Sau hơn một tháng không có ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, nước ta lại xuất hiện đợt lây nhiễm mới từ ngày 27-4 vừa qua khi phát hiện ca là người nhập cảnh đã hoàn thành cách ly tập trung về cách ly tại gia đình nhưng không tuân thủ quy định phòng chống dịch. Chưa thể đánh giá mức độ trầm trọng của đợt lây nhiễm hiện nay, đợt lây nhiễm thứ tư kể từ khi ca Covid-19 đầu tiên ghi nhận tại nước ta ngày 23-1-2020. Song đợt bùng phát dịch lần này được xác định là khó khăn hơn, phức tạp hơn do sự xuất hiện của các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2, đặc biệt là biến chủng mới có tốc độ lây nhanh hơn được phát hiện tại Ấn Độ. Cũng chỉ sau có vài ngày, dịch đã lây lan ra diện rộng, được ghi nhận tại 22 tỉnh và thành phố.
Điều lo ngại là dịch xuất hiện tại các cơ sở y tế, trong đó có những bệnh viện tuyến cuối, biến nơi đây thành các "ổ dịch" lớn với hàng ngàn người liên quan ở hàng chục tỉnh, thành khác nhau với các yếu tố dịch tễ rất phức tạp.
Đợt dịch hiện nay lây lan khi mà cả nước vẫn đang triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp mạnh để phòng, chống dịch. Đáng nói là trong khi hàng ngàn chiến sĩ biên phòng, công an... căng sức ngày đêm bám chốt ngăn chặn người nhập cảnh trái phép, nguồn lây dịch bệnh nguy hiểm hàng đầu thì đợt dịch này lại bùng phát từ trong nước, từ các khu cách ly và cơ sở y tế - những nơi phải là "thành trì" an toàn.
Có thể thấy đã có những "lỗ hổng" trong phòng chống dịch thời gian qua. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, vị "tư lệnh" trên mặt trận chống dịch, vừa chỉ rõ đó là: quản lý cách ly chưa nghiêm; người trong diện theo dõi vẫn đi liên hoan, hát karaoke; nhiều tỉnh, thành không có kế hoạch quản lý chặt những người nhập cảnh, cách ly tập trung. Một "lỗ hổng" rất lo ngại là ý thức, trách nhiệm của mỗi công dân và các cấp chính quyền, cơ quan chức năng khi có tâm lý xả hơi, chủ quan, buông lơi cảnh giác sau thời gian dài không có ca mắc trong cộng đồng.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường trên thế giới, nhất là các nước láng giềng chung đường biên giới, thì bất kỳ sự lơ là, chủ quan nào cũng tạo ra những "lỗ hổng" dẫn tới một làn sóng dịch mới. Muốn giữ thành quả chống dịch, trước hết phải bịt ngay các "lỗ hổng" đã phát hiện. Tuy nhiên, quan trọng hơn thế là phải chủ động làm sao ngăn chặn trước khi dịch bùng phát. Đó chính là tinh thần chỉ đạo mới nhất của người đứng đầu Chính phủ: Chuyển từ trạng thái phòng ngự là chính sang kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngự và tấn công, lấy tấn công là chính.
Bình luận (0)