Chiều nay 10-11, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Đào Ngọc Dung đã trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. Ông là thành viên Chính phủ thứ hai trả lời chất vấn tại kỳ họp này.
Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn
Trả lời đại biểu Quốc hội Vương Thị Hương (Hà Giang) về việc vừa qua có tỉnh phát nhầm gói hỗ trợ cho hơn 22.000 người. Bộ trưởng có biết không và xử lý thế nào?, Bộ trưởng LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung khẳng định vấn đề thực sự không phải là phát nhầm và nhận nhầm với con số lớn như vậy.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đính chính thông tin đại biểu nêu ra. Theo đó, sau khi có dư luận báo chí, Bộ trưởng đã trao đổi với Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương và cử một Thứ trưởng của Bộ LĐ-TB-XH cùng đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vào Bình Dương làm việc. Kết quả xác minh cho thấy chỉ có 1.490 trường hợp nhận tiền hỗ trợ sai đối tượng.
Đây là chính sách hỗ trợ với người phải thuê trọ của tỉnh Bình Dương với mức 800.000 đồng/người. Chính cơ quan chức năng của tỉnh Bình Dương đã phát hiện số lượng đăng ký lớn, đáng nghi ngờ và rà soát ra số lượng 22.900 hồ sơ trùng lặp. Đến khi phát hiện ra mới chỉ chi số tiền 1,6 tỉ đồng cho 1.490 trường hợp.
"Tuy nhiên sau khi biết không thuộc đối tượng được nhận hỗ trợ, đến nay tất cả các cá nhân đã hoàn trả đầy đủ 1,6 tỉ đồng"- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay.
ĐB Vương Thị Hương cũng đặt vấn đề những người nghỉ hưu trước năm 1995 đã cao tuổi, lương hưu thấp, nhiều người chật vật mưu sinh. Đây là nhóm người dễ bị tổn thương bởi dịch bệnh. Bộ trưởng tham mưu để giải quyết vấn đề này như thế nào?
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết vừa qua phải dừng cải cách tiền lương, nhưng trong đề xuất của Chính phủ vẫn cho phép điều chỉnh lương hưu, nhất là những người về hưu trước năm 1995 và người có lương hưu thấp.
Hiện nay Chính phủ đang lấy phiếu các thành viên, sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định vấn đề này. Trước đây, dự kiến 1-7-2022 sẽ điều chỉnh lương hưu, nhưng do dịch bệnh khiến đời sống người hưởng lương hưu khó khăn, Bộ đề xuất Chính phủ điều chỉnh sớm hơn, từ ngày 1-1-2022. Mức điều chỉnh dự kiến là 7,4%. Tổng kinh phí điều chỉnh lương hưu là 12.650 tỉ đồng.
"Chúng tôi phấn đấu đến 1-1-2022, người về hưu được hưởng chính sách mới"- Bộ trưởng LĐ-TB-XH nói.
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP HCM, về hiện tượng "bán" sổ bảo hiểm xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết về bản chất đây là việc người lao động rút tiền hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Theo Bộ trưởng, có 3 việc căn cơ cần làm là phải chăm sóc căn cơ cho đời sống người lao động vì việc này hầu hết xảy ra với công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn, có biến cố, tình trạng éo le, "vì nếu đời sống đảm bảo không ai "bán" sổ như vậy cả". Sau nữa là phải tuyên truyền để người lao động nhận thức về việc phải cố gắng giữ sổ bảo hiểm xã hội để có khoản lương hưu khi về già.
Ngoài ra, cần tổng kết Nghị quyết 93/2015/QH13 để thực hiện Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội về việc hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần. Bộ LĐ-TB-XH đang phấn đấu để năm 2022 trình dự thảo quy định để điều chỉnh việc này.
Bình luận (0)