Vụ nam thanh niên Đ.M.H sàm sỡ nữ sinh trong thang máy ở quận Thanh Xuân, TP Hà Nội cách đây 2 tuần tưởng như được xử lý đến nơi đến chốn nhưng rốt cuộc chẳng đâu vào đâu.
Ấy là vì mức xử phạt hành chính chỉ là 200.000 đồng. Xét hành vi của H. chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm, cơ quan chức năng chiếu theo điểm a, khoản 1, điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ("Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác") nên ra mức phạt như trên. Ai cũng thấy mức phạt này quá nhẹ. Nhẹ nhưng mà nó... đúng quy định!
Nếu mọi hành vi sàm sỡ, nói rõ hơn là quấy rối tình dục, giống như vậy mà đều "có giá" 200.000 đồng thì càng phi tác dụng, khiến người có hành vi tấn công tình dục xem thường pháp luật, đồng thời không có tác dụng răn đe nhằm phòng ngừa từ xa, cốt để bảo vệ phái yếu. Nhìn dưới góc độ bình đẳng giới, cách vận dụng quy định pháp lý và mức phạt hiện hành là chưa công bằng với phụ nữ.
Mà rõ là đối tượng bị phạt trong vụ này đã rất xem thường pháp luật và dư luận, thể hiện qua việc nhiều lần né tránh xin lỗi công khai nạn nhân tại nơi diễn ra vụ việc trước nhiều người và báo chí, dù trước đó đã hứa. Cho nên, "án phạt" của Công an quận Thanh Xuân đối với trường hợp này dường như để mát lòng dư luận, cho sớm yên chuyện mà thôi.
Một trường hợp khác cũng gây bức xúc không kém, đó là vụ án N.T.Tr (trú huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) xâm hại tình dục một bé gái 9 tuổi ngụ cùng địa phương, khiến nạn nhân gãy răng hàm dưới, rạn xương tay phải, rách màng trinh và tổn thương vùng kín. Sau khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam N.T.Tr về tội "Dâm ô với người dưới 16 tuổi", rất bất ngờ, Công an huyện Chương Mỹ cho bị can này tại ngoại, chỉ áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú.
Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã phản đối bằng cách gửi công văn cho lãnh đạo Công an TP Hà Nội và VKSND TP Hà Nội yêu cầu 2 cơ quan này chỉ đạo các đơn vị hữu trách tiếp tục bắt tạm giam N.T.Tr để điều tra, làm rõ. Quan điểm của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam là đúng, bởi lẽ, hành vi của bị can này - theo kết luận ban đầu của cơ quan điều tra - là nghiêm trọng; đồng thời, Tr. từng có tiền án từ năm 2013, đến nay chưa xóa án tích. Để một nghi phạm như thế trong cộng đồng thì ai dám sống chung? Và, thực tế cho thấy ngay cả khi bị giam giữ nghiêm mật song không ít phạm nhân vẫn trốn trại được, vậy trong trường hợp này lấy gì bảo đảm rằng khi giao bị can cho địa phương quản lý thì bị can không tìm đường cao chạy xa bay?
Từ tiếng nói phản đối của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đối với trường hợp bị can N.T.Tr được cho tại ngoại, soi chiếu với vụ nữ sinh bị sàm sỡ trong thang máy, có thể đặt vấn đề: Hội liên hiệp phụ nữ các cấp cần phải lên tiếng, đề nghị xem xét lại mức phạt nhẹ như bông gòn đối với kẻ có hành vi đê tiện. Đó không chỉ là phận sự của tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội đối với riêng trường hợp này mà có tác dụng đánh chặn với nhiều vụ tương tự khác. Chúng ta kêu gọi thực hiện bình đẳng giới mà chỉ phạt hành vi xúc phạm danh dự, phẩm hạnh, thân thể người phụ nữ chỉ 200.000 đồng hay sao?!
Bình luận (0)