Theo báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016 vừa công bố, số lượng cấp phó tại các bộ, ngành và địa phương có vượt so với quy định trong một số thời điểm, tại một số tổ chức; đặc biệt, còn mất cân đối giữa số lượng người giữ chức danh lãnh đạo, quản lý và số công chức tham mưu.
Tính đến ngày 31-12-2016, một số tổ chức có số lượng cấp phó vượt so với quy định như: Bộ Giao thông Vận tải có Cục Quản lý xây dựng đường bộ (4 phó), Cục Quản lý đường bộ cao tốc (4 phó); Bộ Công Thương có Cục Công nghiệp địa phương, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Quản lý thị trường (4 phó).
Bộ Tài chính có một số vụ, đơn vị thuộc Bộ có số lượng Phó Vụ trưởng vượt quá quy định (Vụ Pháp chế: 5, một số vụ - đơn vị khác: 4) và số lượng phó giám đốc sở hoặc tương đương, phó phòng cấp huyện ở một số địa phương vượt quá quy định của Chính phủ như: Hải Dương, Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Lai Châu, Thừa Thiên - Huế, Bạc Liêu…
Trụ sở Bộ Tài chính - Ảnh: Huy Thanh
Đáng chú ý, theo số liệu báo cáo của Chính phủ, Bộ Tài chính đến thời điểm tháng 12-2016 có 5 Tổng cục và tổ chức tương đương thuộc Bộ. Bộ Tài chính hiện là đơn vị có nhiều cục trưởng nhất với 181 cục trưởng, 423 cục phó, 63 vụ trưởng và 239 phó vụ trưởng.
Số lượng trưởng phòng, phó phòng và tương đương ở Bộ Tài chính cũng khiến nhiều người giật mình với con số lên tới hơn 9.100 biên chế.
Xếp sau Bộ Tài chính là Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) với 63 cục trưởng, 124 cục phó; Bộ Tư pháp có 57 cục trưởng và 134 cục phó và tương đương.
Báo cáo của Chính phủ đánh giá đến nay, tổ chức bộ máy bên trong của một số Bộ, cơ quan ngang Bộ vẫn còn biểu hiện cồng kềnh, còn tầng nấc trung gian. Ngoài ra, chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cơ quan hành chính nhà nước, tuy đã cơ bản khắc phục được sự chồng chéo nhưng trên một số lĩnh vực vẫn còn giao thoa, đan xen hoặc phân công chưa thực sự phù hợp hoặc chưa đủ rõ, dẫn đến khó xác định trách nhiệm khi có vấn đề xảy ra.
Về công tác tinh giản biên chế, báo cáo của Chính phủ cho biết đa số các Bộ, ngành, địa phương chưa phê duyệt Đề án tinh giản biên chế đến năm 2021 và chưa xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế của Bộ, ngành, địa phương mình từ năm 2015-2021 và của từng năm, dẫn đến tình trạng đề xuất giải quyết chính sách tinh giản biên chế không theo quy định.
Đồng thời, mới chỉ tập trung tinh giản biên chế mà không chú trọng việc cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức theo đề án vị trí việc làm. Một số Bộ, ngành, địa phương thực hiện tinh giản biên chế chưa đúng theo trình tự quy định; đưa vào diện tinh giản biên chế đối với một số trường hợp không thuộc đối tượng tinh giản.
Người hoạt động không chuyên trách tăng mạnh
Nội dung báo cáo, đến tháng 12-2016, số cán bộ, công chức cấp xã và số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố hưởng lương từ ngân sách nhà nước là gần 1,3 triệu người. Trong đó, cán bộ, công chức cấp xã là 234.227 người; người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã là 200.923 người. Số còn lại là người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố lên tới 837.657 người.
Đáng chú ý, chỉ từ tháng 7-2016 đến 12-2016, người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố đã tăng mạnh từ 729.509 lên 837.657 (tăng 108.148 người trong vòng 5 tháng). Cùng với đó, ngân sách phụ cấp chi hàng năm cho nhóm người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố là 12.778,407 tỉ đồng.
Chính vì vậy, Chính phủ đề xuất tăng mức phụ cấp kiêm nhiệm từ mức 20% như hiện nay lên mức 50% đối với cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố để khuyến khích việc kiêm nhiệm các chức danh.
Ngoài ra, hiện nay có 11 địa phương sử dụng vượt 7.951 biên chế so với số biên chế công chức được Bộ Nội vụ giao: Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Hải Dương, Thanh Hóa, Bình Thuận, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Long An.
Bình luận (0)