Theo thông tin từ Bộ Tư pháp, cơ quan này đang thẩm định hồ sơ đề nghị xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Bộ Công an là cơ quan chủ trì xây dưng dự thảo.
Trong công văn của Bộ Công an do Thứ trưởng Lương Tam Quang ký gửi Bộ Tư pháp đề nghị thẩm định hồ sơ có nêu rõ, do thời gian gấp, Bộ Công an cần báo cáo Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vào phiên họp tháng 4-2023 (dự kiến ngày 10-4).
Tại Tờ trình của Bộ Công an gửi Chính phủ ngày 22-3 cho biết sau khi Chính phủ khôi phục các chính sách xuất nhập cảnh, cho phép mở cửa du lịch từ tháng 3-2022, các hoạt động xuất nhập cảnh đã dần trở lại bình thường, lượng người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam trong năm 2022 tăng gấp 6,6 lần so với năm 2021 nhưng vẫn thấp so với thời điểm trước dịch, chỉ bằng 32,6% so với năm 2019.
Bộ Công an đề xuất tăng thời gian miễn thị thực từ 15 lên 30 ngày. Ảnh: Hoàng Triều
Trong bối cảnh ngành du lịch bị ảnh hưởng sau đại dịch, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam, các hiệp hội thương mại, doanh nghiệp nước ngoài, Hội đồng tư vấn lịch...có nhiều kiến nghị cần thông thoáng hơn trong chính sách thị thực của Việt Nam nhằm góp phần nâng cao tính cạnh tranh, thu hút khách du lịch quốc tế trong thời gian tới.
Chính vì vậy, Bộ Công an cho rằng việc sửa đổi một số quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cứ trú của người nước ngoài tại Việt Nam để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho khách du lịch, chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài là cần thiết.
Theo đề xuất của Bộ Công an, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam tập trung vào 2 chính sách. Trong đó, chính sách 1 sẽ tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa cho người nước ngoài nhập xuất cảnh Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong tình hình hiện nay.
Cụ thể, Bộ Công an này đề xuất sửa đổi quy định về thời hạn thị thực điện tử từ 30 ngày lên 90 ngày, có giá trị một lần hoặc nhiều lần theo đề nghị của người nước ngoài, nhằm tạo điều kiện cho người nước ngoài có nhu cầu vào Việt Nam đến 3 háng. Các trường hợp có nhu cầu tiếp tục ở lại trên ba tháng được xem xét giải quyết theo quy định của luật hiện hành.
Cơ quan soạn thảo cũng đề xuất quy định về thời hạn đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 30 ngày. Mục đích nhằm góp phần thu hút nhiều hơn nữa người nước ngoài là công dân các nước được đơn phương miễn thị thực nhập cảnh Việt Nam, tạo thuận lợi cho họ có nhiều lựa chọn. Chẳng hạn, nếu vào ngắn ngày thì nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực, dài ngày hơn (90 ngày) thì lựa chọn thị thực điện tử.
Dự thảo luật cũng giao Chính phủ quyết định danh sách các nước, vùng lãnh thổ có công dân được cấp thị thực điện tử trên cơ sở không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam.
Việc tiếp tục nghiên cứu mở rộng chính sách thị thực điện tử cả về đối tượng áp dụng và giá trị, thời hạn sẽ phát huy những kết quả tích cực đã đạt được, góp phần thu hút ngày càng nhiều người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam du lịch, tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và ngành du lịch nói riêng.
Bình luận (0)