xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Biến đồi trọc thành nương chè bạc tỉ

Bài và ảnh: Đức Ngọc

Nhờ trồng cây chè mà hàng ngàn người dân ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu trên vùng đất cằn

Dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh qua các xã Thanh Thủy, Thanh Mai, Hạnh Lâm, Thanh Đức… của huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, đâu đâu chúng tôi cũng bắt gặp những đồi chè. Những khu rừng nghèo, đồi trọc trơ đất đá trước đây giờ phủ màu xanh ngắt của các nương chè.

Làm giàu nhờ cây chè

Ông Trần Văn Đức - trú xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An - cho biết: "Ở đây gia đình nào cũng có đồi chè, nhờ trồng chè mà nhiều năm nay người dân chúng tôi thoát được cảnh làm vất vả quanh năm vẫn không đủ ăn, đủ mặc".

Không chỉ giúp người dân nơi đây thoát nghèo, cây chè đang giúp không ít hộ dân làm giàu. Nhiều nông dân đã trở thành tỉ phú ngay trên vùng đất vốn cằn cỗi của quê nhà. Ông Phan Đình Đường - trú xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương - nhớ lại vào năm 1999, ông bắt đầu đưa cây chè xanh về trồng. Thời gian đầu, ông cũng chỉ biết hái chè xanh bó thành từng bó đem ra chợ bán nên hiệu quả kinh tế không cao. Sau đó, ông mày mò, nghiên cứu các công đoạn sao chè tươi thành chè khô để đóng gói bán ra thị trường. Nhờ cách này, sản phẩm chè xanh Đường Hương của gia đình ông được nhiều người biết đến. "Hiện tại, sản phẩm chè của gia đình tôi đã xuất khẩu nhiều nước, có chỗ đứng ổn định trên thị trường" - ông Đường tự đắc.

Nhờ thành công từ cây chè, năm 2021, ông Đường vinh dự được Hội Nông dân Việt Nam tuyên dương là một trong 63 nông dân Việt Nam xuất sắc. "Ngoài trồng chè, gia đình tôi còn đứng ra thu mua chè cho người dân trong vùng về chế biến. Doanh thu bình quân của gia đình tôi mỗi năm hiện nay khoảng 20 tỉ đồng" - ông Đường phấn khởi.

Biến đồi trọc thành nương chè bạc tỉ - Ảnh 1.

Nhờ trồng cây chè mà nhiều hộ dân ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An đã khấm khá

Ông Đặng Hữu Hạnh - Chủ tịch UBND xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương - cho biết diện tích trồng chè trên địa bàn xã là 300 ha, đây là cây trồng chủ lực của xã. Nhờ trồng cây chè mà nhiều người dân trong xã đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Tại xã Thanh Đức, nơi được xem là vựa chè lớn nhất của huyện Thanh Chương, ông Nguyễn Hữu Vinh - Chủ tịch UBND xã - khẳng định: "Xã Thanh Đức hiện nay có diện tích hơn 1.000 ha chè, nhờ cây trồng này mà kinh tế, đời sống người dân những năm gần đây ổn định, đi lên, nhiều hộ dân trở nên giàu có". Chị Nguyễn Thị Tứ, dân trong xã, cho biết: "Mỗi hecta chè, nếu chăm sóc tốt, có thể cho từ 22-30 tấn chè búp tươi/năm; tính ra, trồng mỗi hecta chè, nếu giá thu mua ổn định, gia đình có thu nhập từ 70-100 triệu đồng/năm".

Vươn ra thị trường thế giới

Theo thống kê của huyện Thanh Chương, địa phương hiện có hơn 4.500 ha trồng cây chè. Cây chè là cây trồng chủ lực phát triển kinh tế tại huyện này. Sản lượng chè tươi hằng năm của huyện khoảng 60.000 tấn, chè khô (trà các loại) hơn 12.000 tấn/năm. Hiện tại, phần lớn sản lượng chè ở địa phương sản xuất ra là để xuất khẩu; mỗi năm, tổng giá trị sản phẩm chè xuất khẩu của toàn huyện Thanh Chương khoảng 350-400 tỉ đồng.

Nhiều năm nay, ngoài tiêu thụ trong nước, sản phẩm chè của huyện Thanh Chương làm ra chủ yếu xuất khẩu. Theo thống kê, có khoảng 90% sản lượng chè khô của tỉnh xuất sang nhiều khu vực, quốc gia và vùng lãnh thổ, như: Trung Đông, Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan…

Ông Lê Đình Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương, cho biết hiện sản phẩm chè xuất khẩu của địa phương chủ yếu là chè thô dành cho các thị trường dễ tính. Để vươn tới những thị trường tiềm năng, khó tính như Tây Âu, Nhật Bản, Bắc Mỹ…, cần đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; thay đổi tư duy của người trồng, doanh nghiệp; đẩy mạnh phát triển vùng nguyên liệu sạch; xây dựng các nhà máy sản xuất, chế biến chè hiện đại để cho ra những sản phẩm có giá trị kinh tế cao.

Ông Trần Phi Hùng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Chương, cho biết: "Để cây chè phát triển bền vững, ngoài việc hình thành vùng trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP, thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường áp dụng khoa học công nghệ vào quá trình trồng, chế biến chè nhằm nâng cao hiệu quả".

Hiện, người trồng và chế biến chè ở huyện Thanh Chương đang tập trung nâng cao chất lượng để sản phẩm chè khô của địa phương có thể xuất được sang các thị trường giàu tiềm năng. 

Tại Nghệ An, do hợp thổ nhưỡng, đem lại giá trị kinh tế cao nên hiện nay ngoài huyện Thanh Chương, cây chè còn được trồng tại một số huyện khác: Anh Sơn, Con Cuông. Hiện tổng diện tích trồng chè tại Nghệ An khoảng hơn 12.000 ha, sản lượng chè búp tươi hằng năm đạt 156.000 tấn (tương đương 31.200 tấn chè khô).
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo