Tại Quảng Nam, nhìn vào số thí sinh đăng ký tham gia 2 đợt thi tuyển viên chức ngành giáo dục của tỉnh này trong năm 2017, chúng ta có thể phần nào thấy được số lượng giáo viên (GV) dư thừa nhiều như thế nào.
"Chạy thi"
Trong đợt thi tuyển viên chức ngành giáo dục đợt 1 của tỉnh Quảng Nam vào tháng 2-2017, chỉ tiêu đưa ra chỉ 1.193 người nhưng có đến 3.895 thí sinh đăng ký tham gia. Kết quả, chỉ có 304 thí sinh trúng tuyển. Còn đợt 2 diễn ra tháng 12-2017, có đến 3.397 thí sinh dự thi trong khi chỉ tiêu chỉ 1.191 người.
Với chỉ tiêu ít ỏi, nhiều GV không trúng tuyển đợt 1 (đợt 2 chưa công bố kết quả) đành ngậm ngùi với cảnh thất nghiệp. Chị H. (quê ở huyện Đại Lộc) vốn tốt nghiệp loại giỏi ngành sư phạm hóa Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng vào năm 2012. Sau khi tốt nghiệp, chị H. xin về dạy hợp đồng theo tiết tại một trường THPT ở địa phương và tranh thủ học cao học. Dù có tấm bằng thạc sĩ nhưng chị vẫn không được tuyển vào biên chế các trường học trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Không trúng tuyển viên chức ngành giáo dục, nhiều giáo viên ở tỉnh Quảng Nam đành chịu cảnh thất nghiệp hoặc phải làm trái nghề
Thấy rõ nguy cơ mất việc của giáo viên hợp đồng theo tiết, chị H. tập trung ôn luyện để đăng ký đợt thi tuyển viên chức lần 1 năm 2017. Kết quả, chị là một trong số những người có điểm cao nhất. Nghĩ đã thi đậu viên chức, chị và gia đình rất vui mừng nhưng lại nếm trái đắng khi hội đồng thi tuyển thông báo điểm công bố trước đó không chính xác do nhầm lẫn. "Đành chấp nhận làm GV dạy theo tiết thôi, lúc nào bị cắt hợp đồng hẵng tính chứ biết sao được" - chị bộc bạch.
Chị H. cho biết vì thi rớt và mất luôn hợp đồng giảng dạy, nhiều đồng nghiệp của chị ở các ngành văn, sử phải bỏ nghề đi làm công nhân ở các khu công nghiệp, Khu Kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi).
Bi kịch cho chính GV hợp đồng đó là vì muốn chạy suất vào biên chế, khá nhiều người tìm mọi cách "chạy thi", từ đó phát sinh tiêu cực. Điển hình là việc thí sinh Nguyễn Minh T. (SN 1987; quê xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước) sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Nhật (trình độ A) không hợp pháp để dự kỳ thi tuyển đợt 1. Khi có người nhắn tin tố giác đến ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Quảng Nam, sự việc mới vỡ lở. Thí sinh T. sau đó đã bị hủy kết quả trúng tuyển.
Cũng trong đợt thi tuyển trên, Công an tỉnh Quảng Nam đã bắt giữ Lê Tấn Thọ (30 tuổi; ngụ xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên) vì có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo kết quả điều tra, giữa tháng 2-2017, biết chị L.T.K.H (25 tuổi, ngụ thị xã Điện Bàn) đang chuẩn bị thi viên chức ngành giáo dục, Thọ nảy sinh ý định lừa đảo. Thọ giới thiệu mình tên Lê Tài, Phó chánh Thanh tra Sở Nội vụ tỉnh Quảng Nam, có thể giúp đỡ chị H. thi đậu viên chức. Đổi lại, chị H. phải đưa hơn 60 triệu đồng để lo lót cho hội đồng thi. Tuy nhiên, khi thi xong, thấy đề không giống với đáp án mà Thọ đưa, chị H. biết mình bị lừa nên trình báo công an. Sau khi bị bắt, Thọ khai còn lừa lấy tiền của GV P.D.T (26 tuổi, ngụ huyện Đại Lộc).
