Chiều 6-11, tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lê Tất Hiếu (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết Quy hoạch điện VIII có nội dung ưu tiên và có chính sách đột phá để thúc đẩy phát triển điện mặt trời áp mái nhà của người dân và mái công trình xây dựng, nhất là các khu vực có nguy cơ thiếu điện như miền Bắc và điện mặt trời tự sản, tự tiêu.
ĐBQH Lê Tất Hiếu đặt câu hỏi chất vấn
Theo ĐB Lê Tất Hiếu, từ nay đến năm 2030, loại hình nguồn điện này được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất với điều kiện giá thành hợp lý và tận dụng đĩa đệm sẵn có, không phải nâng cấp. Theo các dự báo của Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, mùa hè năm 2024 tiếp tục xảy ra nắng nóng, khô hạn kéo dài, nguy cơ thiếu điện miền Bắc rất cao. Do đó, việc xây dựng, bổ sung nguồn điện mặt trời là một trong những giải pháp có thể thực hiện nhanh để cấp bổ sung nguồn điện cho miền Bắc.
Tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu trong khu công nghiệp nhưng không thực hiện được do thiếu cơ chế chính sách, hành lang pháp lý. ĐB Lê Tất Hiếu đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết kế hoạch ban hành các cơ chế, chính sách để có hành lang pháp lý phát triển điện mặt trời mái nhà?
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết trong Quy hoạch điện VIII, năng lượng tái tạo ở mức cao (tổng nguồn năng lượng tái tạo không kể thủy điện chiếm 28,5% cơ cấu so với tổng nguồn), như vậy ngoài nỗ lực của Việt Nam, rất cần sự hỗ trợ của quốc tế.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn
Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết cơ cấu năng lượng tái tạo ở Việt Nam cao hơn nhiều nước phát triển, có trình độ công nghệ phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực lưới điện thông minh và lưu trữ điện (ở mức 20%).
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, để thực hiện được Quy hoạch điện VIII cần đầu tư hệ thống lưới điện thông minh, đầu tư phát triển hệ thống lưu trữ điện; đồng thời thúc đẩy thị trường điện ở cả 3 cấp độ: phát điện cạnh tranh, bán buôn điện cạnh tranh và bán lẻ điện cạnh tranh. Biểu giá bán lẻ cũng cần nghiên cứu hiệu quả hơn, trong đó nhiệt điện và thủy điện có biểu giá cao để có thể bù đắp cho điện năng lượng tái tạo khi thực hiện hệ thống điện tự sản, tự tiêu hoặc huy động nguồn năng lượng tái tạo, nhất là điện gió, điện mặt trời, huy động đầu tư; xây dựng và ban hành cơ chế mua bán điện trực tiếp; thúc đẩy phát triển các loại thị trường điện.
Hiện, Bộ Công Thương đã và đang trình Chính phủ ban hành nghị định phát triển điện mặt trời áp mái, nếu Chính phủ cho phép chủ trương xây dựng nghị định, Bộ Tư pháp sẽ xây dựng theo quy trình. Việc phát triển điện mặt trời áp mái không giới hạn là cho sau này, các dự án điện mặt trời áp mái phải không áp lực lên lưới điện.
"Phát triển điện mặt trời mái nhà không giới hạn công suất trong bối cảnh công nghệ phát triển, các nhà đầu tư điện mặt trời mái nhà không gây áp lực lên lưới truyền tải. Nếu không có nguồn điện nền ổn định (chiếm 80-85%) thì không quốc gia nào phát triển vô hạn năng lượng tái tạo, nhất là điện mặt trời" - Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đang xây dựng cơ chế mua bán điện trực tiếp.
Bình luận (0)