Sáng nay 8-11, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Mạnh Hùng đăng đàn trả lời chất vấn. Nội dung trả lời chất vấn xoay quanh các nhóm vấn đề về công tác quản lý, cấp phép trong lĩnh vực báo chí, phát thanh, truyền hình; cấp. Bên cạnh đó là công tác quản lý thông tin điện tử, mạng xã hội; quản lý quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng và ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng Chính phủ điện tử.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn sáng ngày 8- 11 - Ảnh chụp qua màn hình
Trả lời chất vấn của đại biểu (ĐB) Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) về vấn đề thi hành Luật An ninh mạng cũng như những kết quả đã đạt được như thế nào kể từ thời điểm luật có hiệu lực, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Việt Nam đã giải quyết những vấn nạn trên không gian mạng trước cả khi có Luật An ninh mạng, bởi đã có những căn cứ pháp lý khác.
Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2019, khi Luật An ninh mạng có hiệu lực, Việt Nam đã giải quyết các vấn nạn này một cách mạnh mẽ hơn. Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, hiện còn thiếu khoảng 6 điều khoản của Luật An ninh mạng cần được cụ thể hóa thông qua các Nghị định. "Chúng ta có dừng để đợi những Nghị định này không, chúng tôi khẳng định là không dừng mà triển khai mạnh hơn nhiều" - Bộ trưởng Bộ TT-TT nói.
Dẫn chứng một vài kết quả nổi bật từ khi Luật An ninh mạng có hiệu lực, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng kết quả làm việc giữa cơ quan quản lý nhà nước với các nền tảng xuyên biên giới như Google, Faebook... đã khả quan hơn rất nhiều.
Nếu như trước đây, phía Việt Nam yêu cầu Facebook xử lý 100 vấn đề, thì ho chỉ thực hiện khoảng 20, tuy nhiên sau khi có Luật An ninh mạng, con số này đã nâng lên 70. Đối với Google cũng vậy, nếu như tỉ lệ giải quyết các yêu cầu trước đầu chỉ đạt 40% thì nay đã nâng lên 85%. "Tôi ví dụ như nội dung gỡ các game xấu độc, các game đánh bạc, thì tỉ lệ ngăn chặn của Google đã lên tới tỉ lệ 92%" - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay.
Người đứng đầu Bộ TT-TT cho biết thêm cách đây 2 ngày, Facebook cũng đã tuyên bố chặn quảng cáo chính trị đối với 21 trang chống phá nhà nước Việt Nam, trong đó có cả những trang mà Chính phủ Việt Nam thông báo là khủng bố.
Liên quan đến vấn đề sim rác mà các ĐB chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Bộ TT-TT đã thay đổi cách quản lý, xử lý tình trạng này và sẽ có đột phá. Nếu như trước đây, cách xử lý sim rác là tập trung vào các đại lý, điểm bán sim, thì nay Bộ TT-TT chuyển sang quản lý các nhà mạng, quy trách nhiệm cho Chủ tịch, Tổng giám đốc các nhà mạng.
"Hiện các quy định của pháp luật chỉ phạt đến vài chục triệu đồng mà nhà mạng doanh thu hàng trăm ngàn tỉ nên Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo bộ ra quy định nếu còn sim rác thì sẽ không cấp phép các dịch vụ mới" - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói và nhấn mạnh quy định này đã mang lại kết quả tích cực. Theo đó, chỉ trong tháng 10 vừa qua, 24 triệu sim không có thông tin được kích hoạt trước để bán cho khách hàng đã được chặn lọc, chỉ còn khoảng 6 triệu, bước đầu giảm được 75%.
Nghiên cứu xây dựng quy định độ tuổi sử dụng Smartphone
ĐB Lê Công Nhường (Bình Định) lo ngại việc trẻ em hiện nay sử dụng smartphone quá nhiều, trong khi đó các nước trên thế giới đã nhận ra nguy cơ này để cảnh báo, có các biện pháp kịp thời, còn phía Bộ TT-TT có giải pháp gì hay không?
Trả lời chất vấn của ĐB, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng dẫn số liệu mỗi người người Việt Nam dành thời gian từ 2,5 đến 3 giờ đồng hồ/ngày trên mạng xã hội. Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia có tỷ lệ người dân sử dụng nhiều smartphone và mạng xã hội cao.
Bộ trưởng Bộ TT-TT cho rằng đối với trẻ em, bộ sẽ nghiên cứu để đưa ra các khuyến nghị trong việc sử dụng smartphone, tham gia không gian mạng. Bộ cũng sẽ tiếp cận theo hướng như một số nước trên thế giới đã thực hiện như quy định độ tuổi được sử dụng smartphone hay hạn chế thời gian chơi game trên điện thoại.
Bình luận (0)