Bộ Công an vừa triển khai lấy ý kiến về dự thảo Luật Cư trú này từ ngày 19-2 đến 19-4-2020. Dự thảo gồm 7 chương, 41 điều, có nhiều đổi mới so với các đạo luật về cư trú được ban hành vào năm 2006 và 2013.
Đơn giản thủ tục hành chính
Theo dự thảo, nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới, yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội... và chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến đã đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện pháp luật về cư trú.
Hiện nay, trình tự, thủ tục đăng ký cư trú còn mang tính thủ công, rườm rà, chưa đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, nhất là sau khi Chính phủ ban hành nghị quyết về bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Để cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, việc thực hiện trình tự, thủ tục đăng ký cư trú cũng cần điều chỉnh cho phù hợp, tạo thuận lợi tối đa cho người dân. Vì thế, Bộ Công an đề xuất bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và thay thế việc quản lý qua số định danh cá nhân.
Người dân làm thủ tục căn cước công dân tại TP Hà Nội
Ngoài ra, Bộ Công an cũng đề xuất bỏ toàn bộ hoặc một phần thủ tục hành chính liên quan sổ hộ khẩu, sổ tạm trú như: tách khẩu; cấp đổi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú; cấp lại sổ hộ khẩu hay tạm trú... Thời gian cấp sổ hộ khẩu còn 7 ngày, thay vì 15 ngày như hiện nay.
Đáng chú ý, theo dự thảo, Cơ sở dữ liệu về cư trú là tài sản quốc gia được nhà nước bảo vệ theo quy định của pháp luật về bảo vệ công trình quan trọng liên quan an ninh quốc gia. Việc khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu về cư trú phải bảo đảm các yêu cầu: Mọi sự truy nhập đến cơ sở dữ liệu để thay đổi thông tin về cư trú của công dân phải được sự phê duyệt của thủ trưởng cơ quan quản lý cư trú; việc cung cấp, trao đổi thông tin, tài liệu từ Cơ sở dữ liệu về cư trú cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân do bộ trưởng Bộ Công an quy định; cơ quan, tổ chức, cá nhân không được sao chép, in trái phép thông tin, tài liệu từ Cơ sở dữ liệu về cư trú.
Nhận định về dự thảo này, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nói rất đồng tình bởi việc quản lý trên mã số định danh phù hợp với xu thế toàn cầu hóa. Việc quản lý chuyển đổi thủ tục hành chính như sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, CMND… sang số hóa sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho người dân.
"Khi chuyển sang quản lý bằng mã số định danh cá nhân thì người dân sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí, tránh thủ tục hành chính rườm rà khi phải đến tận trụ sở công quyền để làm việc. Ngoài ra, bảo đảm người dân có quyền tự do đi lại, tự do cư trú mà không phụ thuộc vào hộ khẩu" - ông Hòa phân tích.
Ông Hòa cũng nhìn nhận quá trình quản lý hộ khẩu giấy từ trước đến nay rất phức tạp, nảy sinh những vấn đề tiêu cực gây bức xúc cho người dân. Bất cập này nằm ở khâu thực hiện chứ không phải do pháp luật, nên cần siết lại quá trình tổ chức thực hiện để tránh tiêu cực, nhũng nhiễu.
Bảo đảm quyền công dân
Thẩm phán Trương Việt Toàn, Phó chánh Tòa Hình sự TAND TP Hà Nội, cũng ủng hộ bãi bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy, thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân cập nhật từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
"Công dân có quyền tự do đi lại, cư trú, học tập, mà việc quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy vô tình tạo ra một số hạn chế liên quan đến những quyền trên. Do đó, cần thiết phải bỏ quản lý bằng sổ hộ khẩu giấy" - ông Toàn nhấn mạnh.
Ông cho biết việc làm này còn là bước cải cách thủ tục thiết thực và quan trọng, tạo điều kiện cho người dân thực hiện các quyền công dân; giúp việc quản lý dân cư, thực hiện các thủ tục hành chính công đơn giản, gọn nhẹ hơn.
19 thông tin trong cơ sở dữ liệu về cư trú
Bộ Công an cho biết sổ hộ khẩu điện tử là cách thức quản lý thường trú của công dân trên mạng điện tử thông qua hệ thống phần mềm và được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú.
Thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú cập nhật để hoàn thiện sổ hộ khẩu điện tử gồm: Họ, chữ đệm và tên khai sinh; họ, chữ đệm và tên gọi khác; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; số, ngày, tháng, năm và nơi cấp thẻ căn cước công dân, CMND; nơi đăng ký khai sinh; quê quán; dân tộc; tôn giáo; quốc tịch; tình trạng hôn nhân; nơi thường trú; nơi tạm trú; tình trạng khai báo tạm vắng; nơi ở hiện tại; nghề nghiệp; nhóm máu...
Bình luận (0)