Chiều 1-12, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11-2017, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Trần Hồng Hà đã có trả lời báo chí xung quanh Thông tư 33/2017 quy định chi tiết Nghị định số 01/2017; sửa đổi, bổ sung một số nghị định và các thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (có hiệu lực từ ngày 5-12) quy định: "ghi tên hộ gia đình" vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ).
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà - Ảnh: Nhật Bắc
Trả lời cầu hỏi báo chí về việc Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) của Bộ Tư pháp) đề nghị tạm lùi thời gian thực hiện Thông tư số 33 do liên quan đến quy định "ghi tên hộ gia đình" vào sổ đỏ, Bộ trưởng TN-MTTrần Hồng Hà cho hay Bộ Luật Dân sự không còn khái niệm hộ gia đình. Vì vậy, cùng với thời gian, cần phải quy định rõ hơn quyền hạn của từng cá nhân đối với đất đai và tài sản chung.
Theo ông Trần Hồng Hà, hiện nay tranh chấp về quyền sử dụng đất trong hộ gia đình khi thực hiện các giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất hết sức nhức nhối. Nhiều tranh chấp gia đình đã xảy ra, cũng như xử lý vấn đề nợ xấu của ngân hàng, tòa án không thể phát mại được.
"Trong quá trình triển khai Luật Đất đai, Bộ TN-MT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ TN-MT sớm ban hành thông tư hướng dẫn cụ thể quy định của Luật Đất đai, Bộ Luật Dân sự"- ông Trần Hồng Hà phân trần.
Theo Bộ trưởng, quá trình xây dựng Thông tư 33, Bộ xác định đây là vấn đề hết sức phức tạp và đã thực hiện theo đúng quy trình.
Vì vậy quá trình xây dựng hết sức thận trọng và Bộ đã lấy ý kiến các bộ, ngành có liên quan, các địa phương có liên quan và thực hiện rất nhiều hội nghị, hội thảo vấn đề này. Thực tế, xây dựng thông tư diễn ra trong vòng 2 năm, mặc dù như ý kiến Bộ Tư pháp là quá chậm.
"Nhưng đúng là Thông tư 33 quy định thiếu rõ ràng, dẫn đến cách hiểu khác nhau, hiểu không chính xác khái niệm "hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất được nêu trong Luật Đất đai" và "hộ gia đình sử dụng đất" đồng nhất với khái niệm hộ gia đình trong sổ hộ khẩu như cách hiểu phổ biến trong xã hội hiện nay"- Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận.
Người đứng đầu ngành TN-MT giải thích thêm trên thực tế Thông tư 33 chỉ điều chỉnh một trong 16 trường hợp về hình thức sở hữu được ghi trên sổ đỏ. Ở đây chỉ là hướng dẫn về cách ghi mang tính kỹ thuật đối với trường hợp hộ gia đình sử dụng đất chung theo Luật Đất đai, cơ bản là giải quyết các trường hợp phát sinh, trước khi có Luật Đất đai 2013.
Theo Luật Đất đai 2013, nếu cấp cho chủ thể hộ gia đình thì đã ghi đầy đủ các thành viên trong hộ gia đình.
Thông tư 33 này không phải thay thế Thông tư 23, chỉ sửa đổi một điều của Thông tư 23, mà chủ thể là các hộ gia đình sử dụng đất. Theo đó, quy định đối với các trường hợp chuyển tiếp, trước khi có Luật Đất đai 2013 thì việc giải quyết hoàn toàn do các hộ gia đình tự nguyện.
Trong trường hợp phát sinh các vấn đề, sự kiện pháp lý... thì cơ quan nhà nước mới thực hiện khi hộ gia đình có yêu cầu.
"Như tôi đã nói Thông tư 33 quy định không rõ ràng khiến nhiều người hiểu như vậy. Mong anh em phóng viên không hiểu đây là sự ngụy biện" - Bộ trưởng TN-MT chia sẻ.
Cũng theo ông Trần Hồng Hà, về tính pháp lý, việc ban hành Thông tư 33 hoàn toàn đúng quy định của pháp luật và cần thiết, cấp bách với cuộc sống. Nhưng thông tư ban hành còn có cách hiểu khác nhau, chưa rõ ràng, và trên thực tế, quy định của Luật Đất đai đã điều chỉnh về cơ bản việc cấp mới nên những vấn đề phát sinh đã có cơ chế hiện hành đang giải quyết được.
"Ngay hôm nay, chúng tôi đã thống nhất với Bộ Tư pháp, mà đại diện là Cục Kiểm tra VBQPPL, đây là văn bản cần thiết, nhưng khi còn có cách hiểu khác nhau, chưa đồng thuận... thì không tư này chưa đạt yêu cầu dẫn đến dư luận hoàn toàn đồng tình. Chúng tôi sẽ lùi hiệu lực của khoản 5 điều 6 của Thông tư 33 để làm công tác truyền thông để người dân nhận thức được lợi ích mang lại cho người dân cũng như bảo đảm các cơ sở pháp lý khi phát sinh các sự kiện pháp lý đối với người dân. Khi mọi người đều có cách hiểu thống nhất, cũng như chúng tôi tiên liệu được các vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện thì chúng tôi sẽ ban hành một văn bản bao trùm lên cả Thông tư 23 và 33"- ông Trần Hồng Hà khẳng định.
Thông tư 33/2017 có hiệu lực từ ngày 5/12, sửa đổi, bổ sung điểm c Khoản 1 Điều 5 theo hướng hộ gia đình sử dụng đất thì ghi "hộ gia đình, gồm ông/bà", sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của chủ hộ gia đình; địa chỉ thường trú của hộ gia đình.
Trường hợp chủ hộ gia đình không có quyền sử dụng đất (QSDĐ) chung của hộ gia đình thì ghi người đại diện là thành viên khác của hộ gia đình có chung quyền sử dụng của hộ gia đình.
Dòng tiếp theo ghi "cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất (hoặc cùng sử dụng đất hoặc cùng sở hữu tài sản) với… (ghi lần lượt họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của những thành viên còn lại trong hộ gia đình có chung QSDĐ, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất).
Như vậy, so với quy định cũ, Thông tư 33 đã bổ sung đối tượng "những thành viên còn lại trong hộ gia đình có chung QSDĐ, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất".
Bình luận (0)