Đặt chân đến Rơm Vàng Farm, mọi người sẽ được hòa mình vào thiên nhiên trong lành, cây cối xanh ngắt phủ kín lối đi. Nguyễn Văn Nhân (30 tuổi; trú xã Điện Hòa, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) là chủ Rơm Vàng Farm - nông trại được anh dựng lên trên chính quê hương mình từ cuối năm 2019, rộng 3,5 ha, vận hành theo mô hình sinh thái tự nhiên khép kín.
Cách làm nông khác biệt
Nông trại được Nhân chia thành 4 phân khu từ cao xuống thấp, trên cùng là vườn rừng, tiếp đến là khu chăn nuôi, khu ruộng và ao cá. Để tách biệt hoàn toàn với bên ngoài, Nhân đào một mương nước bao bọc nông trại. Tiếp đến, anh làm hàng rào sinh học bằng cách trồng luống cây cỏ voi xen chuối. Bên trong hàng rào sinh học, Nhân tiếp tục đào một mương nước, đây cũng là hệ thống dẫn nước, chất phù sa từ vườn rừng xuống đồng ruộng, thông với ao cá. Nhân khẳng định với 2 mương nước và hàng rào sinh học, nông trại của anh sẽ không bị ảnh hưởng khi người dân bên ngoài sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật để gieo trồng.
Điểm nhấn trong nông trại của Nhân là khu vườn rừng rộng 2 ha. Vườn rừng được Nhân trồng theo hàng thẳng tắp, đa tầng tán. Mỗi hàng cách nhau khoảng 10 m. Trên lối chính, Nhân trồng nhiều loại cây ngắn ngày, trung và dài ngày xen nhau như dứa, đu đủ, chuối, dừa, ổi, mãng cầu, bưởi, xoài, mận, mít, keo, măng tre, mía… Khoảng đất trống giữa các hàng được anh tận dụng trồng các loại cây ngắn ngày như đậu, mè, bắp, các loại rau củ quả - vừa để sử dụng vừa đem bán, tạo thu nhập lấy ngắn nuôi dài. Các loại cây này cũng được trồng xen canh, luân canh.
Theo Nhân, thường mọi người chỉ trồng một loại cây nhưng trồng theo kiểu đa tầng tán sẽ tận dụng được tối ưu không gian, các cây trồng có thể cộng sinh lại hạn chế được sâu bệnh. Ở nông trại, ngoài phân bò dùng bón lúa, Nhân không sử dụng bất kỳ loại phân bón nào mà kết hợp để cây trồng tự tạo chất dinh dưỡng, tự bón phân cho nhau. Anh ví dụ chuối là cây có hàm lượng kali cao, khi hoạt động sẽ tạo ra dinh dưỡng từ kali, giúp cây ăn quả phát triển và có độ ngọt tự nhiên thay vì bón phân hóa học. Cây keo lá tràm bên cạnh chức năng giữ mạch nước ngầm, bổ trợ cho những cây ăn quả ở giai đoạn nhỏ còn tạo sự cộng sinh cho những vi sinh vật dưới lòng đất vì đây là cây họ đậu - bằng cơ chế hoạt động của mình, có thể tạo ra chuỗi liên kết và tự bón đạm vào trong đất.
Ở nông trại, những cây ngắn ngày sau khi thu hoạch sẽ bị loại khỏi hệ thống để dành không gian cho cây lâu năm phát triển. Thân cây cắt bỏ được phủ lên bề mặt những cây trồng khác, lâu ngày sẽ phân giải thành phân bón. Thay vì tưới nước, Nhân duy trì hoạt động cây trồng trong vườn, mọi nơi luôn giữ được màu xanh, không để đất tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời. Điều này giúp giữ được độ ẩm trong đất, để vi sinh vật dưới lòng đất có đủ môi trường sống.
Sát lối cây trồng chính, Nhân đào các rãnh sâu, gọi là "bẫy dinh dưỡng". Khi mưa, nước và chất dinh dưỡng sẽ thẩm thấu vào đất qua các rãnh này. Trường hợp mưa lớn, rãnh nước sẽ đưa phù sa từ vườn rừng đến đồng ruộng ở phía dưới. Đó chính là lý do Nhân sắp xếp khu vườn rừng ở trên cao, khu ruộng ở dưới cùng để hứng chất dinh dưỡng. "Bẫy dinh dưỡng" cũng là cách để rễ cây ăn quả đâm sâu vào lòng đất. Nhân phân tích rằng rễ cây phát triển theo xu hướng đi tìm thức ăn, khi bón phân trên bề mặt, rễ cây sẽ đi lên. Ở miền Trung, làm như vậy rất rủi ro vì mưa bão nhiều, nếu rễ trên tầng mặt thì cây dễ ngã đổ còn với "bẫy dinh dưỡng", nước và phù sa ngấm sâu, rễ cây sẽ theo xuống nên giữ cây ổn định.
