Ngày 21-10, ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đề nghị hỗ trợ nghiên cứu giải pháp xử lý khẩn cấp chống sạt lở, xâm thực bờ biển khu vực cửa Lạch Hới (thôn Tân Xuân, xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa).
Bờ biển thôn Tân Xuân, xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, bị xâm thực mạnh thời gian qua
Theo báo cáo, trong khoảng tháng 6-7 vừa qua, tại khu vực bờ biển tiếp giáp cửa sông Mã thuộc thôn Tân Xuân (xã Hoằng Phụ) do ảnh hưởng của triều cường, sóng lớn vỗ bờ với tần suất cao nên xâm thực mạnh đã gây sạt lở, làm mất đất sản xuất và đất ở của một số hộ dân.
Đã có khoảng 7,5 ha (chiều dài khoảng 1,5 km, chiều rộng trung bình khoảng 50 m, có điểm bị xâm thực sâu vào đất liền khoảng 100 m), trong đó, đất rừng sản xuất khoảng 5,2 ha, đất nuôi trồng thủy sản khoảng 1,5 ha, còn lại là đất bãi bồi và đất ở, đất biên phòng.
Đặc biệt tình trạng sạt lở xâm thực đã làm mất đất ở của 3 hộ dân khoảng 1.000 m2 và trụ sở, khuôn viên làm việc của Trạm Kiểm soát Biên phòng Lạch Hới. Hiện nay tình trạng sạt lở vẫn đang tiếp diễn. Tỉnh Thanh Hóa đã ban bố tình trạng khẩn cấp và cắm biển cảnh báo.
Tình trạng xâm thực kéo dài dọc bờ biển khoảng 1,5 km khiến Thanh Hóa phải có văn bản "cầu cứu" Bộ NN-PTNT cử chuyên gia về hỗ trợ
Theo báo cáo gửi Bộ NN-PTNT, đây là khu vực giáp ranh giữa cửa sông và biển, chế độ dòng chảy, thủy triều rất phức tạp, đòi hỏi phải có nghiên cứu sâu về thủy văn, thủy lực, giải pháp kỹ thuật.
Vì thế, tỉnh Thanh Hóa đề nghị Bộ NN-PTNT cử cơ quan chuyên môn của Bộ và các chuyên gia về lĩnh vực phòng, chống sạt lở, xâm thực bờ biển quan tâm nghiên cứu, hỗ trợ giúp địa phương có các giải pháp để xử lý khẩn cấp chống sạt lở, xâm thực bờ biển khu vực cửa Lạch Hới, sớm đảm bảo ổn định, an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.
Hình ảnh bờ biển xã Hoằng Phụ (huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) tan hoang do bị biển xâm thực:
Một người phụ nữ ở thôn Tân Xuân (xã Hoằng Phụ) hướng mắt ra bờ biển bất lực nhìn biển xâm thực vào đồng ruộng, đất đai của họ
Bờ kè, cây cối cũng bị sóng biển đánh bật gốc, xô đổ
Chỉ trong vài tháng đã có 7,5 ha đất sản xuất, đất ở, đất nuôi trồng thủy sản đã bị biển xâm thực "nuốt chửng"
Ngành chức năng huyện Hoằng Hóa và tỉnh Thanh Hóa đã đổ đá, kè bờ biển nhưng tình trạng xâm thực vẫn không thuyên giảm
Xâm thực đã ăn sâu vào bờ, đe dọa nhiều nhà dân
Nhiều diện tích rừng phi lao sát bờ biển đã bị sóng đánh bật gốc nằm lăn lóc dọc bờ biển
Tỉnh Thanh Hóa mong muốn Bộ NN-PTNT sớm cử chuyên gia về hỗ trợ địa phương xử lý tình trạng sạt lở, sớm ổn định đời sống của người dân địa phương
Bình luận (0)