Trước kiến nghị xem xét lại Nghị định 116/2017/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 17-10-2017 về quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô của cộng đồng doanh nghiệp (DN), trong phiên họp Chính phủ tháng 1-2018, Thủ tướng đã giao Văn phòng Chính phủ cùng các bộ - ngành xem xét các quy định để vừa bảo đảm được yêu cầu sản xuất trong nước, vừa thực hiện đúng các điều ước quốc tế đã cam kết.
Bảo vệ người tiêu dùng?
Đại diện Chính phủ cho rằng việc siết các quy định nhập khẩu xe hơi là nhằm bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng.
Tại buổi họp báo Chính phủ tháng 1-2018, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thừa nhận kim ngạch nhập khẩu xe trong tháng 1-2018 đã giảm 38%. Một trong những lý do là dù Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã ban hành Thông tư 03 hướng dẫn DN thực hiện Nghị định 116 vào ngày 10-1 và có hiệu lực từ ngày 1-3 nhưng vẫn là chậm so với yêu cầu.
Ngoài ra, Chính phủ cũng nhận được thư bày tỏ ý kiến từ các cơ quan đại sứ và các tổ chức liên quan về nội dung nghị định. "Một trong những kiến nghị là về giấy chứng nhận phù hợp. Phải hiểu giấy chứng nhận phù hợp không phải giấy được cấp bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà từ tổ chức hiệp hội, hay thậm chí hãng với mục đích chứng nhận nguồn gốc sản xuất để bảo đảm chất lượng, có giá trị triệu hồi xe đó nếu có lỗi. Việc này để bảo đảm quyền lợi cho nhà sản xuất cũng như quyền lợi người tiêu dùng" - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng giải thích.
Ông Dũng dẫn chứng việc nhập 2 lô xe BMW cũ với hàng ngàn chiếc từ Đức nhưng được "mông má" thành xe mới để giải thích cho việc cần siết chặt các quy định nhập khẩu. "Nghị định nhằm bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng. Tuy vậy, trong phiên họp Chính phủ tháng 1-2018, Thủ tướng đã giao Văn phòng Chính phủ cùng các bộ, ngành xem xét các quy định làm sao bảo đảm được yêu cầu sản xuất trong nước, thực hiện được các điều ước quốc tế đã cam kết. Chắc chắn bất cứ nước nào cũng sử dụng các hàng rào kỹ thuật" - Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.
Cùng quan điểm với Chính phủ, một số doanh nghiệp như THACO, Hyundai Thành Công… cho rằng quy định trong Nghị định 116 là cần thiết. "Quy định tại nghị định này có thể sẽ giúp hạn chế các hành vi gian lận thương mại, tạo môi trường cạnh tranh minh bạch, lành mạnh và bình đẳng; bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người tiêu dùng; bảo đảm nghĩa vụ, trách nhiệm của các nhà sản xuất, nhập khẩu ô tô" - đại diện THACO nêu.
Cụ thể, đại diện DN này cho rằng quy định về cung cấp giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu khi làm thủ tục kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô chưa qua sử dụng là cơ sở để chứng minh chất lượng của ô tô nhập khẩu. Đây cũng là một trong các căn cứ để cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, chứng nhận về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành. Ngoài ra, nếu DN không đáp ứng được yêu cầu về đường thử xe thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của xe xuất xưởng…
Với những quy định tại Nghị định 116, giá xe nhập khẩu khó có thể giảm như kỳ vọngẢnh: Hoàng Triều
Muốn một mình một chợ
Trở lại với Thông tư 03, thông tư này nêu rõ giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu do tổ chức nước ngoài cấp là giấy chứng nhận về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với kiểu loại ô tô; hoặc gồm giấy chứng nhận về chất lượng an toàn kỹ thuật đối với kiểu loại ô tô và giấy chứng nhận về bảo vệ môi trường đối với kiểu loại ô tô hoặc kiểu loại động cơ.
Trong khi đó, thực tế, các tổ chức nước ngoài không cấp loại giấy này. Ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng tiểu ban chính sách của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), nói: "Theo thông lệ quốc tế, nước nhập khẩu là quốc gia sẽ tiến hành thử nghiệm và cấp giấy chứng nhận kiểu loại cho xe nhập vào nước mình, không có nước nào trên thế giới yêu cầu nước xuất khẩu phải cấp giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại cho xe xuất khẩu vào nước khác".
Trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Thế Hùng, Giám đốc Công ty CP Thương mại KYLIN-GX668 (Hải Phòng), thẳng thắn: "Nghị định 116 thực chất là không công bằng với DN nhập khẩu cũng như DN nội địa sản xuất nhỏ, làm mất tính cạnh tranh và giá xe sẽ bị độc quyền, gây bất lợi cho người tiêu dùng".
Phân tích cụ thể hơn, ông Hùng cho rằng mục đích của Nghị định 116 chính là cản dòng xe nhập từ Thái Lan và một số nước ASEAN với thuế thấp. Nếu không, sản xuất ô tô trong nước sẽ "chết" bởi không cạnh tranh được. "Để cản xe từ các nước này, quy định giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu do nước ngoài cung cấp đã được ra đời.
