Trong ngày 19-8, rất nhiều bạn đọc đã gửi thư, chia sẻ về Báo Người Lao Động bày tỏ phẫn nộ và đề nghị khởi tố tài xế từ chối vận chuyển, bỏ mặc sản phụ sinh con dọc đường dẫn đến cái chết thương tâm của cháu bé sau khi vừa chào đời.
Quá đau lòng
Sản phụ bị bỏ giữa đường là chị Vy Thị Yến (SN 1987; ngụ huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước). Chị Yến đang được theo dõi sức khỏe tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước) trong tình trạng sức khỏe yếu, sốc nặng.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, anh Vy Văn Huấn (anh của sản phụ Yến) kể sáng 17-8, chị Yến (mang thai được hơn 7 tháng) bị đau bụng dữ dội, có dấu hiệu sinh con nên gia đình thuê chiếc xe 7 chỗ của ông Nguyễn Đức Nhạc (51 tuổi; ngụ xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng) chở đến Trạm Y tế xã Thống Nhất. Tại đây, các nữ hộ sinh yêu cầu chuyển sản phụ Yến lên tuyến trên. Ông Nhạc tiếp tục chở vợ chồng chị Yến lên Bệnh viện Đa khoa Đồng Xoài (TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, cách trạm y tế khoảng 50 km) nhưng đi được khoảng 5 km thì chị Yến trở dạ nên ông Nhạc dừng xe, yêu cầu 2 người bước xuống. Sau đó, ông Nhạc lấy một tấm ni-lông trải ở lề đường để chị Yến nằm rồi lái xe bỏ đi. Trong lúc chồng chị Yến gọi cho người nhà và điện báo trạm y tế xã ra hỗ trợ thì chị Yến sinh con. Do thiếu sự can thiệp kịp thời nên đến khi nhân viên y tế tới nơi thì cháu bé đã tử vong.
"Có lẽ do kiêng kỵ, không muốn phụ nữ đẻ trên xe của mình nên ông Nhạc đuổi em gái tôi xuống. Lúc đó đường còn ướt vì vừa có mưa mà ông ấy vẫn để em tôi nằm giữa đường. Giá mà ông ấy chở đến trạm y tế để em tôi sinh thì đứa bé có lẽ không mất" - anh Huấn bày tỏ bất bình.
Còn theo anh Mai Đình Sắc (chồng chị Yến), sau khi xảy ra vụ việc bị dư luận chỉ trích, ông Nhạc đã đến gia đình xin lỗi và bồi thường 50 triệu đồng. "Tôi cũng nghĩ là tài xế sợ dơ xe hoặc kiêng cữ gì đó nên mới bảo vợ chồng tôi xuống. Lúc đó tôi đang hoảng, lo lắng cho vợ nên tôi không nói gì" - anh Sắc nói.
Chị Vy Thị Yến đang được theo dõi sức khỏe tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Xoài. Ảnh: BÁCH VIỆT
Không thể chấp nhận
Ông Trần Quốc Tuấn, Chủ tịch UBND xã Thống Nhất, cho biết ngay sau khi sự việc xảy ra, chính quyền địa phương đã đến thăm hỏi, động viên gia đình sản phụ. Ông Tuấn cũng xác nhận: "Gia đình sản phụ đã chấp nhận lời xin lỗi của tài xế. Họ không yêu cầu cơ quan chức năng xử lý như thế nào cả".
Dư luận cho rằng nếu đúng như thông tin phản ánh thì cách hành xử của tài xế Nhạc là không thể chấp nhận được, có dấu hiệu phạm tội phải xử lý hình sự dù gia đình không có yêu cầu hay bãi nại.
Liên quan vấn đề pháp lý, luật sư Lê Quang Vũ (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng nếu muốn làm rõ đến cùng sự việc, gia đình nên đề cập rõ mong muốn, nguyện vọng đến cơ quan có thẩm quyền, cụ thể là cơ quan công an. Từ đó, cơ quan chức năng sẽ điều tra làm rõ, xem xét về căn cứ khởi tố hình sự. "Với sự hợp tác từ phía gia đình, cơ quan công an có thể tiến hành xác minh nguyên nhân cháu bé tử vong (do tài xế bỏ rơi dẫn đến hậu quả không cấp cứu kịp thời hay còn nguyên nhân khác?); ý chí của tài xế khi vụ việc xảy ra… Nếu có đủ căn cứ chứng minh nguyên nhân chính khiến cháu bé tử vong là do tài xế từ chối đưa sản phụ đi bệnh viện hay tài xế thừa nhận tội lỗi thì pháp luật có thể xem xét yếu tố hình sự trong hành vi vô ý làm chết người" - luật sư Vũ nhấn mạnh.
Theo các luật sư, ngoài tội "Vô ý làm chết người" quy định tại điều 128 Bộ Luật Hình sự 2015 (mức phạt là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm) như luật sư Vũ đề cập, trong trường hợp này, hành vi của tài xế Nhạc phạm vào tội "Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng" theo quy định của điều 132 Bộ Luật Hình sự năm 2015. Theo tội danh này, người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Tài xế Nguyễn Đức Nhạc: "Tôi hoảng quá nên mới dừng xe"
Tối 19-8, ông Nguyễn Đức Nhạc giải thích với phóng viên Báo Người Lao Động về lý do ông yêu cầu sản phụ xuống xe, đẻ dưới đường: "Lúc đó thú thật là tôi run lắm. Cô ấy bắt đầu đẻ trên xe tôi rồi. Tôi thấy máu, tay tôi lái xe không nổi. Tôi hoảng quá nên mới dừng xe lại rồi lấy áo mưa trải xuống đường và bảo chồng cô ấy bế cô ấy xuống nằm đẻ. Thực sự là do tôi mất bình tĩnh không dám lái xe tiếp chứ không phải tôi sợ dơ xe hay kiêng kỵ, mê tín gì đâu. Xe tôi trước đây từng chở 2 người bị chết rồi mà".
Ông Nhạc còn cho biết trong ngày 19-8, Công an xã và Công an huyện Bù Đăng đã lấy lời khai đối với ông. Ông cũng đã đến xin lỗi, hỗ trợ gia đình nạn nhân 50 triệu đồng.
Bình luận (0)