Không nghi ngờ sao được khi người ký quyết định chính là Tổng Giám đốc ACV Lê Mạnh Hùng vào thời điểm còn 1 tháng nữa ông nghỉ hưu. Những vị trí lãnh đạo được bổ nhiệm đó nằm khắp các cảng hàng không từ Nam chí Bắc, trong khi đây là doanh nghiệp cổ phần khổng lồ, có đến hơn 95% vốn của nhà nước. Với một doanh nghiệp cỡ này, từng vị trí lãnh đạo phải được đào tạo, thử thách qua bao nhiêu thời gian, qua quá trình xét duyệt lâu dài... chứ nào phải là nhân viên quèn đâu mà đùng một cái vung tay đặt để hàng loạt!
Bổ nhiệm tốc hành như trường hợp trên không phải hiếm. Có đại biểu Quốc hội từng đề cập thực trạng này bằng cụm từ "hoàng hôn nhiệm kỳ" hoặc "chuyến tàu vét". Ngay trong những ngày này, Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa đề nghị kỷ luật ông Lê Như Tuấn, nguyên Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, và các phó giám đốc về việc bổ nhiệm nhiều cán bộ sai quy định trước khi về hưu. Thanh Hóa đã phải thu hồi các quyết định bổ nhiệm sai.
Khi vụ việc bị phát hiện, ai cũng biện hộ rằng bổ nhiệm đúng quy trình, đã thông qua các cấp, các phòng - ban đã nghiên cứu kỹ càng. Nhưng quy trình ấy do ai lập ra? Ai có quyền ký và những người được bổ nhiệm "dại" gì mà lên tiếng?! Ý chí áp đặt là của một người nhưng khi vỡ lở thì đổ cho tập thể là màn phổ biến hiện nay.
Nói thật, không ai tốt bụng ban tước quyền cho nhiều người khác đến vậy. Dù không công khai nhưng mỗi chiếc ghế trong các cơ quan, doanh nghiệp đều được tính toán cụ thể, bố trí kỹ càng. Bởi về hưu nhưng lãnh đạo vẫn muốn duy trì quyền lực, bảo vệ lợi ích để tiếp tục duy trì danh lợi. Minh chứng là vừa qua, nhiều địa phương đã phát hiện cán bộ lãnh đạo bố trí hàng loạt người nhà, họ hàng vào bộ máy nhà nước.
Chiếc ghế trong cửa công có giá bao nhiêu? Vì có người ra giá nên người khác mới chạy? Ngay cả chạy một chân dạy học hợp đồng ở một tỉnh cao nguyên như Đắk Lắk còn tốn cả trăm triệu đồng mà hiện nay tỉnh này đang gian nan giải quyết thì huống gì là những chiếc ghế quyền lực hơn, béo bở hơn.
Cán bộ khi đã mua ghế thì đừng ai hy vọng vào tinh thần phục vụ người dân, làm giàu cho cộng đồng của họ. Bỏ tiền ra mua ghế thì tất nhiên phải lấy lại và kiếm lợi hơn rất nhiều lần. Lợi này họ thu lại từ đâu nếu chẳng phải từ túi của những người mà họ phục vụ - người dân?
Quy định nghe qua rất chặt chẽ nhưng việc bổ nhiệm ồ ạt khi sắp cắp nón nghỉ hưu càng ngày càng phổ biến, được ngụy trang dưới vỏ bọc đúng quy trình dễ dàng đi qua lỗ hổng kiểm soát quyền lực kém hiệu quả tại nhiều cơ quan công quyền.
Bình luận (0)