Chiều nay 16-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Trần Hồng Hà trực tiếp trả lời chất vấn.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Tư pháp, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Công an; Tổng Thanh tra Chính phủ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn
Chất vấn Bộ trưởng TN-MT, ĐB Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên): Dư luận nêu việc đấu giá đất ở nhiều nơi diễn ra tình trạng bắt tay ngầm, nhà đầu tư trả giá trên trời rồi bỏ cọc, kết quả phiên đấu giá cao bất thường gấp nhiều lần giá khởi điểm - mà vụ đấu giá đất tại Thủ Thiêm (TP HCM) là điển hình. Điều này làm nhiễu loạn thị trường, tạo ra hiện tượng sốt đất ảo, thiết lập mặt bằng giá đất mới, gây mất trật tự an ninh xã hội. Bộ trưởng cho biết giải pháp để khắc phục trong thời gian tới?
ĐB Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) đề nghị đưa ra giải pháp để ngăn chặn tình trạng bong bóng bất động sản. "Theo bộ trưởng có nên hình sự hóa hành vi làm nhiễu loạn thị trường bất động sản hay không?".
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) chất vấn về đấu giá đất
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận thực tế như đại biểu nêu. Ông cho rằng tình trạng đấu giá đất không chỉ thổi giá mà còn dìm giá, rồi tình trạng "quân xanh quân đỏ". Đây là một điều hết sức bức xúc; ảnh hưởng của việc này là hết sức nghiêm trọng khi làm nhiễu loạn thi trường bất động sản và làm thất thoát tài sản của nhà nước, cùng với việc thổi giá lên tạo một mặt bằng giá mới đã làm ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống kinh tế.
"Nếu nói sâu xa thì đằng sau việc thổi giá còn rất nhiều hệ lụy, nhất là các ngân hàng, khi giá đấu giá là ảo nhưng có thể nhà đầu tư họ rút tiền ngân hàng là thật, sẽ ảnh hưởng đến anh ninh tiền tệ"- Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng cần có quy định, phương pháp, trình tự để đấu giá đất chặt chẽ hơn hiện nay. "Phải có chế tài mạnh mẽ hơn, nếu doanh nghiệp sau khi đấu giá xong rồi bỏ cọc thì phải bị xử lý, để lần sau họ không tham gia đấu giá được nữa. Như vậy mới đủ sức răn đe". Ông cũng đề nghị tăng cường thanh tra, kiểm tra để xử lý cơ quan công quyền và doanh nghiệp lợi dụng vấn đề đấu giá.
Về vấn đề "quân xanh quân đỏ" trong đấu giá đất, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng cũng cần phải nghiên cứu trong quá trình sửa Luật Đất đai. Theo Bộ trưởng hiện nay có 3 hình thức đấu giá. "bên cạnh làm sao để chọn cho được nhà đầu tư có năng lực thì quan trọng phải tăng cường kỉ cương, thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân sai phạm".
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu; Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội) tranh luận về đấu giá ở khu đô thị Thủ Thiêm. Đại biểu Hạ muốn Bộ trưởng Trần Hồng Hà làm rõ hơn quá trình điều tra, giám sát liên quan vụ việc này. "Có hiện tượng thổi giá để nâng giá trị cổ phiếu, đánh võng giá trị tài sản để vay ngân hàng không? Thực trạng sốt đất hiện nay là sốt ảo hay thật, và vi phạm thì có xử lý hình sự không?"- đại biểu Tạ Văn Hạ chất vấn.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết vụ đấu giá đất ở Thủ Thiêm Chính phủ đang giao cơ quan có trách nhiệm điều tra. Phương án mà Bộ Tài nguyên Môi trường đưa ra là người đấu giá xong phải trả tiền ngay trong 10 ngày, thay vì 90 ngày như trước đây, để cá nhân, tổ chức đấu giá thắng không đủ thời gian để trục lợi. Tiền đặt trước, đặt cọc hiện chỉ 5-10%, Bộ cũng sẽ xem xét tăng lên, đơn vị đấu giá phải chứng minh tài chính thông qua thẩm định của cơ quan có trách nhiệm...
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực TN-MT. Nội dung chất vấn, trả lời chất vấn sẽ tập trung vào các nội dung: Việc thực hiện nghị quyết về chất vấn và giám sát chuyên đề của Quốc hội liên quan đến quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị. Trách nhiệm và giải pháp ngăn chặn tình trạng lợi dụng việc trả giá trong các phiên đấu giá đất với mức giá vượt xa giá trị của thị trường để đẩy giá đất các khu vực lân cận lên cao nhằm mục đích trục lợi cá nhân; việc thực hiện các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, hứa mua, hứa bán về đất đai thời gian qua và việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực này.
Việc kiểm soát hoạt động xả thải của các nhà máy; xử lý chất thải công nghiệp. Vấn đề thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; chất thải liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19; vấn đề ô nhiễm nước thải, rác thải sinh hoạt và giải pháp đầu tư xây dựng nhà máy xử lý tại các địa phương.
Bình luận (0)