Ông Võ Thanh Quan, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch MTTQ phường Vĩnh Phú, Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 phường Vĩnh Phú (TP Thuận An, tỉnh Bình Dương), cho biết người phụ nữ trong clip xuất hiện trên mạng xã hội là bà H.T.P.L (ngụ blok B, chung cư Ehome, phường Vĩnh Phú).
Lực lượng công an và lãnh đạo phường Vĩnh Phú phá cửa đưa bà H.T.P.L đi test nhanh Covid-19 (ảnh cắt từ clip)
Theo ông Quan, sự việc xảy ra vào sáng 28-9. Theo đó, khi phường tiến hành test nhanh Covid-19 cho người dân địa phương, dù đã được phát phiếu và thông báo đầy đủ nhưng 2 lần trước bà H.T.P.L không thực hiện test Covid-19, lần này đã được đại diện địa phương tới tận nơi động viên, khuyên nhủ tiến hành test nhanh nhưng bà vẫn không đồng ý mà đóng cửa cố thủ trong phòng. Do đó, lực lượng chức năng đã nhờ thợ khóa đến mở cửa đưa bà ra test nhanh Covid-19. Ngoài ra, sau đó lực lượng chức năng cũng đã tiến hành lập biên bản vi phạm quy định phòng, chống dịch đối với bà H.T.P.L.
Bà H.T.P.L được test nhanh Covid-19 ngay tại sân chung cư Ehome
Cũng theo ông Quan, hiện khu vực bà H.T.P.L sinh sống đã có hai ca dương tính với Covid-19 nên việc test nhanh với bà là rất cần thiết, nếu không thì sau ngày 1-10 mà về lại trạng thái bình thường mới sẽ rất dễ sinh ổ dịch tại đây.
Trước đó, trên mạng xã hội lan truyền đoạn clip ghi lại cảnh một nhóm người trong đó có lực lượng công an, cảnh sát cơ động cùng một người khác phá khóa vào phòng và đưa một người phụ nữ ra ngoài sân chung cư để test nhanh covid-19. Đoạn clip đã gây nên nhiều ý kiến trái chiều.
Người dân cần chấp hành yêu cầu lấy mẫu xét nghiệm
Luật sư Lưu Tấn Anh Toàn, Giám đốc Công ty Luật Lưu Vũ, cho biết việc xét nghiệm test covid là cần thiết trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến nguy hiểm như hiện nay và người dân cần có ý thức tự nguyện hợp tác. Người dân cần chấp hành yêu cầu lấy mẫu xét nghiệm của cơ quan chức năng.
Trong trường hợp cần thiết, cơ quan y tế có thẩm quyền được lấy mẫu xét nghiệm ở người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm là một trong những nội dung giám sát bệnh truyền nhiễm được quy định tại Điều 21 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007. Tuy nhiên, hiện nay có một số người dân không tự nguyện, có ý trốn tránh việc xét nghiệm covid dẫn đến không ít các trường hợp lực lượng chức năng tiến hành cưỡng chế như xâm nhập nhà riêng, phá cửa, bắt đi cách ly...
Căn cứ theo điểm a, khoản 2, Điều 7 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế thì hành vi không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền trong quá trình thực hiện giám sát bệnh truyền nhiễm sẽ bị phạt tiền từ 1-3 triệu đồng. Bên cạnh đó, người có hành vi không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có thể bị xử hình sự nếu người đó bị nhiễm bệnh, làm lây bệnh Covid-19 gây nguy hiểm cho người khác thì có thể bị phạt tiền từ 50-200 triệu đồng, hoặc phạt tù từ 1-5 năm được quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Về phía lực lượng chức năng khi thực hiện việc cưỡng chế yêu cầu test covid như xâm nhập nơi ở riêng, nhà riêng, phá cửa hoặc cưỡng chế người đi cách ly cũng cần phải đảm bảo đúng theo quy định như phải có quyết định cưỡng chế của cơ quan chức năng. Nếu không đủ các thủ tục theo quy định thì hành vi cưỡng chế của các lực lượng chức năng không thể xem là thi hành công vụ.
Ph.Dũng
Bình luận (0)