Sáng 31-12, tỉnh Bình Dương đã tổ chức Lễ kỷ niệm 25 năm thành lập và phát triển. Tham dự có nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết cách đây tròn một phần tư thế kỷ- ngày 1-1-1997, Bình Dương đã được tái lập và chính thức đi vào hoạt động với 4 đơn vị hành chính cấp huyện, 77 xã, phường, thị trấn; diện tích tự nhiên gần 2.700 km2 và dân số gần 670.000 người.
Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương phát biểu tại Lễ kỷ niệm 25 năm thành lập tỉnh
Từ một tỉnh nông nghiệp có xuất phát điểm thấp, Bình Dương đã trở thành một tỉnh công nghiệp phát triển năng động trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, được Trung ương đánh giá là địa phương thuộc nhóm các tỉnh, thành phố thành công trong sự nghiệp đổi mới.
Ông Võ Văn Minh cho rằng chủ trương xuyên suốt của tỉnh là "Trải chiếu hoa mời gọi nhà đầu tư". Đây chính là tiền đề quan trọng thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư đến Bình Dương. Đến nay, địa phương đã có đội ngũ doanh nghiệp tư nhân trong nước hùng hậu với hơn 53.000 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký 515 ngàn tỉ đồng và hơn 4.000 dự án đầu tư nước ngoài, tăng gấp nhiều lần so với năm 1997.
Từ 7 khu công nghiệp với diện tích trên 1.600 ha vào năm 1997, đến nay, toàn tỉnh có 29 khu công nghiệp, trong đó có 27 khu đi vào hoạt động với diện tích 12.670 ha (diện tích cho thuê trên 87%) và 12 cụm công nghiệp với diện tích gần 800 ha (diện tích cho thuê đạt khoảng 67,4%).
Bình Dương sau 25 năm tái lập tỉnh đã trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư
Sự tăng trưởng nhanh với chất lượng cao của hầu hết các ngành kinh tế đã tạo nguồn thu lớn cho ngân sách của tỉnh. Tổng thu ngân sách trên địa bàn liên tục tăng nhanh qua từng năm (bình quân giai đoạn 1997- 2020 tăng 26,1%/năm). Bình Dương sớm trở thành một trong những địa phương có mức thu ngân sách cao và đóng góp lớn cho ngân sách Trung ương. Đến năm 2021, tổng thu ngân sách của Bình Dương đạt 61.200 tỉ đồng, tăng gấp 74 lần so với năm 1997.
Hạ tầng kinh tế - xã hội được tập trung thực hiện đầu tư đồng bộ, hiện đại. Điểm nhấn quan trọng là vào năm 2004, Bình Dương đã khởi công xây dựng Khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị Bình Dương với trung tâm là dự án thành phố mới Bình Dương có quy mô 1.000 ha, theo đuổi định hướng xây dựng một khu đô thị văn minh, hiện đại, những công trình chính dần được hoàn thiện; Trung tâm Hành chính tập trung của tỉnh tại Trung tâm thành phố mới Bình Dương đã trở thành hạt nhân mới của một tỉnh Bình Dương hiện đại, năng động với đầy đủ loại hình dịch tiện ích và hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, kết nối chặt chẽ với các tỉnh, thành lân cận trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Công tác giảm nghèo của Bình Dương đạt thành tựu quan trọng, từ năm 2017, Bình Dương được công nhận không còn hộ nghèo theo chuẩn của Trung ương và tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn riêng của tỉnh chỉ còn dưới 1%.
Cùng với việc tăng cường đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, Bình Dương đã triển khai thực hiện hiệu quả chính sách thu hút nguồn nhân lực trong nước và quốc tế để phục vụ yêu cầu công nghiệp hóa với hơn 1,2 triệu lao động từ khắp mọi miền đất nước và nhiều quốc gia đến sống và làm việc.
Thừa lệnh Chủ tịch nước, lãnh đạo tỉnh Bình Dương trao Huân chương Lao động hạng nhất cho tập thể Tỉnh Đoàn Bình Dương
Nhiều năm liền, Bình Dương được Diễn đàn cộng đồng thông minh thế giới (ICF) vinh danh là một trong những cộng đồng có chiến lược phát triển thông minh trên thế giới…
Đặc biệt, trong cuộc chiến chống đại dịch Covid -19 bùng phát lần thứ tư vừa qua, Bình Dương đã kịp thời đề ra những biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với đặc điểm, diễn biến tình hình dịch bệnh, hạn chế đến mức thâp nhất các trường hợp tử vong; từng bước kiểm soát được tình hình dịch bệnh để đưa tỉnh trở lại trạng thái bình thường mới, phục hồi và phát triển kinh tế.
Tại Lễ kỷ niệm, nhiều tập thể và cá nhân trong tỉnh đã vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng nhất; Huân chương Lao động hạng nhì và Bằng khen của Thủ tướng chính phủ.
Bình luận (0)