Nhằm hạn chế sâu bệnh, Nhân trồng nhiều cây ra trái mọng nước để thu hút chim về ăn quả, ăn sâu. Nhân cho rằng Quảng Nam thời tiết khắc nghiệt, mùa mưa thì bão lũ, mùa nắng thì hạn hán gây thiệt hại lớn cho nông nghiệp. Để cây trồng thích nghi với thời tiết cực đoan đó thì canh tác theo mô hình nông nghiệp vườn rừng rất phù hợp và bền vững. Nguyên tắc làm nông nghiệp bền vững là dựa vào tự nhiên để gieo trồng, lấy tự nhiên nuôi tự nhiên, không sử dụng bất kỳ hóa chất nào dù là thuốc sinh học. Điều này đã được chứng minh khi 3 năm qua, cây trồng trong nông trại của Nhân ít bị sâu bệnh, phát triển tốt, chống chịu được bão lũ.
Nguyễn Văn Nhân trồng hàng rào sinh học để tách biệt nông trại với khu sản xuất của người dân địa phương ở bên ngoài
Khu vườn rừng được Nguyễn Văn Nhân thiết kế theo hàng thẳng tắp, trồng nhiều loại cây đa tầng tán có thể tương hỗ nhau cùng phát triển
Nông trại của Nguyễn Văn Nhân có 12 thành viên, mỗi người được giao nhiệm vụ khác nhau để vận hành một cách khoa học
Nguyễn Văn Nhân, chủ nông trại Rơm Vàng Farm, muốn lan tỏa cách làm nông nghiệp bền vững cho mọi người
Vượt qua thử thách
Để có được thành công bước đầu như ngày nay, Nhân đã trải qua nhiều thời điểm khó khăn. Năm 2014, sau khi lấy bằng tốt nghiệp Trường ĐH Dầu khí Việt Nam, anh có việc làm ổn định tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với mức lương 20 triệu đồng/tháng. Năm 2017, anh quyết định về quê, tìm kiếm công việc tự do, thoải mái hơn. Trước khi xây dựng nông trại, Nhân trồng rau thủy canh nhưng thất bại.
Tình cờ đọc cuốn sách "Cuộc cách mạng một cộng rơm", Nhân nhận ra được nhiều vấn đề. Anh tìm tòi, đọc thêm tài liệu về cách canh tác nông nghiệp thuận tự nhiên, không lệ thuộc đầu vào, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nước… nên bắt tay kêu gọi bạn bè tham gia làm nông trại. Anh từng xây dựng một nông trại cùng tên tại một địa điểm khác ở xã Điện Hòa, khi bắt đầu cho kết quả thì chủ đòi lại đất, không cho thuê nữa. Bao nhiêu tâm huyết đổ sông đổ biển nhưng không làm Nhân nản chí. Với kinh nghiệm có được, Nhân tiếp tục tìm người hợp tác, thuê đất xây dựng nông trại mới. Từ một mảnh đất hoang hóa, sau hơn 2 năm rưỡi, Nhân xây dựng lên Rơm Vàng Farm xanh ngắt một màu như hiện nay. Ngoài vườn rừng, Nhân nuôi hàng chục con bò, heo, hàng trăm con gia cầm, trồng 5.000 m2 lúa, nuôi 2 ao cá…
Hiện nay, nông trại của Nhân có 12 thành viên, trong đó có 4 cặp vợ chồng cùng con cái sinh sống. Nhân tiếp nhận 4 người vừa làm vừa học việc là đồng bào Cơ Tu tại huyện Nam Giang. Mỗi người được giao nhiệm vụ khác nhau để vận hành nông trại một cách khoa học. Họ lấy tre dựng căn nhà nhỏ, mái lợp lá dừa hòa hợp với thiên nhiên; ăn ở, sinh hoạt trong nông trại theo kiểu "tự cung tự cấp". Muốn ăn gì thì ra vườn thu hoạch, không thiếu thứ gì - từ rau, củ, quả đến trứng gia cầm, cá, thịt… Tất cả đều là thực phẩm sạch.
Nông trại của Nhân có doanh thu ổn định, mùa nào cũng có nông sản để bán mà không phải lo đầu ra vì đã có đơn vị bao tiêu sản phẩm. Sau khi trừ các chi phí, 12 thành viên được chia lợi tức; thu nhập khá cao, người học việc cũng ít nhất 5 triệu đồng/tháng.
Lan tỏa thông điệp nghề nông bền vững
Nhân nói sở dĩ chọn nghề nông vì bản chất anh vốn là nông dân. Anh còn muốn thể hiện cho mọi người thấy khi làm nông đúng cách có thể sống được với nghề của mình, không phải lo cảnh được mùa mất giá, thiên tai bão lũ. Anh cũng muốn truyền đi thông điệp về một nghề nông bền vững, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Hiện nay, Nhân đang hỗ trợ nhiều nông trại khác phát triển theo mô hình tương tự Rơm Vàng Farm. "Ở Quảng Nam có một hệ sinh thái mà ở đó có nhiều nông trại, nhiều bà con muốn chuyển đổi lối canh tác nông nghiệp sang mô hình như mình để tăng tính thích ứng, tăng sự bền vững" - Nhân phấn khởi.
Bình luận (0)