Văn phòng Chính phủ ngày 28-12 đã có công văn gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ sau khi bộ này có Công văn số 13780 ngày 25-12 gửi Thủ tướng về việc tổ chức khởi công 12 dự án thành phần thuộc dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.
Bộ Giao thông vận tải cam kết sẽ chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn giám sát triển khai các gói thầu đảm bảo tiến độ, chất lượng, phòng chống tham nhũng, lãng phí
Thủ tướng Chính phủ có ý kiến như sau: "Bộ GTVT báo cáo kết quả việc chỉ định thầu thế nào? Đã đúng quy định chưa? Chặt chẽ và có tránh được tiêu cực không? Chia nhỏ gói thầu như vậy thì ai là tổng thầu? Ai làm tư vấn giám sát? Rất nhiều vấn đề mà Bộ GTVT phải thực hiện nghiêm túc đúng quy định, đúng thủ tục và chịu trách nhiệm trước pháp luật về vấn đề này".
Sau khi nhận công văn của Văn phòng Chính phủ, ngày 30-12, Bộ GTVT đã có báo cáo trả lời các câu hỏi Thủ tướng nêu ra.
Liên quan đến việc tổ chức lựa chọn nhà thầu, Bộ GTVT cho biết tại các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ yêu cầu trình tự, thủ tục thực hiện chỉ định thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Luật Đấu thầu, Nghị định số 63/2014 của Chính phủ đã quy định cụ thể về quy trình chỉ định thầu. Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản số 5520 ngày 8-8-2022 hướng dẫn chi tiết việc thực hiện quy trình chỉ định thầu theo Điều 55 Nghị định số 63/2014 để các các bộ, ngành, địa phương thực hiện đảm bảo tính thống nhất.
Ngoài ra, để đảm bảo công khai, minh bạch, Bộ GTVT đã chỉ đạo các chủ đầu tư đăng tải công khai thông tin trên các phương tiện truyền thông về tiêu chí lựa chọn nhà thầu xây lắp (yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm) và thông tin cơ bản về gói thầu (phạm vi, quy mô, giá trị dự kiến, các công trình chính, yêu cầu tiến độ thực hiện…) để các nhà thầu tiếp cận thông tin, tự đánh giá khả năng thực hiện để tìm đối tác và thành lập tổ hợp liên danh đăng ký tham gia thực hiện gói thầu.
Thực tế, với quy mô gói thầu lớn, kỹ thuật phức tạp, các nhà thầu đăng ký tham gia thực hiện các gói thầu đều là tổ hợp liên danh, chỉ có 1 nhà thầu tham gia với tư cách nhà thầu độc lập (25 gói thầu có 14 doanh nghiệp đứng đầu liên danh đăng ký tham gia theo các tổ hợp nhà thầu, được chủ đầu tư đánh giá đáp ứng điều kiện năng lực thực hiện 12 dự án thành phần).
Bộ GTVT cũng đã chỉ đạo các chủ đầu tư căn cứ quy định pháp luật, trên cơ sở quy mô, tính chất kỹ thuật của gói thầu, xây dựng các tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu để thực hiện chỉ định thầu đảm bảo đồng bộ, thống nhất, đúng quy định của pháp luật.
Các tiêu chí chính để đánh giá năng lực, kinh nghiệm nhà thầu đã được các chủ đầu tư phê duyệt bám sát quy định Thông tư số 08/2022 của Bộ KH-ĐT, Nghị định 15/2021 của Chính phủ.
Đến nay, các chủ đầu tư đã hoàn thành công tác chỉ định thầu 14/25 gói thầu xây lắp, 14/25 gói thầu tư vấn giám sát theo đúng trình tự, thủ tục nêu trên đảm bảo chặt chẽ, công khai, minh bạch.
Theo Bộ GTVT, các nhà thầu được lựa chọn, được chủ đầu tư đánh giá đều là các doanh nghiệp có tiềm lực, có uy tín và đáp ứng các yêu cầu năng lực, kinh nghiệm của hồ sơ yêu cầu.
Về việc phân chia gói thầu, Bộ GTVT khẳng định phải tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu, pháp luật về xây dựng và yêu cầu kỹ thuật của dự án cũng như chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng.
Theo đó, việc phân chia gói thầu xây lắp cần xem xét sự phù hợp về phạm vi, quy mô, tính chất kỹ thuật của công trình; điều kiện địa hình, địa chất, thủy văn; địa giới hành chính; tính liên tục của các công trình chính (đường, cầu, hầm); phương án điều phối vật liệu đào, đắp; phương án tổ chức thi công; vị trí, số lượng, trữ lượng các mỏ vật liệu xây dựng, bãi đổ thải; đường công vụ nội, ngoại tuyến… để phân chia gói thầu đảm bảo yếu tố kinh tế - kỹ thuật.
Căn cứ quy định về điều kiện năng lực của nhà thầu, kết quả khảo sát năng lực, kinh nghiệm nhà thầu của các chủ đầu tư để nghiên cứu xác định quy mô gói thầu hợp lý, đảm bảo lựa chọn được nhà thầu có đủ điều kiện năng lực, kinh nghiệm tham gia dự án, tuân thủ quy định của pháp luật.
Theo nguyên tắc nêu trên, các chủ đầu tư đã trình Bộ GTVT kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Trong đó, đề xuất phân chia 12 dự án thành phần thành 25 gói thầu xây lắp có giá trị từ 3.000 - 8.000 tỉ đồng. Công tác tư vấn giám sát được chia thành 25 gói thầu tương ứng với các gói thầu xây lắp để thuận lợi trong việc giám sát thi công xây dựng và phù hợp năng lực của các tổ chức tư vấn giám sát trong nước.
Căn cứ Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và các Nghị quyết, quy định pháp luật liên quan, Bộ GTVT đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu 12 dự án thành phần (25 gói thầu xây lắp và 25 gói thầu tư vấn giám sát) để các chủ đầu tư thực hiện chỉ định thầu theo thẩm quyền.
"Nhằm nâng cao tính đồng bộ, tập trung một đầu mối nhằm quản lý chặt chẽ tiến độ, chất lượng thực hiện gói thầu, trong hồ sơ yêu cầu và hợp đồng gói thầu xây lắp đã quy định thành viên đứng đầu liên danh chịu trách nhiệm tổ chức quản lý, điều hành chung, trực tiếp giao dịch, làm việc với chủ đầu tư trong quá trình thực hiện hợp đồng, sẵn sàng thay thế các nhà thầu yếu kém trong liên danh khi chất lượng, tiến độ thi công không đảm bảo yêu cầu"- Bộ GTVT thông tin.
Bình luận (0)