Ngày 13-11, tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 10, Quốc hội (QH) đã biểu quyết thông qua nhiều dự án luật quan trọng, trong đó có Luật Cư trú.
Thu hồi dần sổ hộ khẩu
Với đa số đại biểu (ĐB) QH biểu quyết tán thành, QH thông qua Luật Cư trú (sửa đổi). Luật gồm 7 chương, 38 điều và sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2021. Theo quy định, sau khi luật có hiệu lực thi hành thì sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú cho đến hết ngày 31-12-2022. Trường hợp thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khác với thông tin trong cơ sở dữ liệu về cư trú thì sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu về cư trú.
Tuy ủng hộ phương thức quản lý cư trú mới song nhiều ĐB cho rằng từ nay đến khi Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực vào tháng 7-2021, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có thể vẫn chưa hoàn thiện, chưa vận hành thông suốt. Do vậy, người dân cần được tiếp tục dùng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy đến hết năm 2022 để chứng minh nơi cư trú, giải quyết các thủ tục hành chính khi cần thiết.
Trước ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ QH đã gửi phiếu thăm dò ý kiến ĐB về thời gian hiệu lực của sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy. Kết quả lấy phiếu cho thấy 266 ĐB đồng ý phương án cho phép người dân được tiếp tục sử dụng các loại giấy tờ nêu trên đến hết năm 2022, 135 ĐB đồng ý đến ngày 1-7-2021. Thường vụ QH đã chỉnh sửa dự thảo luật theo ý kiến đa số.
Ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH, cho biết việc kéo dài hiệu lực của sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy đến năm 2022 nhằm tránh làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, gây phiền phức cho người dân; đồng thời tránh tạo áp lực lớn cho cơ quan quản lý, đăng ký cư trú tại thời điểm luật mới có hiệu lực thi hành.
Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký, khai báo về cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp; đồng thời điều chỉnh, cập nhật thông tin trong cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của luật này và không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú. Khi Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành có nội dung quy định liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hoặc có yêu cầu xuất trình giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định. QH yêu cầu hạn chế việc sử dụng thông tin về nơi cư trú là điều kiện để thực hiện các thủ tục hành chính.
Quốc hội thông qua các dự án luật chiều 13-11Ảnh: Nguyễn Nam
Bảo vệ quyền lợi người lao động
Cùng ngày, sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), QH đã biểu quyết thông qua luật với đa số phiếu tán thành. Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) quy định các chính sách của nhà nước về người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó khuyến khích nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động, phát huy và sử dụng hiệu quả nguồn lao động sau khi đi làm việc ở nước ngoài trở về.
Ngoài ra, luật cũng có quy định bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân Việt Nam trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Bảo đảm bình đẳng giới, cơ hội việc làm, không phân biệt đối xử trong tuyển chọn, bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; có biện pháp hỗ trợ, bảo vệ người lao động làm việc ở nước ngoài phù hợp với các đặc điểm về giới.
Các quyền, nghĩa vụ của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cũng được quy định rõ trong luật như: quyền được cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật; được tư vấn, hỗ trợ để thực hiện quyền, nghĩa vụ và hưởng lợi ích trong hợp đồng lao động, hợp đồng đào tạo nghề; hưởng tiền lương, tiền công, chế độ khám bệnh, chữa bệnh, BHXH, bảo hiểm tai nạn lao động, chế độ và quyền lợi khác theo hợp đồng lao động; chuyển về nước tiền lương, tiền công, thu nhập và tài sản hợp pháp khác của cá nhân theo quy định của pháp luật. Người lao động được bảo hộ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng trong thời gian làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phù hợp với pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước tiếp nhận lao động, pháp luật và thông lệ quốc tế. Người lao động được bảo vệ khi đơn phương chấm dứt hợp đồng nếu bị người sử dụng lao động ngược đãi, cưỡng bức lao động hoặc có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe hoặc bị quấy rối tình dục trong thời gian làm việc ở nước ngoài…
Không cắt điện, nước để cưỡng chế vi phạm hành chính
Cùng ngày, QH thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính với 446/453 (92,53%) ĐB tán thành. Theo đó, QH thống nhất không bổ sung phương án cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính bằng biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước. Cũng trong chương trình làm việc ngày 13-11, QH đã biểu quyết thông qua Luật Thỏa thuận quốc tế, biểu quyết thông qua Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc, biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2021.
Bình luận (0)