16 giờ chiều 20-9, Thành ủy và UBND TP Hà Nội tổ chức hội nghị thông tin về các giải pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP.
Bỏ kiểm tra giấy đi đường ở Hà Nội
Tại cuộc họp, ông Chử Xuân Dũng, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết hôm nay 20-9 là ngày cuối của đợt giãn cách thứ 4. Các kết quả đạt được rất quan trọng, nhưng nguy cơ lây lan dịch bệnh trên địa bàn vẫn còn, nhất là các chùm ca bệnh, một số khu vực mật độ dân cư đông, ngõ chật hẹp... Việc nới lỏng một số hoạt động kèm theo phải thực hiện rất chặt chẽ.
Ông Chử Xuân Dũng: Hà Nội sẽ không áp dụng quy định phân luồng, không áp dụng giấy đi đường từ 21-9
Về một số nguyên tắc, định hướng lớn sau 21-9, TP sẽ không áp dụng quy định phân luồng, không áp dụng giấy đi đường cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp di chuyển trên địa bàn TP. Tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong giám sát việc di chuyển. Không phát sinh thêm thủ tục hành chính với cá nhân, doanh nghiệp. Các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện nghiêm các quy định đảm bảo phòng, chống dịch theo yêu cầu của TP.
Hà Nội sẽ không phát sinh thêm thủ tục hành chính đối với các cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố theo chỉ đạo của Trung ương. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch, TP đã phân cấp ủy quyền cho các sở ngành, địa phương nhằm hướng dẫn các cá nhân, doanh nghiệp để thực hiện tốt giải pháp phục hồi sản xuất kinh tế, kinh doanh dịch vụ để đảm bảo an toàn.
Hà Nội sẽ thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức hậu kiểm về công tác phòng, chống dịch.
Cũng theo ông Dũng, TP sẽ duy trì phong tỏa hẹp, quản lý chặt và ứng dụng công nghệ thông tin để đẩy nhanh quá trình truy vết khi có F0 phát sinh trên địa bàn TP; điều chỉnh hoạt động khu vực ổ dịch, khu vực nguy cơ cao và phong tỏa một cách linh hoạt cũng như điều chỉnh các hoạt động trên địa bàn TP một cách linh hoạt.
Nguy cơ dịch bệnh bùng phát vẫn còn
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, cho rằng những kết quả trong công tác phòng, chống dịch của Hà Nội trong thời gian qua là do sự lãnh đạo của Trung ương, sự nỗ lực, cố gắng của TP, sự hỗ trợ của 12 tỉnh, TP bạn và các bệnh viện tuyến Trung ương, hệ thống y tế tư nhân, các y bác sỹ đã nghỉ hưu, của đội ngũ tình nguyện viên và của các cơ quan báo chí, truyền thông.
Ông Nguyễn Văn Phong cho rằng nguy cơ dịch bệnh bùng phát vẫn còn, chưa thể lạc quan có thể mở cửa ngay trở lại cuộc sống bình thường mới
Trên cơ sở kết quả công tác phòng chống dịch, căn cứ tình hình dịch tễ, xác định rõ nguy cơ và tham khảo ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học; phối hợp, trao đổi với các tỉnh, thành phố xung quanh, Hà Nội xây dựng và đưa ra những giải pháp trong công tác phòng, chống dịch sau ngày 21-9, trên quan điểm giữ được thành quả phòng, chống dịch, đồng thời phát huy hiệu quả cao hơn và toàn diện hơn trên các lĩnh vực.
Cụ thể, Hà Nội nới lỏng một số hoạt động và yêu cầu, một mặt quan trọng nhất vẫn phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch để duy trì kết quả, thành quả công tác phòng, chống dịch trong thời gian vừa qua; mặt khác tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi trở lại và tạo điều kiện cho đời sống, sinh hoạt của nhân dân; có điều kiện để chuẩn bị và tiếp tục nâng cao năng lực toàn diện cho ngành y tế Thủ đô, từ nguồn nhân lực, trang thiết bị.
Nêu rõ kết quả đạt được vừa qua có sự chung tay, đóng góp rất lớn, đồng thời chấp nhận rất nhiều khó khăn, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng nhấn mạnh kết quả này có bền vững hay không phụ thuộc rất nhiều yếu tố, trong đó có ý thực tự giác chấp hành, tuân thủ các quy định phòng, chống dịch của người dân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn TP. Ngoài việc thực hiện thông điệp 5K, việc người dân khai báo y tế thường xuyên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Thực tế vừa qua có những ca ho, sốt không khai báo, khi nhập viện mới phát hiện. Nếu khai báo sớm thì sẽ ngăn chặn được nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.
Nêu thêm lý do vẫn chưa được chủ quan trong công tác phòng, chống dịch, ông Nguyễn Văn Phong phân tích mặc dù hiện nay TP đã tiêm vắc-xin Covid-19 mũi 1 cho trên 94% người trên 18 tuổi đủ điều kiện, đây là tỷ lệ rất cao, nhưng theo yêu cầu của ngành y tế, trạng thái của TP vẫn chưa thể trở lại "bình thường mới", vì hiện nay tỷ lệ tiêm mũi 2 của Hà Nội mới đạt 12%, trong khi yêu cầu bắt buộc phải là trên 70% mũi 1 và trên hoặc bằng 20% mũi 2. "Do vậy, nguy cơ dịch bệnh bùng phát vẫn còn, chưa thể lạc quan có thể mở cửa ngay trở lại cuộc sống bình thường mới được" - ông Phong nói.
TP Hà Nội đang giao các ngành xây dựng kế hoạch phục hồi sản xuất kinh doanh để tập trung thực hiện sau ngày 21-9. Tiếp tục chuẩn bị phương án tiêm phủ vắc-xin mũi 2 cho người dân vào nửa đầu tháng 11-2021, trên cơ sở đó tính phương án cho học sinh quay trở lại trường cũng như các trường cao đẳng, đại học hoạt động trở lại.
Trước đó, TP Hà Nội bắt đầu giãn cách xã hội theo tinh thần của Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 17 của Chủ tịch UBND TP Hà Nội từ ngày 24-7 tới nay.
Kiểm tra giấy đi đường ở Hà Nội - Ảnh: Ngô Nhung
Từ trưa 16-9, Hà Nội nới lỏng một số biện pháp phòng dịch khi cho 19 quận, huyện chưa ghi nhận ca nhiễm cộng đồng (từ ngày 6-9) được phép mở cửa cơ sở kinh doanh văn phòng phẩm, sách, thiết bị, đồ dùng học tập; cơ sở sửa chữa phương tiện giao thông, điện tử, điện lạnh và đồ gia dụng. Các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống cũng được hoạt động, song chỉ bán mang về, và đóng cửa trước 21 giờ hàng ngày.
Bình luận (0)