Chiều 27-6, tại buổi cung cấp thông tin về tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19, GS-TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, cho biết biến thể phụ BA.5 của Omicron đã xâm nhập Việt Nam, có thể lấn át biến thể phụ cũ BA.1 và BA.2 đang chiếm ưu thế ở nước ta.
Lây lan nhanh hơn
"Việc xâm nhập này là tất yếu vì các nước ở châu Âu, Mỹ cũng ghi nhận, với sự đi lại như hiện nay thì điều này là bình thường. Bộ Y tế tiếp tục giám sát để có điều chỉnh các biện pháp chống dịch an toàn, hiệu quả" - GS Lân nhấn mạnh.
Đánh giá về khả năng gây bệnh nặng, ông Lân cho biết hiện chưa có bằng chứng cụ thể, tuy nhiên một số nghiên cứu cho thấy có biểu hiện tăng nặng tại khu vực châu Phi. Hiện biến thể phụ BA.4, BA.5 đã ghi nhận ở nhiều nước và làm gia tăng số ca mắc trong những tuần gần đây nên các nước vẫn cần duy trì các biện pháp ứng phó như tiêm vắc-xin, giám sát trọng điểm.
Cũng theo ông Lân, Việt Nam vẫn duy trì đà giảm số ca mắc mới, tỉ lệ chết/mắc rất thấp, biến thể phụ BA.2 của chủng Omicron với biểu hiện lâm sàng nhẹ vẫn là chủ đạo. Có được kết quả này một phần do đạt tỉ lệ tiêm chủng cao và có chiến dịch tiêm vắc-xin để bảo vệ người nguy cơ cao.
Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới nhận định thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch, biến chủng có thể làm bùng phát dịch trở lại và vẫn đang trong tình trạng y tế công cộng khẩn cấp. Omicron chưa là biến thể cuối cùng. Về biến thể mới có thể "né" vắc-xin và hiệu quả của vắc-xin, GS Lân cho rằng SARS-CoV-2 luôn tiến hóa và khôn lường. Thế giới đánh giá sự tiến hóa của chủng virus này dựa trên 5 tiêu chí: Lây lan, mức độ nặng, virus tăng sức chịu đựng với vắc-xin, virus làm giảm hiệu quả điều trị cũng như chẩn đoán.
Theo GS Lân, qua theo dõi trong 2 năm cho thấy SARS-CoV-2 biến đổi phức tạp và liên tục xuất hiện các thể mới. Với các vụ dịch, thông thường là tăng dần miễn dịch và giảm dần xu thế dịch, sau đó dịch biến mất hoặc thành bệnh lưu hành. Năm 2021, khi chủng Delta lây lan và gây dịch, một số ý kiến cho rằng sẽ là chủng lưu hành nhưng sau đó lại xuất hiện chủng Omicorn và hiện đã có 5 biến thể phụ.
Hiện biến thể phụ BA.4 và BA.5 của chủng Omicron đang lây lanh nhanh hơn. Như vậy, nếu tỉ lệ tiêm chủng thấp, kháng thể chưa bảo đảm thì nguy cơ dịch bùng phát tiềm ẩn. Qua đánh giá cho thấy vắc-xin ngừa Covid-19 dù đáp ứng hiệu quả khác nhau nhưng được khẳng định là lá chắn bảo vệ cộng đồng trong thời gian tới giúp giảm tình trạng nặng và tử vong. Chắc chắn người đã mắc và đã tiêm vắc-xin thì kháng thể cao, khả năng bảo vệ trước các biến thể của virus cũng tốt hơn.
Tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi tại quận 5, TP HCMẢnh: Hoàng Triều
Hiệu quả của tiêm nhắc lại
TS Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế, khẳng định vắc-xin ngừa Covid-19 là yếu tố quyết định giúp chống dịch Covid-19 hiệu quả cho đến hiện nay.
Nghiên cứu trên 32.000 ca Covid-19 tử vong tại nước ta cho thấy có gần 53% số ca chưa tiêm bất cứ mũi vắc-xin ngừa Covid-19 nào. Hiện đa số người dân Việt Nam đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin ngừa Covid-19. Các nghiên cứu cho thấy sau 3 tháng tiêm đủ 2 mũi vắc-xin ngừa Covid-19, hiệu quả bảo vệ của vắc-xin sẽ giảm dần. Sau 3 tháng, hiệu quả bảo vệ chỉ còn 51%; sau 4-5 tháng, hiệu quả tiếp tục giảm, thậm chí chỉ còn 10%-20%.
Do đó, người dân nào đã tiêm đủ 2 mũi cơ bản đã được 3 tháng cần tiêm mũi 3 nhắc lại. Đã nhắc lại mũi 3 được 3 tháng thì tiếp tục tiêm mũi 4, đặc biệt là những người có nguy cơ cao mắc Covid-19 và nếu mắc có thể bệnh nặng.
Theo PGS-TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, thế giới đã ghi nhận hiệu quả bảo vệ của mũi tiêm cơ bản giảm dần theo thời gian trong vòng 6 tháng sau khi tiêm và trong điều kiện xuất hiện các biến chủng mới. Đối với Omicron, hiệu quả bảo vệ giảm rất nhanh do nồng độ kháng thể cần thiết để trung hòa virus ở mức cao hơn so các biến chủng trước đây. Do vậy, đã tiêm mũi cơ bản, nếu không tiêm mũi nhắc lại vẫn có nguy cơ mắc bệnh. Tiêm mũi nhắc lại sẽ làm gia tăng nồng độ kháng thể bảo vệ, qua đó giúp cơ thể được bảo vệ trước nguy cơ mắc Covid-19, giảm tỉ lệ nhập viện, giảm số ca tiến triển nặng và tử vong.
Các chuyên y tế khẳng định việc tiêm các mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4) là cần thiết nhằm bảo vệ người đi tiêm không bị mắc bệnh, đặc biệt là tránh nguy cơ bị bệnh nặng và tử vong do Covid-19 trong điều kiện xuất hiện các biến chủng mới.
Về khả năng tái nhiễm ở những người đã mắc Covid-19 và nguy cơ xuất hiện các biến chủng mới, Bộ Y tế cho hay người từng mắc Covid-19 vẫn có khả năng tái nhiễm và mắc các biến chủng của SARS-CoV-2. Người tái nhiễm vẫn có nguy cơ mắc bệnh ở mức độ nghiêm trọng và phải điều trị hồi sức tích cực.
Bình luận (0)