Một cán bộ quản lý giáo dục ở Quảng Nam cho rằng sau một kỳ thi với những vụ việc tiêu cực là cả phận đời, sự lo toan về nghề nghiệp của hàng ngàn thầy cô giáo ở địa phương.
Bất cập
Theo ông Hà Thanh Quốc, Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam đã chuyển kết quả thi tuyển đợt 2 năm 2017 sang Sở Nội vụ kiểm tra để trình UBND tỉnh phê duyệt, công bố trong thời gian tới.
Ông Quốc cho biết việc tổ chức thi tuyển viên chức ngành giáo dục ở Quảng Nam vừa qua được tổ chức công bằng, nghiêm túc và hạn chế được tiêu cực trong ngành mà lâu nay nhiều người vẫn nghi ngờ có lo lót, chạy chọt. Rút kinh nghiệm từ đợt 1, trong đợt 2, hội đồng thi đã kiểm tra rất kỹ hồ sơ của các thí sinh. Qua kiểm tra, hội đồng thi phát hiện 91 trường hợp thiếu hoặc hồ sơ có sai sót, không hợp lệ. Hội đồng thi đã chủ động liên hệ với các thí sinh, yêu cầu sửa hoặc bổ sung và có 16 trường hợp đáp ứng tiêu chí.
Dù vậy, nhìn lại các kỳ thi viên chức giáo dục, ông Quốc nói nhiều chuyện bi hài trong thi tuyển viên chức phản ánh những bất cập của ngành giáo dục khi nhiều người tìm mọi cách vào biên chế để thoát cảnh bị đào thải do dư thừa hợp đồng. Thực tế, Quảng Nam cũng như các tỉnh, thành khác phải siết lại biên chế viên chức giáo dục, cắt giảm GV hợp đồng. Nghịch lý là nguy cơ mất việc của GV cao vì thừa chỉ tiêu trong khi nơi nào, trường nào cũng đang thiếu GV, phải ghép lớp, tăng tiết.
"Năm nào chúng tôi cũng cân đối để lập phương án đề xuất biên chế. Hiện nay có tình trạng thừa - thiếu GV cục bộ, nhiều môn rất thiếu GV. Sau các vụ lùm xùm ở Thanh Hóa và mới đây là Đắk Lắk, chúng tôi rất cẩn thận, cân nhắc vì liên quan đến công việc, miếng cơm manh áo của GV, làm không khéo sẽ sinh chuyện" - ông Quốc bày tỏ.
Hợp đồng theo tiết "rất lạ"
Ngoài GV hợp đồng có hưởng BHXH, Quảng Nam hiện có khoảng 110 GV hợp đồng theo tiết. Theo giải thích của một lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam, sở dĩ có GV diện này là vì từ tháng 8-2009, sau khi chuyển 8 trường THPT bán công sang công lập, để không tăng biên chế sự nghiệp giáo dục, UBND tỉnh đã có công văn đồng ý chủ trương cho sở thông báo chấm dứt tuyển dụng đối với GV hợp đồng có đóng BHXH tại các cấp trường trên địa bàn tỉnh kể từ tháng 9-2011. Từ đó đến nay, do có tình trạng thừa - thiếu cục bộ GV ở một số bộ môn nên một số trường THPT ký hợp đồng với GV bên ngoài để dạy theo tiết.
Vì hợp đồng theo tiết nên thu nhập của GV rất thấp, việc làm bấp bênh, không được tham gia BHXH. Trong 2 đợt thi tuyển viên chức ngành giáo dục năm 2017, nhiều người trong số GV dạy tiết này đăng ký dự thi nhưng như trường hợp của chị H., rất ít người trúng tuyển.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 26-3
Kỳ tới: Bài học từ Khánh Hòa
Bình luận (0)