguy hiểm cho bản thân.
"Trang sức mà cụ thể là vàng, nếu đeo vừa đủ sẽ rất sang trọng và quý phái, còn nếu đeo nhiều quá thì lại tạo lòng tham cho kẻ khác. Đôi khi họ không có ý thức phạm tội nhưng nhìn thấy sự hớ hênh của nhiều người thì lòng tham trỗi dậy. Vậy là mình tự làm con mồi cho kẻ xấu" - ông Thuận phân tích.
Chuyển hóa vàng thành nguồn lực kinh tế
Vàng là tài sản có giá trị, một kim loại quý và là kênh đầu tư phổ biến. Các quốc gia đều có chính sách dự trữ vàng, còn người dân thường có xu hướng chọn kênh đầu tư vàng khi kinh tế bất ổn, lạm phát...
Vàng dưới góc độ tài sản hay vật trang sức đều có sức hấp dẫn. Luật pháp không giới hạn người dân sở hữu vàng hay đeo nhiều vàng. Dù vậy, hiện tượng có nhiều người thích phô trương bất chấp rủi ro, thiệt hại tài sản lẫn tính mạng như vừa qua thì cần lên tiếng cảnh báo. Những người giàu nhất luôn là các ông chủ trên sàn chứng khoán, có của chìm, của nổi, nhờ vào các hoạt động sản xuất - kinh doanh chứ không phải những người đeo nhiều vàng. Để thay đổi thói quen, tâm lý thích phô trương, nặng hình thức thì cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức nhưng dưới góc độ kinh tế thì cần giải pháp kinh tế.
Trong điều kiện các hình thái kinh tế chủ yếu vẫn còn nặng nông nghiệp, thủy sản, mùa vụ, thương vụ, thiếu các kênh đầu tư vốn an toàn, hấp dẫn thì vàng vẫn là kênh chọn lựa của người dân, thậm chí còn là phương tiện thanh toán không chính thức. Cần phát triển các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, tăng cường các hoạt động đầu tư, kinh doanh, thương mại, các dạng thức kinh tế chia sẻ. Cần có các cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp để huy động vàng, làm thay đổi thói quen, nhu cầu nắm giữ vàng trong dân, chuyển hóa nó thành nguồn lực kinh tế, đưa vào lưu thông và ngăn chặn vàng hóa nền kinh tế.
Tiến sĩ kinh tế Trần Hữu Hiệp
Bình luận (0)