Theo ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, năm 2019, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án "Điều tra, đánh giá thực trạng hoạt động và đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nằm ngoài khu, cụm công nghiệp ở địa bàn phía Nam chuyển đổi công năng, di dời vào các khu, cụm công nghiệp tỉnh Bình Dương". Đến nay, kế hoạch và giải pháp đã có, thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh việc di dời nhà máy khỏi khu dân cư.
Dân mừng, doanh nghiệp trăn trở
Nhiều hộ dân tại khu phố 9 (phường Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) nói khi nghe thông tin về việc tỉnh sẽ di dời các DN trong khu dân cư, họ rất mừng. Bởi các hộ dân nơi đây từ lâu đã bức xúc liên quan đến việc thường xuyên xả khói, bụi kèm theo mùi hôi của Công ty TNHH Shijar Việt Nam (đường Nguyễn Thái Bình, khu phố 9, phường Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một chuyên sản xuất gạch men. Họ lo lắng trẻ em nếu hít nhiều khói bụi sẽ mắc các bệnh về hô hấp.
"Mặc dù các ngành chức năng nhiều lần xuống làm việc và đề nghị DN này khắc phục hậu quả nhưng lâu lâu sự việc vẫn tái diễn. Do đó, khi nghe thông tin đẩy nhanh việc di dời các DN trong khu dân cư, chúng tôi rất đồng tình ủng hộ" - anh Nguyễn Văn Lý, một hộ dân bị ảnh hưởng, nói.
Theo anh Lý, ngoài vấn đề về môi trường thì việc những nhà máy sản xuất giữa khu dân cư còn tiềm ẩn nhiều nỗi lo. Trong đó, đáng kể nhất là an toàn cháy nổ, an toàn giao thông (xe tải ra vào thường xuyên) và an ninh trật tự.
Việc di dời các DN sản xuất ra khỏi khu dân cư, quy tụ sản xuất trong các khu, cụm công nghiệp là cần thiết, song đề án này cũng khiến không ít DN băn khoăn. Ông Vương Siêu Tín, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương, cho biết toàn tỉnh hiện có khoảng 60 DN hoạt động trong lĩnh vực gốm sứ, tập trung chủ yếu ở TP Thuận An và thị xã Tân Uyên. "Là nghề đặc thù đòi hỏi công nhân phải có tay nghề, nên khi di dời vào các KCN điều lo lắng của DN là không có người làm, chi phí bỏ ra di chuyển nhà xưởng cũng là vấn đề nan giải" - ông Vương Siêu Tín nói và đề nghị tỉnh Bình Dương phải có thông tin cụ thể trong hỗ trợ DN. Ông Tín cũng đề nghị đối với quỹ đất DN đang sản xuất phải di dời, tỉnh Bình Dương cần có hướng dẫn chuyển đổi công năng.
Cũng trăn trở về nguồn lao động sản xuất khi di dời, bà Trương Thị Thúy Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày Bình Dương, cho rằng hiện công nhân đã ổn định chỗ ở, khi chuyển đến nơi mới, họ khó di chuyển theo DN, mà đây là vấn đề cốt lõi sống còn của DN. "Nếu ồ ạt di chuyển DN sản xuất trong một thời điểm, sự giành giật công nhân giữa các DN sẽ xảy ra. Khi đó, DN nhỏ sẽ rất khó khăn. Do đó, UBND tỉnh cũng cần dàn trải trên một khoảng thời gian dài. Những quỹ đất cho DN di dời cũng nên quy hoạch theo ngành nghề để hỗ trợ nhau cùng hình thành chuỗi cung ứng trong tương lai" - bà Liên kiến nghị.
Công ty TNHH Shijar Việt Nam nằm trong khu dân cư khiến người dân lo lắng
Cam kết nhiều giải pháp hỗ trợ
Theo UBND tỉnh Bình Dương, hiện toàn tỉnh có khoảng 2.900 DN nằm ngoài KCN phải di dời hoặc chuyển đổi công năng với diện tích đất đang sử dụng gần 1.800 ha. Trước thực trạng trên, lãnh đạo tỉnh Bình Dương ghi nhận và mong muốn các DN đồng tình với chủ trương di dời. "Phía tỉnh cũng đã có lộ trình di dời cụ thể, đặc biệt cam kết sẽ ban hành các chính sách hỗ trợ tốt nhất cho DN" - ông Nguyễn Văn Dành cho biết. Theo đó, lộ trình thực hiện đề án của tỉnh Bình Dương được tính toán theo từng địa phương. Cụ thể, TP Thuận An sẽ di dời xong vào tháng 12-2028; TP Dĩ An, di dời từ tháng 1-2024 đến tháng 6-2030; TP Thủ Dầu Một, di dời từ tháng 1-2024 đến tháng 6-2030; thị xã Tân Uyên, di dời từ tháng 1-2024 đến 12-2029 và thị xã Bến Cát, di dời từ tháng 1-2024 đến 12-2030.
Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, cho biết nếu DN nằm trong danh sách di dời sẽ được thông báo trước để có thời gian chuẩn bị. Sở cũng sẽ rà soát lại các khu, cụm công nghiệp sẵn có, làm việc với chủ đầu tư để bố trí quỹ đất thích hợp cho DN di dời, cũng như ban hành tiêu chí xét cơ sở sản xuất phải di dời hay chuyển đổi công năng. "Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh ưu tiên xây dựng một cụm công nghiệp mẫu điển hình để thử nghiệm, kiểm chứng kết quả và hiệu quả di dời DN, trước khi triển khai đại trà" - ông Toàn nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Phạm Trọng Nhân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) tỉnh Bình Dương, cho rằng tỉnh đang phát triển công nghiệp về phía Bắc, do đó đây là cơ hội để DN di dời phát triển bền vững trong tương lai. "Để giảm chi phí vận chuyển cho DN, tỉnh đang đầu tư các tuyến đường cao tốc kết nối vùng như đường Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành... Bình Dương hiện nay có 29 KCN, trong đó 27 khu đã hoạt động và lấp đầy hơn 85%; 12 cụm công nghiệp lấp đầy khoảng 68%. Với diện tích còn lại thì các khu, cụm công nghiệp thừa sức đáp ứng nhu cầu di dời của DN" - ông Nhân khẳng định. Để các DN hiểu rõ hơn về chủ trương di dời, Sở KH-ĐT đã kiến nghị tỉnh tổ chức gặp gỡ lấy ý kiến của DN, đồng thời thông tin rộng rãi các chính sách để DN an tâm.
Đối với những lo ngại của DN về nguồn lao động, ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, nhấn mạnh địa phương có nhiều cơ sở dạy nghề và đang tuyển sinh số lượng lớn, từ đó cung cấp số lượng lớn lao động có tay nghề cho DN. Các trường nghề cũng liên kết với DN để đào tạo nghề, học viên sau khi ra trường có thể bắt tay ngay vào làm việc. "Sở sẽ tham mưu xây dựng một số chính sách đặc thù để hỗ trợ người lao động khi di dời về tiền lương, đào tạo nghề" - ông Tuyên cam kết.
Bình luận (0)