Đến hôm qua, 16-9, các cơ quan chức năng vẫn đang xét nghiệm để tìm nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm đối với 141 người sau khi ăn bánh mì Phượng ở TP Hội An, tỉnh Quảng Nam.
Bánh mì Phượng vốn rất nổi tiếng, không chỉ ở TP Hội An. Thương hiệu này đã trở nên quen thuộc đối với thực khách cả trong và ngoài nước khi đến đây. Thế nhưng, một khi nơi rất quen thuộc ấy vẫn không bảo đảm được an toàn thực phẩm cho khách hàng thì vấn đề cần phải được cảnh báo ở cấp độ rộng hơn, liên quan đến cả ngành thực phẩm chế biến sẵn.
Cách đây chưa lâu, vào tháng 5-2023, nhiều người ở TP HCM cũng bị ngộ độc do ăn bánh mì kẹp chả lụa. Trong đó, 2 người ngộ độc rất nặng, phải nhập viện cấp cứu.
Trước đó, vào cuối năm 2022, một vụ ngộ độc thực phẩm rất nghiêm trọng đã xảy ra tại Trường IsChool Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) khiến 665 học sinh và giáo viên phải nhập viện. Dù được nhanh chóng đưa đi cấp cứu nhưng 1 học sinh lớp 1 đã tử vong. Theo kết quả xét nghiệm của Viện Pasteur Nha Trang, có 3 loại vi khuẩn được phát hiện qua mẫu cánh gà chiên. Công an tỉnh Khánh Hòa sau đó đã khởi tố vụ án...
Hiện nay, an toàn thực phẩm ở các quán ăn đường phố rất khó kiểm soát
Theo thống kê của ngành y tế, năm 2022, cả nước xảy ra 54 vụ ngộ độc thực phẩm làm 1.359 người mắc, trong đó 18 người tử vong. Những con số này rất đáng sợ vì thực phẩm là hàng hóa thiết yếu, bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân nếu không được kiểm soát chặt chẽ.
Vấn đề an toàn thực phẩm luôn được cảnh báo nhưng các vụ ngộ độc vẫn thường xuyên xảy ra. Thực tế này cần phải được mổ xẻ và đặt lại vấn đề quản lý an toàn thực phẩm ở mọi cấp độ.
Không nói chi xa xôi mà chuyện trước mắt bao người hằng ngày: Nhiều cơ sở bán dừa tươi đã ngâm trái đã gọt vỏ vào hóa chất để giữ trắng. Thế nhưng, hóa chất ấy là gì, có độc không thì người tiêu dùng hầu như không ai biết. Người ta cứ mua và uống thường xuyên nhưng chưa thấy các cơ quan chức năng cảnh báo.
Dễ thấy hơn là nhiều loại rau, trái cây... được ngâm hóa chất để giữ cho tươi lâu, sau đó bày bán ở các chợ và đến tay người tiêu dùng hằng ngày.
Còn thực phẩm chế biến sẵn thì có mấy người tiêu dùng biết được chúng làm ra như thế nào, nguyên liệu từ đâu? Các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm thường khuyến cáo: Hãy là người tiêu dùng khôn ngoan, lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ. Khẩu hiệu là thế nhưng khôn ngoan như thế nào để biết được thực phẩm an toàn thì người tiêu dùng hoàn toàn mù mờ!
Hãy hình dung, buổi sáng trước khi đưa con đến trường, phần lớn các gia đình đều khó thể nấu ăn vì thời gian eo hẹp. Buổi trưa, cha mẹ đi làm thì thường vẫn phải ăn món chế biến sẵn ở hàng quán. Chỉ vào buổi tối, nhiều người mới có thể tổ chức được bữa ăn gia đình tự nấu. "Mô típ" này buộc người ta phải trải qua hàng loạt thử thách và phải đặt lòng tin vào thức ăn chế biến sẵn, dù không có căn cứ gì.
Thực phẩm chế biến sẵn đáp ứng được thói quen ăn uống khi đời sống thay đổi, nhất là ở các đô thị. Đây là ngành kinh tế đang phát triển, phục vụ nhịp sống ngày càng nhanh, giúp tiết kiệm thời gian và ẩm thực đường phố cũng đã góp mặt đáng kể vào ngành du lịch.
Thực tế cho thấy khó thể hạn chế ngành thực phẩm này mà cần có hệ thống quản lý chặt chẽ, để nó phát huy hết giá trị nhưng vẫn bảo đảm an toàn. Chính sách về an toàn thực phẩm đã có và được quy định trách nhiệm chặt chẽ từ các cấp. Nếu hằng năm vẫn có cả ngàn người bị ngộ độc thực phẩm thì quy trình kiểm tra, kiểm soát cần phải cải tổ toàn diện.
Bình luận (0)