Cái vướng của DN nhập khẩu là chỉ những nước sản xuất xe tay lái thuận mới có những chứng nhận tương đồng với Việt Nam, mà các nước này chủ yếu có thuế cao. Còn các nước ASEAN sản xuất xe tay lái nghịch, không đăng kiểm được ở Việt Nam, không thể có giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại. Đó là cách làm không vi phạm luật quốc tế nhưng phục vụ được mục đích của nhà làm chính sách và như thế, giá xe vẫn cao" - ông Hùng bày tỏ.
Cũng theo ông Hùng, các yêu cầu xưởng lắp ráp, đường thử lớn… cũng là những quy định gây khó cho phần lớn DN nhập khẩu xe. Bởi lẽ, chỉ có DN lớn, sở hữu diện tích đất rộng lớn mới dễ dàng đáp ứng được. "Đã là kinh doanh thì phải cạnh tranh lành mạnh. Nước ngoài họ cho nhập khẩu bình thường, ai mạnh người đó thắng" - ông Hùng nói.
Vỡ mộng xe giá rẻ
Ông Phạm Anh Tuấn cho rằng thị trường đang trong giai đoạn xáo trộn đặc biệt do vướng Nghị định 116. Bởi lẽ, khi nhu cầu mua xe cuối năm tăng cao thì thị trường không có xe để bán khi một số nhà nhập khẩu có động thái ngừng nhận đặt hàng, ngừng nhập. Nguyên nhân là bởi các DN không thể bảo đảm thời gian chính xác xe sẽ được thông quan. "Hiện tại, Toyota thì còn có xe sản xuất trong nước để bán bù khi không nhập khẩu được nhưng như Lexus thì không có và thị trường trở nên khan hiếm, khả năng bị đẩy giá là có thể" - ông Tuấn nhìn nhận.
Đáng nói hơn, ngày 16-1 vừa qua, hai hãng xe của Nhật Bản là Toyota và Honda đã đồng thời ra thông báo tạm ngừng xuất khẩu sang Việt Nam do Nghị định 116 thắt chặt kiểm tra với ô tô nhập khẩu. Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đánh giá đó là một sự lãng phí to lớn về cả thời gian và tiền bạc. Vấn đề mà phía Nhật Bản đề cập chính là yêu cầu kiểm tra theo lô. Cụ thể, nếu như trước đây một loại xe về nước chỉ phải kiểm định chiếc đầu tiên thì nay mỗi lô xe về, kể cả cùng 1 loại xe, đều phải chọn ra một chiếc để kiểm định.
Ông Trần Văn Trung, Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh quốc tế Đại Việt, từng phản ứng: "Mỗi lô hàng nhập về, lô trước lô sau đều giống nhau, nhập khẩu 1 xe hay 5 xe đều phải đi thử nghiệm. Thế là lãng phí. Công chức chắc chả đủ để đi làm việc đó". Còn theo ông Phạm Văn Công, đại diện Công ty CP Đầu tư Thương mại ô tô quốc tế, quy định này gây tốn kém, mất thời gian cho DN giảm sức cạnh tranh. Ngay cả các DN nhập xe chính hãng cũng gặp không ít khó khăn.
Theo tính toán của một DN kinh doanh ô tô, thực tế tại DN vừa và nhỏ, một lô hàng nhập về thường chỉ có từ 3-10 xe. Với quy định mới, mỗi lô hàng phải kiểm tra 1 xe và mất 2 tháng mới có được giấy chứng nhận. Như thế, tổng hợp lại, một lần kiểm tra mất chi phí từ 40-100 triệu đồng tùy yêu cầu đăng kiểm và loại xe. Các DN nhỏ và vừa hoàn toàn không đủ điều kiện để đáp ứng.
Các chuyên gia cho rằng với chi phí thử nghiệm tối thiểu 40 triệu đồng/lô hàng, đầu tư trạm bảo hành bảo dưỡng tối thiểu 10 tỉ đồng…, chắc chắn chi phí kinh doanh của DN sẽ tăng cao.
Đó là những vấn đề mà giới chuyên môn cho rằng giá ô tô khó có thể giảm như kỳ vọng!
Nửa tháng chỉ nhập được 60 chiếc
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy 15 ngày đầu tháng 1-2018, cả nước nhập về vỏn vẹn… 60 chiếc ô tô các loại. Trong đó, số ô tô dưới 9 chỗ chỉ có 6 chiếc. Thậm chí, còn chưa rõ liệu 6 chiếc xe này có phải được nhập về với mục đích thương mại hay dưới dạng quà tặng hoặc thuộc diện xe ngoại giao!
Trong khi đó, trước thời điểm Nghị định 116 có hiệu lực từ ngày 1-1, tính trong nửa cuối tháng 12-2017, lượng xe nguyên chiếc nhập về Việt Nam lên tới 6.599 xe, riêng xe dưới 9 chỗ ngồi là 2.866 chiếc.
Bình luận (0)