Nghe tin 7 hổ con do cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An phát hiện, thu giữ trong một vụ án buôn động vật hoang dã (ĐVHD) vào cuối tháng 7 vừa qua đã được chuyển đến Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Vườn Quốc gia Pù Mát (huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An), chúng tôi tìm đến vườn quốc gia này để được chứng kiến công việc cứu hộ của những người lao động đặc biệt nơi đây.
7 chú hổ con đang lớn lên từng ngày
Không khí ở Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Vườn Quốc gia Pù Mát vui hẳn lên từ khi 7 chú hổ con, trọng lượng mỗi con từ 3-5 kg, được đưa về đây. Anh Đặng Thanh Tuấn, nhân viên chăm sóc ĐVHD của Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Vườn Quốc gia Pù Mát, bày tỏ: "Các chú hổ con rất đáng yêu, thấy người cho ăn là chạy đến vui đùa, anh em chúng tôi đều rất vui vì chưa bao giờ được tiếp xúc trực tiếp, chăm sóc nhiều hổ con như vậy".
Do còn nhỏ, mới khoảng 40 ngày tuổi, lại bị nuôi nhốt, thiếu ăn nhiều ngày nên khi về đến Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Vườn Quốc gia Pù Mát vào ngày 1-8, con nào cũng có vấn đề về sức khỏe, bị bệnh đường ruột, có biểu hiện tiêu chảy.
Anh Tuấn cho biết việc chăm sóc một lúc 7 hổ con không hề dễ. Sau khi tiếp nhận, trung tâm có chế độ chăm sóc đặc biệt, dành những điều kiện tốt nhất để cứu hộ, chăm sóc. Bộ phận chuyên môn của Vườn Quốc gia Pù Mát dùng thuốc kháng sinh và men tiêu hóa để ổn định đường ruột cho chúng. Sau khoảng 10 ngày được chăm sóc đúng quy trình, kỹ thuật, những chú hổ con này hồi phục sức khỏe rất nhanh, đang dần thích nghi môi trường và bắt đầu vận động. "Hổ con được cho uống sữa nhiều lần trong ngày. Mỗi ngày bình quân một con hổ uống 6 lần sữa, chia đều 4 giờ/lần. Ngày nào cũng vậy, từ 4 giờ sáng, anh em chúng tôi đã phải thức dậy cho hổ ăn rồi" - anh Tuấn vui vẻ nói.
Hiện cứ cách 2 ngày, nhân viên chăm sóc sức khỏe cân kiểm tra trọng lượng hổ con một lần. Sau 2 tuần chăm sóc, các chú hổ con đều tăng cân, từ 0,8 - 1 kg. Con bé nhất, khi mới tiếp nhận là 2,9 kg, đến nay gần 4 kg; con lớn nhất khoảng 5 kg.
Anh Tuấn cho biết đây không phải lần đầu các cán bộ Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Vườn Quốc gia Pù Mát tham gia cứu chữa, chăm sóc hổ là tang vật của những vụ vận chuyển, nuôi nhốt trái phép. Tháng 1-2013, trung tâm đã tiếp nhận nuôi dưỡng, chăm sóc chú hổ Đông Dương (Panthera Tigris), trọng lượng 170 kg, bị nuôi nhốt lâu ngày tại nhà dân nên sức khỏe rất yếu, trước khi chuyển cho Trung tâm Cứu hộ ĐVHD và kỹ thuật bảo vệ rừng Sóc Sơn (TP Hà Nội) tiếp tục chăm sóc.
