Ngày 12-11, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng tiếp tục trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội. Trước đó, vào chiều 11-11, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã làm rõ các vấn đề liên quan đến lĩnh vực kế hoạch - đầu tư mà các đại biểu chất vấn, trong đó có việc xem xét tăng bội chi và nới trần nợ công trong bối cảnh cần triển khai nhiều gói hỗ trợ, kích thích để phục hồi kinh tế.
Tranh luận với Bộ trưởng Bộ KH-ĐT sáng 12-11, đại biểu Lê Minh Nam (đoàn Hậu Giang) cho rằng cần cẩn trọng khi tính toán việc tăng bội chi và nới trần nợ công. Theo vị đại biểu, cần có đánh giá kỹ lưỡng về khả năng hấp thụ vốn đầu tư công và các yếu tố khác trước khi đi đến quyết định tăng bội chi, nới trần nợ công.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội - Ảnh: Nhật Bắc
Theo ông Lê Minh Nam, nợ công năm 2021 ước tính 44% GDP, ở mức thấp, nhưng con số này là do điều chỉnh tăng GDP theo cách tính mới. "Việc này tạo cảm giác còn dư địa tăng nợ công nhưng thực chất không hoàn toàn như vậy"- vị đại biểu nói và cho rằng, phải ưu tiên kiểm soát nợ công để đảm bảo an ninh tài chính và các cân đối vĩ mô.
Vị đại biểu tỉnh Hậu Giang cho rằng, trước khi tính đến kịch bản tăng nợ công và bội chi, nên tính đến sử dụng các gói kích cầu, chính sách tài khóa, tiền tệ hợp lý nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng thu ngân sách, giảm bội chi. Đồng thời, tăng cường quản trị nguồn lực hiện có, đặc biệt đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Làm rõ thêm vấn đề đại biểu tranh luận, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT nhấn mạnh việc xây dựng chương trình phục hồi kinh tế đã được tính toán thận trọng, lưu ý kỹ vấn đề tăng bội chi và nợ công cũng như khả năng hấp thụ của nền kinh tế để không phá vỡ an toàn tài chính chung. Theo Bộ trưởng, các giải pháp phục hồi, gói hỗ trợ phải được tính toán kỹ, vừa đảm bảo mục tiêu phục hồi kinh tế nhưng cũng phải an toàn tài chính.
Trong phiên chất vấn sáng nay, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã tham gia làm rõ nội dung đại biểu nêu về việc Chính phủ dự kiến bổ sung 2 tỉ USD cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long để thực hiện chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu trong vùng.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tham gia làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội nêu tại phiên chất vấn - Ảnh: Quochoi.vn
Về số vốn bổ sung 2 tỉ USD, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu rõ, Ngân hàng Thế giới cam kết với Chính phủ sẽ cho vay 2 tỉ USD và lãnh đạo Chính phủ cho biết sẽ đầu tư vào Đồng bằng sông Cửu Long.
"Tuy nhiên, 2 tỉ USD này không phải vay cho ngân sách, mà cho vay để đầu tư dự án. Muốn đầu tư dự án thì quy hoạch phải được phê duyệt, khi đó mới lập được dự án, tiếp được khoản vay và ký hiệp định vay"- Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói và đề nghị cần lập dự án trong tình trạng khẩn cấp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét để giải ngân được sớm.
Về việc chậm phê duyệt quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã được một số đại biểu đề cập và chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng vào chiều 11-11. Bộ trưởng cũng đã trả lời làm rõ và cho biết Bộ KH-ĐT đã chủ trì làm việc với tư vấn quốc tế để xây dựng quy hoạch hoạch công phu, bài bản, hoàn tất từ cuối năm 2020 và hiện đang trình Chính phủ thẩm định, xem xét.
"Chính phủ, Thủ tướng và Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã có chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện một bước nữa để sớm phê duyệt trong thời gian tới, làm cơ sở để thực hiện các dự án tiếp theo"- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay.
Về việc bổ sung thêm 2 tỉ USD cho Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, đây là khoản đã được Chính phủ khóa trước cam kết đầu tư thêm vào cơ sở hạ tầng khu vực để thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, Bộ trưởng nêu rõ việc này liên quan tới nhiều vấn đề, như nhà tài trợ, quy trình, thủ tục pháp lý. Các bộ, ngành đang xem xét vấn đề thể chế pháp luật, cụ thể là tiếp cận theo dự án hay theo chương trình để tiến hành quy trình, thủ tục.
Bình luận (0)