Rời làng quê nghèo khó, 18 tuổi, chị Trần Thị Tuyết Hạnh vào TP HCM tìm việc với ước mơ có tiền để sửa cho mẹ căn nhà. Hạnh được nhận vào Công ty FAPV tại KCX Tân Thuận, TP HCM. Chăm chỉ làm việc, hơn 30 tuổi chị mới lập gia đình. Niềm vui vừa nhen nhóm tròn năm, bất hạnh ập đến.
"Công ty, đồng nghiệp đã dựng tôi dậy"
Trong một lần đi làm ca đêm cách đây 3 năm, chị Hạnh bị một thanh niên đi ngược chiều tông chấn thương sọ não. Chấn thương nặng nề, phải mở hộp sọ, suốt một năm sau đó chị phải vật lộn với bệnh tình. Ngày lành vết thương cũng là sự khởi đầu mọi gian nan khi các di chứng bắt đầu xuất hiện giày vò thể xác. Mắt mờ, khả năng nghe giảm, động kinh, không nói chuyện, không vận động hai chân và tay trái, mọi thứ gần như đã khép lại với người phụ nữ trẻ.
"Đau đớn thể xác một phần, dằn vặt hơn cả là từ nay mình sẽ trở thành một gánh nặng cho tất cả mọi người. Từ một người cáng đáng kinh tế gia đình, nay trở lại như một đứa trẻ, mơ ước chưa trọn vẹn, tôi đã khóc rất nhiều. Em trai cũng khó khăn, đi làm công nhân, mẹ già ở quê trông cháu, không lẽ lại phải chăm lo cho mình. Chồng cũng chỉ buôn bán vặt không thể kham nổi gánh nặng này. Tôi cứ nguyện với lòng mình bằng mọi giá phải cố gắng vượt qua" - chị Hạnh nhớ lại.
Sự hỗ trợ của đồng nghiệp là chỗ dựa rất lớn để chị Trần Thị Tuyết Hạnh (phải) vượt lên khó khăn Ảnh: BẠCH ĐẰNG
Rồi Hạnh được công ty đồng ý nhận lại làm việc, giữ mức lương như cũ dù thể trạng của chị lúc đó chỉ tự lo cho mình là đã quá khó khăn. Đáng quý hơn cả là đồng nghiệp, cấp trên ngày ngày vẫn động viên, hỗ trợ chị làm việc.
"Bình thường công nhân đứng máy sẽ phải thực hiện luôn việc phân loại giấy để tái sử dụng giấy mới chỉ in một mặt. Khi tiếp nhận lại tôi, thấy tôi yếu quá, mấy anh chị trong xưởng mới nghĩ ra công việc là gom giấy lại cho tôi phân loại. Công việc tôi làm duy nhất chỉ là cầm viết gạch bỏ những trang giấy không còn tái sử dụng được nữa" - chị Hạnh cảm động kể.
Bên cạnh đó là những công việc không tên nhưng đầy nhân văn mà đồng nghiệp dành cho chị Hạnh. Người giúp đi lại, người cho sữa bánh, người mang giùm giỏ xách… "Mỗi ngày đi làm là mỗi ngày tôi có thêm hy vọng cho cuộc đời tưởng chừng đã tắt lụi. Công ty và đồng nghiệp đã dựng tôi dậy, phần tôi sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu vượt lên chính mình" - chị Hạnh chia sẻ.
Nâng đỡ cả một gia đình
Cũng may mắn được công ty hỗ trợ, giúp đỡ sau tai nạn lao động, bà Nguyễn Thị Thân (SN 1968; ngụ TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) đã chống chọi được với bệnh tật, đưa gia đình vượt qua khó khăn.
Bà Thân vốn là công nhân vệ sinh môi trường vào làm việc tại Công ty TNHH MTV Đô thị và Môi trường Đắk Lắk từ năm 1985. Vào một đêm đầu năm 2001, trong lúc bà Thân đang quét rác trên đường thì bị 2 đối tượng trộm chó chạy xe máy tông ngã, chấn thương sọ não nặng, gãy chân tay. Cuộc sống vốn không khá giả, di chứng của tai nạn khiến gia đình phải bán tài sản để điều trị với hy vọng bà không tàn phế.
Sau tai nạn lao động, bà Nguyễn Thị Thân vẫn được doanh nghiệp tạo điều kiện để có công việc ổn định, nuôi sống bản thân Ảnh: CAO NGUYÊN
"Sau khi từ bệnh viện trở về, nhiều đêm nước mắt chảy ướt gối nhưng không dám nói vì sợ chồng con buồn lòng. Khi tính mạng không còn bị đe dọa, tôi đã quyết tâm tập đi và cuối cùng cũng đi được. Khoảng 1 năm sau, tôi nhờ chồng chở lên công ty gặp giám đốc. Hồi đó, tôi còn rất yếu, đi lại vô cùng khó khăn với tỉ lệ thương tật 81%. Sau khi nghe tôi trình bày khó khăn, xin được làm việc quét dọn sân công ty thì ông giám đốc đồng ý. Sau một thời gian, tôi xin làm thêm việc tạp vụ theo dạng hợp đồng với mức lương 3 triệu đồng/tháng" - bà Thân kể.
Không chỉ tạo điều kiện cho bà Thân, năm 2009, con gái bà được công ty nhận vào làm việc. Năm 2010, công ty của ông Đặng Văn Sự (chồng bà Thân) gặp khó khăn, có thời điểm cả tháng không có việc làm nên sau khi nghe bà Thân trình bày, công ty tiếp tục nhận ông Sự vào làm công nhân lái máy gạt. "Sau biến cố, tưởng chừng không vượt qua nhưng công ty đã giúp đỡ, chăm lo nên cuộc sống của tôi đã tạm ổn. Dù là nhân viên theo dạng hợp đồng công việc nhưng công ty đã tạo điều kiện để tôi được hưởng các chế độ như những công nhân bình thường" - bà Thân cảm kích.
Đáng quý những tấm lòng
Bên cạnh nhiều nơi mở rộng vòng tay với người lao động sau tai nạn, nhiều trường hợp người lao động gặp nạn cũng được nhiều đơn vị hảo tâm giúp đỡ, bảo trợ. Trường hợp chị Đặng Thị Yến - ngụ huyện Nhà Bè, TP HCM - là một ví dụ. Bị tai nạn lao động năm 1999, nữ công nhân đứng máy dệt sợi bị cụt cả 2 cánh tay, gãy 5 xương sườn. Các di chứng vẫn đeo đuổi chị mãi đến nay trong khi gia đình khó khăn, ở thuê, bao nhiêu tiền trợ cấp chạy cả vào thuốc thang.
Trước cảnh đời của chị Yến, LĐLĐ huyện Nhà Bè vận động các mạnh thường quân giúp đỡ. Một trung tâm dạy nghề tư thục trên địa bàn quyên góp hỗ trợ mỗi tháng 1 triệu đồng cùng 20 kg gạo suốt 2 năm qua, đỡ đần một phần khó khăn cho chị.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 20-5
Kỳ tới: Vượt qua nghịch cảnh
Bình luận (0)