Tham dự hội nghị tổng kết công tác ngành công thương năm 2018 sáng 17-1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dành gần 1 giờ đồng hồ để đánh giá những kết quả của ngành trong năm qua, đồng thời chỉ rõ nhiều hạn chế, bất cập của ngành.
Thủ tướng điểm lại một số thành tích nổi bật của ngành trong năm qua như kim ngạch xuất khẩu (XK) cả nước đã đạt 245 tỉ USD, tăng 13,8% so với năm 2017, vượt xa chỉ tiêu được Quốc hội và Chính phủ giao. Bên cạnh đó, quy mô các mặt hàng XK tiếp tục mở rộng.
Trong năm 2018, thương mại nội địa tiếp tục giữ vững được đà tăng trưởng với tốc độ tăng tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ xã hội ở mức 2 con số (cả năm đạt gần 4,4 triệu tỉ đồng, tăng 11,7% so với năm 2017). Ngoài ra, một số nhiệm vụ như cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành, công tác quản lý thị trường... ngành đã nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các kết quả của ngành công thương, nhưng cũng chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế của ngành - Ảnh: TTXVN
Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế của ngành công thương trong năm qua. Trước hết là tính chủ động trong công tác điều chỉnh chiến lược ngành chưa cao, quy hoạch triển khai chậm như quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo, điện quốc gia.
"Ngành công nghiệp chưa phát triển đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa, chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn, đóng vai trò dẫn dắt. Tái cơ cấu ngành công nghiệp để tăng sức cạnh tranh còn chậm" - Thủ tướng chỉ rõ.
Ngoài ra, mức độ liên kết hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong 1 ngành, giữa các ngành với nhau còn nhiều hạn chế. Mối liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và khối FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) còn chưa đi vào chiều sâu, chưa tiếp cận và chuyển giao công nghệ, chưa tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo Thủ tướng, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng lậu còn tràn lan, gây bức xúc trong dư luận. Để xảy ra tình trạng này, Thủ tướng cho rằng lực lượng quản lý thị trường làm chưa tốt, người dân vẫn còn kêu ca nhiều trong khi cơ quan này đã được nâng cấp lên tổng cục. Mặc dù vậy, Thủ tướng cũng quán triệt quản lý thị trường không được cản trở công việc kinh doanh, làm ăn của doanh nghiệp khi thực hiện công vụ.
"Ngành công thương không được chủ quan, thỏa mãn với các thành tích đã đạt được, phải nhìn rõ thách thức. Để cả nước lên chuyến tàu 4.0, hành lý của Bộ Công Thương đã có gì?"- Thủ tướng đặt câu hỏi cho lãnh đạo Bộ Công Thương.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại trận đấu của đội tuyển quốc gia Việt Nam với Yemen tại khuôn khổ vòng bảng Asian Cup 2019 để yêu cầu ngành công thương phải đồng bộ ở các tuyến, các tập đoàn, tổng công ty, hiệp hội, địa phương. "Đội tuyển của chúng ta có thể thua đội Iran vì họ đã ra sân chơi World Cup, nhưng không thể thua Yemen hoặc một số đội khác. Ngành công thương cũng phải lấy tinh thần đó, phải đồng bộ ở các tuyến, phải có chương trình hành động cụ thể" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Sau chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết với tinh thần như Thủ tướng đã dẫn chứng về đội bóng quốc gia Việt Nam, ngành công thương từ đầu đã xác định mục tiêu, đề ra yêu cầu cụ thể, nghiêm khắc để hành động.
"Thay mặt cho ngành công thương, tôi ý thức rất sâu sắc những bất cập, tồn tại của ngành mà Thủ tướng đã nêu cũng như các nhiệm vụ lớn mà Thủ tướng giao cho ngành trong thời gian tới. Chúng tôi sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến chỉ đạo" - ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh hứa với Chính phủ, lãnh đạo Đảng, nhà nước sẽ tiếp thu các ý kiến chỉ đạo, khắc phục các hạn chế nêu trên, biến các ý kiến chỉ đạo thành những hành động cụ thể của ngành.
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!