Nhờ các chính sách hỗ trợ của nhà nước, nhiều hộ dân ở tỉnh Quảng Nam mạnh dạn đăng ký thoát nghèo và đã thành công. Tuy nhiên, tỉ lệ hộ nghèo ở Quảng Nam vẫn còn cao hơn mức bình quân của cả nước. Địa phương này đang kiên trì thực hiện các giải pháp để đẩy lùi cái nghèo.
Điển hình Bắc Trà My
Bắc Trà My là một trong số huyện miền núi ở tỉnh Quảng Nam được đánh giá làm tốt công tác giảm nghèo bền vững. Sau 5 năm thực hiện các chính sách giảm nghèo của trung ương và của tỉnh, trong đó có Nghị quyết 13 của HĐND tỉnh, tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm từ 52,06% năm 2015 xuống 28,93% cuối năm 2020. Riêng năm 2020, huyện có 502 hộ nghèo và 172 hộ cận nghèo đủ điều kiện thoát nghèo.
Vợ chồng chị Hồ Thị Danh, người dân tộc Cadong (thôn 2, xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My) là hộ gia đình tiêu biểu thoát nghèo. Vợ chồng chị là hộ nghèo, hưởng trợ cấp của nhà nước suốt nhiều năm liền. Năm 2015, biết nhà nước có các chương trình vay vốn, hỗ trợ người dân thoát nghèo bền vững, vợ chồng chị Danh mạnh dạn đăng ký tham gia.
Gia đình chị Hồ Thị Danh thoát nghèo vươn lên làm giàu, trở thành gương thoát nghèo tiêu biểu Ảnh: TRẦN THƯỜNG
Được nhà nước hỗ trợ 1 con bò giống, cho vay 50 triệu đồng không tính lãi, chị Danh đầu tư chuồng trại, mua heo rừng lai, gà vịt về nuôi. Ngoài ra, chị còn nấu rượu bán. Kinh tế gia đình bắt đầu khá lên. Có thời điểm, đàn bò của gia đình chị lên đến 10 con, heo nái cả chục con, trong vườn nhà lúc nào cũng có hàng trăm con gà, vịt… Đến cuối năm 2016, vợ chồng chị Danh được công nhận thoát nghèo thành công. Giờ đây, kinh tế của gia đình chị thuộc hàng khá giả nhất xã Trà Đốc. Ngoài đầu tư trồng rừng, chăn nuôi, vợ chồng chị mở hẳn công ty cơ khí, cung cấp giống vật nuôi, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 15 lao động địa phương.
Chị Danh nói rằng chính nhờ sự hỗ trợ của nhà nước, nguồn vốn vay không tính lãi đã giúp gia đình chị có kinh phí đầu tư để thoát nghèo. "Thời điểm đó tôi làm nhiều việc lắm, quần quật cả ngày lẫn đêm, mỗi ngày chỉ ngủ khoảng 3 giờ. Mình còn trẻ, phải phấn đấu vươn lên chứ không thể để cái nghèo cứ đeo bám mãi được" - chị Danh chia sẻ.
Gia đình chị Nguyễn Thị Lan (thôn Long Sơn, xã Trà Sơn, huyện Bắc Trà My) cũng là một tấm gương thoát nghèo bền vững ở địa phương. Chị Lan kể, sau khi đăng ký thoát nghèo, vợ chồng chị được cấp 1 con bò giống và 300 gốc bưởi da xanh. Đến nay, đàn bò của chị đã được nhân lên 4 con và vườn cây ăn quả của gia đình chị đang đến kỳ thu hoạch. Ngoài ra, chị Lan còn mạnh dạn vay vốn, đầu tư nuôi heo đen, heo rừng lai cho nguồn thu khoảng 200 triệu đồng/năm. Giờ đây, gia đình chị Lan không những thoát nghèo mà trở thành một trong những hộ giàu nhất thôn.
Không chạy theo thành tích
Lãnh đạo Tỉnh ủy Quảng Nam đánh giá thời gian qua, công tác giảm nghèo bền vững được các cấp, các ngành triển khai đồng bộ và hiệu quả bằng những chương trình, kế hoạch, giải pháp, chính sách hỗ trợ cụ thể, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tiễn, được cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tích cực hưởng ứng tham gia. Qua đó, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh từ 12,9% năm 2016 còn 5,23% năm 2020 (bình quân mỗi năm giảm 1,53%).
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều bất cập cần khắc phục. Tỉ lệ hộ nghèo ở Quảng Nam vẫn còn cao gấp 1,6 lần mức bình quân chung của cả nước. Nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân ở một số nơi, nhất là các xã vùng núi cao về thực hiện mục giảm nghèo bền vững còn hạn chế. Công tác điều tra, xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo có nơi vẫn còn sai sót. Vẫn còn tâm lý trông chờ, ỷ lại, không muốn thoát nghèo trong một bộ phận hộ nghèo.
Trước thực tế trên, ngày 4-5-2021, Tỉnh ủy Quảng Nam ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về tiếp tục đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2025, tỉ lệ hộ nghèo của Quảng Nam giảm còn 2,87% (khu vực đồng bằng còn dưới 1,5%, khu vực miền núi còn khoảng 10%).
Nghị quyết nêu rõ, việc bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh nhằm cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng có hoàn cảnh khó khăn khác. Đây cũng là điều kiện để bảo đảm cho sự phát triển ổn định và bền vững của tỉnh trong những năm đến.
Tỉnh ủy Quảng Nam nhấn mạnh công tác giảm nghèo phải theo địa chỉ cụ thể, nguyên nhân, nguyện vọng và đúng thực chất; không chạy theo thành tích.
7 nhiệm vụ trọng tâm
Tỉnh ủy Quảng Nam đưa ra 7 nhiệm vụ và giải pháp giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, gồm: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện công tác giảm nghèo bền vững; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động; tăng cường công tác quản lý nhà nước, thực hiện tốt công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo; tiếp tục xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ; huy động tối đa mọi nguồn lực gắn với triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo; xây dựng, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, kết hợp giải quyết tốt các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá công tác giảm nghèo bền vững.
Bình luận (0)