Sáng 17-5, tại TP Đông Hà (Quảng Trị), Chính phủ đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác chỉ đạo để ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh cho người dân 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển do Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa) gây ra từ năm 2016. Chủ trì hội nghị là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng 2 Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình và Trịnh Đình Dũng chủ trì hội nghị
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Xử lý sự cố môi trường biển, sau 2 năm xảy ra, đến nay nguồn lợi thủy sản đã có sự hồi phục, nhiều loại cá nổi đã xuất hiện trở lại, ngư dân tích cực bám biển. Số lượng tàu khai thác, sản lượng khai thác hải sản 4 địa phương này tăng; giá cả hải sản tăng và ổn định trở lại, du lịch biển phục hồi, thu hút khách.
Bộ Y tế cũng khẳng định, từ cuối năm 2017, các chỉ tiêu an toàn thực phẩm đối với hải sản tại tất cả vùng biển của 4 tỉnh miền Trung đều tương đương với mẫu đối chứng và đảm bảo an toàn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến kiểm tra tình hình khắc phục sự cố của ngư dân tỉnh Quảng Trị vào tối 16-5
Bộ NN-PTNT đã lấy mẫu nước biển, trầm tích đáy biển và mẫu hải sản khai thác để giám sát an toàn thực phẩm thủy sản, làm cơ sở chỉ đạo sản xuất nuôi trồng, khai thác thủy sản và sản xuất muối trên địa bàn 4 tỉnh.
Bộ TN-MT đã thành lập hội đồng giám sát và tổ giám sát trực tiếp tại Hà Tĩnh về việc khắc phục hậu quả do sự cố môi trường biển và cam kết của Formosa và hoạt động từ ngày 20-7-2016. Đến nay, Formosa đã khắc phục 52/53 lỗi vi phạm và cam kết không để tái diễn sự cố môi trường.
Hiện Formosa đang chuyển đổi phương pháp làm nguội than cố từ ướt sang khô, đã hoàn thành đánh giá kỹ thuật và lựa chọn công nghệ làm nguội cốc khô, đạt trên 31,6% công việc. Dự kiến đến tháng 6-2019, Formosa sẽ hoàn thành theo cam kết chuyển đổi công nghệ này.
Kết quả phân tích 10 mẫu nước bề mặt và 10 mẫu trầm tích biển xung quanh khu vực xả thải của Formosa vào đầu tháng 4 vừa rồi cho thấy hầu hết giá trị các thông số đều nằm trong ngưỡng giới hạn cho phép của các quy chuẩn Việt Nam. Chỉ duy nhất 1 mẫu nước biển tại khu vực gần đảo Sơn Dương (Hà Tĩnh) có giá trị thông số Amoni vượt 1,2 lần và thông số F vượt 1,1 lần giới hạn cho phép của quy chuẩn Việt Nam số 10-MT: 2015/BTNMT tương ứng 1,2 và 1,1 lần.
Ngư dân tỉnh Quảng Trị được mùa cá cơm - loại cá tầng nổi
Tính đến ngày 10-5, tổng số kinh phí các tỉnh đã phê duyệt để chi trả hỗ trợ, bồi thường thiệt hại là 6.516 tỉ đồng (trong đó, Hà Tĩnh: 1.748,1 tỉ đồng; Quảng Bình: 2.784,8 tỉ đồng; Quảng Trị: 1.017,1 tỉ đồng; Thừa Thiên - Huế: 966 tỉ đồng). Kết quả chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho các đối tượng bị thiệt hại là 6.428,9 tỉ đồng, tương đương 98,7% so với số đã phê duyệt; cấp 237.781 thẻ bảo hiểm y tế; việc đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm đã được triển khai đồng bộ...
Sự cố môi trường biển xảy ra từ tháng 4-2016 tại các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế là rất nghiêm trọng; gây thiệt hại về môi trường, hệ sinh thái biển và nguồn lợi hải sản, ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh đời sống khoảng 510.000 người thuộc 130.000 hộ dân ở 730 thôn, xóm tại 146 xã/phường/thị trấn của 22 huyện vùng ven biển 4 tỉnh miền Trung.
Bình luận (0)