Sáng ngày 7-12, kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Thanh Hóa nhiệm kỳ 2016-2021, HĐND tỉnh Thanh Hóa đã dành gần như cả buổi để chất vấn lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh này là ông Đào Trọng Quy về tình trạng khai thác cát trái phép đang xảy ra tràn lan tại địa phương này, gây bức xúc trong nhân dân.
Đọc thơ truy vấn nạn "cát tặc"
Theo báo báo của Sở TN-MT tỉnh Thanh Hóa, tại địa phương này hiện có 39 mỏ khai thác cát được cấp phép, trong đó có 6 mỏ đã hết hạn (2 mỏ đang xin thăm dò khai thác), 10 mỏ đã đóng cửa tạm thời và yêu cầu đóng cửa mỏ. Về bãi tập kết cát, toàn tỉnh có 74 mỏ tập kết, trong đó có những mỏ được cấp phép tới 50 năm.
Ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa, chủ trì kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Thanh Hóa nhiệm kỳ 2016-2021
Ông Đào Trọng Quy, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Thanh Hóa, cho biết về cơ bản tình hình "cát tặc" đã được khống chế, không còn xảy ra rầm rộ như trước nữa, các bãi tập kết cát cơ bản được xử lý triệt để, không còn bãi tập kết trái phép.
Theo báo cáo của Sở TN-MT, nguyên nhân khiến nhiều tuyến đê xuống cấp, nhiều diện tích đất hoa màu ven sông bị cuốn trôi là do trận mưa lũ lịch sử đầu tháng 10 vừa qua. Nguyên nhân do nạn khai thác cát không được đề cập.
Sau phần báo cáo của ông Quy, có rất nhiều đại biểu đại diện cho các cử tri ở các huyện Thiệu Hóa, Quảng Xương, TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn… đã có ý kiến cho rằng báo cáo của Sở TN-MT chưa cụ thể, còn chung chung, không nêu bật được bức xúc của đại đa số bộ phận người dân
"Báo cáo của sở chưa rõ, chưa đúng tồn tại của nạn "cát tặc", nói vẫn còn vài điểm lẻ tẻ là chưa đúng, còn giải pháp khắc phục thì chung chung. Nạn "cát tặc" đang gây nên những thảm họa mất đất, mất nhà, mất các công trình kinh tế-xã hội, mất bãi biển khiến cho ngành công nghiệp không khói (du lịch- PV) bị đe dọa… Trong rất nhiều nguyên nhân, trong đó phải nói đến nạn "cát tặc". Cụ thể, theo phản ánh của người dân Hoằng Hóa, hàng ngày tại bờ biển này có hàng trăm tàu vỏ sắt công suất hàng ngàn m3, không số, khai thác, vận chuyển cát lên tàu nước ngoài tại phao số 0. Đề nghị sở phải có giải pháp cụ thể để ngăn chặn việc này"- ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó ban Văn hóa-Xã hội (HĐND tỉnh Thanh Hóa), chất vấn.
Không chỉ đại biểu Tuấn mà nhiều đại biểu khác cũng cho rằng tình trạng khai thác cát trái phép hiện vẫn diễn ra rầm rộ, gây bức xúc rất nhiều tại các địa phương. Có đại biểu còn cho rằng vấn nạn "cát tặc" dù các ngành có nhiều văn bản chỉ đạo xử lý nhưng lại càng bức xúc hơn. Cụ thể, như tình trạng khai thác cát trái phép tại cửa biển Sầm Sơn trên sông Lạch Trường đưa lên tàu nước ngoài, đoạn sông này do Bộ Giao thông Vận tải thực hiện nạo vét, nhưng thực chất công ty thực hiện nạo vét lại chuyển cho 1 công ty khác, gây nên việc khai thác cát trái phép tràn lan.