Cán bộ Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Vườn Quốc gia Pù Mát cho hổ con bú sữaẢnh: Thanh Tuấn
Bảy chú hổ con được nuôi dưỡng tại Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Vườn Quốc gia Pù Mát Ảnh: Save Vietnam’s Wildlife
Niềm hạnh phúc lớn nhất
Tại Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Vườn Quốc gia Pù Mát, ngoài 7 hổ con đang được chăm sóc, hiện đơn vị còn chăm sóc nhiều loài ĐVHD quý hiếm khác: gấu, khỉ, trăn, tê tê, cầy, cu li, lửng chó… Khi đang trao đổi công việc với chúng tôi, anh Tuấn nhận được thông tin có một con khỉ cần được cứu hộ, đưa về trung tâm chăm sóc. Anh liền lên đường thực hiện nhiệm vụ hằng ngày của mình. "Cá thể khỉ này khoảng 7 kg, người dân nuôi nhốt từ lâu, nay họ tự nguyện bàn giao. Mình là bác sĩ thú y nên phải xuống trực tiếp kiểm tra, nhận bàn giao để đưa về chăm sóc" - anh Tuấn giải thích.
Cũng theo anh Tuấn, ở đây ngày cũng như đêm, khi nghe điện thoại báo có ĐVHD bị thương, bị buôn bán trái phép được lực lượng chức năng thu giữ cần hỗ trợ, các anh liền có mặt tại hiện trường để kịp xử lý chuyên môn. "Chúng tôi là bác sĩ thú ý nên hiểu rất rõ khi các con vật dính bẫy bị thương, bỏ đói nhiều ngày nếu không được cứu chữa kịp thời, đưa về nơi có điều kiện chăm sóc thì nguy cơ chết là rất lớn. Nếu mình đến chậm thì cơ hội cứu sống sẽ không còn" - anh Tuấn bày tỏ.
Trò chuyện với các nhân viên nơi đây, chúng tôi vỡ ra nhiều điều về ý nghĩa của công việc họ làm. Giữa những cánh rừng bạt ngàn, cuộc sống và công việc hằng ngày của họ cứ âm thầm, lặng lẽ nhưng các anh đã chữa trị, chăm sóc, đưa về tự nhiên hàng ngàn cá thể ĐVHD.
"Tốt nghiệp Khoa Chăn nuôi thú y Trường Đại học Nông Lâm Huế, từ năm 2004 đến nay, tôi về công tác tại Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Vườn Quốc gia Pù Mát. Công việc mỗi ngày của tôi và anh em là cho các con vật ăn, vệ sinh chuồng trại, theo dõi sức khỏe của chúng. Niềm vui của chúng tôi là mỗi ngày nhìn những con vật được giải cứu đang được nuôi nấng, chăm sóc ở trung tâm này chạy nhảy, vui đùa. Và khi mỗi cá thể phát triển khỏe mạnh có thể trở về với môi trường sống tự nhiên là niềm hạnh phúc lớn nhất của những người làm công tác bảo tồn như chúng tôi" - ông Nguyễn Tất Hà, cán bộ Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Vườn Quốc gia Pù Mát, tâm sự.
Tiến tới nhân giống, nuôi sinh sản
Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Vườn Quốc gia Pù Mát được thành lập từ năm 1996, mục tiêu là giải cứu các con thú bị thương do mắc bẫy, thú do lực lượng chức năng thu giữ. Đến năm 2018, khi được Trung tâm Bảo tồn ĐVHD tại Việt Nam tài trợ kinh phí để mua sắm thêm thiết bị và bổ sung 3 nhân sự, trong đó có 2 bác sĩ thú y, trung tâm thực sự thành bệnh viện thú rừng. Hiện trung tâm được trang bị nhiều loại máy móc hiện đại để cấp cứu hồi sức, khám chữa bệnh cho thú rừng. Ông Trần Xuân Cường, Giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát, cho biết qua hơn 20 năm hoạt động, đơn vị đã giải cứu, chăm sóc để thả về tự nhiên nhiều cá thể ĐVHD, góp phần gìn giữ đa dạng sinh học. Sắp tới, không chỉ dừng lại ở việc cứu hộ, đơn vị sẽ tiến tới nhân giống, nuôi sinh sản một số loài động vật quý hiếm, được ưu tiên bảo vệ có giá trị bảo tồn.
Bình luận (0)