Quang cảnh kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Thanh Hóa nhiệm kỳ 2016-2021
Thậm chí, đại biểu Lê Thị Như Hoa trước khi chất vấn Giám đốc Sở TN-MT đã đọc 1 bài thơ viết về sông Mã để nói lên vẻ đẹp, thơ mộng của con sông lớn nhất ở vùng đất này. Sau đó, vị này mới đi vào nêu rõ vấn nạn khai thác cát đã "băm nát" các con sông. Bà Hoa nêu: "Tình trạng khai thác cát đang là vấn đề nóng tại các kỳ tiếp xúc cử tri của các đại biểu HĐND các cấp, tuy nhiên tôi và các đại biểu tham dự quan tâm bao giờ tình trạng "cát tặc" được chấm dứt để trả lại sự bình yên cho các con sông".
"Ngứa lưng lại đi gãi bụng"
Trả lời các câu hỏi của đại biểu, ông Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa làm rõ được các vấn đề mà các đại biểu quan tâm chất vấn, khiến ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa liên tục ngắt lời để yêu cầu ông Quy trả lời đúng trọng tâm. "Anh phải trả lời đúng trọng tâm câu hỏi đại biểu và cử tri quan tâm, chứ đừng "ngứa lưng lại đi gãi bụng"- ông Chiến nói.
Theo ông Quy, nguyên nhân khiến tình trạng khai thác cát trái phép vẫn diễn ra có nhiều, trong đó có việc hiện trên địa bàn có khoảng 300 tàu cát chưa được đăng ký, đăng kiểm hoạt động trên sông, các tàu khai thác cát thường lợi dụng đêm tối, các vùng giáp ranh để khai thác, khi gặp lực lượng chức năng thì bỏ chạy sang địa bàn khác gây khó khăn cho việc xử lý. "Sở Giao thông Vận tải nói có khoảng 300 tàu chưa đăng ký, đăng kiểm nhưng tôi đi thực tế thì thấy nhiều hơn. Đặc biệt, có hiện tượng lợi ích nhóm đứng ra thâu tóm các con tàu này rồi thuê người dân đi khai thác cát"- ông Quy cho biết.
Cũng theo ông Quy, do mới nhận công tác có 6 tháng 7 ngày nên số liệu về xử lý cát tặc, hoặc một số mỏ trái phép vẫn tái diễn ông chưa nắm được và xin khất trả lời sau.
Ông Đào Trọng Quy, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Thanh Hóa, trả lời câu hỏi của đại biểu
Chốt lại vấn đề, ông Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa, cho biết nếu cứ để tình trạng khai thác cát trái phép tái diễn, quản lý không tốt thì nguồn cát phục vụ xây dựng sẽ ngày càng cạn kiệt, ảnh hưởng đến phát triển trong tương lai. "Qua báo cáo cho thấy việc quản lý, sử dụng cát trên địa bàn còn nhiều bất cập, lãng phí"- ông Chiến nói.
Cũng theo ông Chiến, tới đây đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh tập trung chỉ đạo, làm rõ tình trạng khai thác cát trái phép, xem nó như thế nào, mức độ ảnh hưởng ra sao, tác hại, hậu quả gây ra thế nào. "Tôi đề nghị UBND tỉnh tập trung làm rõ việc này, đây là vấn đề cực kỳ hệ trọng của tỉnh, không thể chịu được nữa. Vấn đề này đã diễn ra nhiều năm, nhiều giai đoạn, tác hại kinh khủng rồi, tôi đề nghị làm rõ. Cụ thể, hiện còn 22 mỏ được cấp phép đang khai thác thì làm rõ mỏ nào khai thác đúng quy định, mỏ nào không đúng quy định. Cứ nói tràn lan thế đại biểu làm sao hiểu được, làm việc như thế này chẳng khác gì cuộc họp của Sở TN-MT, làm như thế là không được"- ông Chiến gay gắt.
Vị Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa cũng đề ghị phải quy trách nhiệm cho từng ngành, từng sở, từng địa phương và phải có chế tài xử lý cụ thể về vấn nạn này và có trách nhiệm trước HĐND tỉnh.
Được biết, kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Thanh Hóa diễn ra trong 3 ngày từ 5 đến ngày 7-12. Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh Thanh Hóa tập trung chất vấn Sở TN-MT, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế Thanh Hóa.
Bình luận (0)